Hoạt động của các tập đoàn: Nhiều lỗ hổng cần lấp

Hoạt động của các tập đoàn: Nhiều lỗ hổng cần lấp
TPO – Báo cáo giám sát của UBKT của QH sáng nay cho thấy, còn nhiều vấn đề pháp lý cần bổ sung như trách nhiệm của lãnh đạo làm thất thoát vốn của Nhà nước, việc đầu tư vốn tràn lan không hiệu quả của các tập đoàn, Tcty nhà nước.

>> Làm rõ vốn nhà nước thất thoát đi đâu ?

Hoạt động của các tập đoàn: Nhiều lỗ hổng cần lấp ảnh 1
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, hoạt động đầu tư tài chính của các tập đoàn, tổng công ty đều bị thua lỗ trong các năm 2007 - 2008. Ảnh minh họa

Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết ngoài những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản pháp luật, hiện chưa có quy định hạn chế cơ cấu đầu tư trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng một số trường hợp công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ.

Có tình trạng công ty mẹ đầu tư chi phối cả công ty cháu làm phức tạp quan hệ đầu tư, gây tình trạng chồng chéo, lẫn lộn trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Cùng với đó cơ chế giám sát và tổ chức thực hiện giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về sử dụng vốn, tài sản nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn nhiều bất cập.

Theo Ủy ban Kinh tế, nếu đánh giá một cách tổng quát thì đa số các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã kinh doanh có lãi; các chỉ tiêu nhìn chung đều tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức độ thì khác nhau. Có tập đoàn, tổng công ty đạt hiệu quả cao, có đơn vị lại đạt hiệu quả rất thấp.

Nhìn chung quy mô vốn chủ sở hữu của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty không ngừng tăng trong những năm qua. Đến cuối năm 2008 đạt 485.644 tỷ đồng. Tốc độ tăng vốn chủ sở hữu tính chung ở mức khá cao 46,5%. Nguồn bổ sung vốn chủ sở hữu chủ yếu từ lợi nhuận sau thuế và thặng dư vốn cổ phần. Đến cuối 2008 có 7 tập đoàn có quy mô vốn chủ sở hữu trên 10.000 tỉ đồng.

Nắm vốn lớn nhưng hiệu quả không cao

Đầu tư ngoài ngành thua lỗ

Ủy ban Kinh tế cũng cho biết có tất cả 47 tập đoàn, tổng công ty tham gia đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, góp vốn quỹ đầu tư với tổng vốn đầu tư vào cuối năm 2006 là 6.434 tỷ đồng. Con số này vào cuối năm 2007 là 16.190 tỷ đồng. Đến cuối năm 2008 số vốn đầu tư lên tới 21.164 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động ngoài ngành của các đơn vị này đều có thua lỗ.

Tuy nhiên theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, dù được hưởng khá nhiều đặc quyền đặc lợi và nắm một lượng vốn rất lớn nhưng việc sử dụng các dòng vốn này tại các tập đoàn, tổng công ty hiệu quả chưa cao.

Số liệu tổng hợp trong 3 năm 2006-2008 cho thấy riêng 18 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt, tỉ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu có xu hướng tăng, nhưng vẫn ở mức thấp, Năm 2006 tỉ lệ này là 1,1 lần; năm 2007 là 1,2 lần và năm 2008 là 1,3 lần. 

Một vấn đề đáng chú ý đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty hiện nay đó là có không ít đơn vị, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, hoạt động sản xuất - kinh doanh chủ yếu nhờ vốn vay ngân hàng và vốn chiếm dụng.

Cơ cấu tài chính không hợp lý, dễ phát sinh rủi ro về cân đối dòng tiền, nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nên khả năng thanh toán không đảm bảo, ảnh hưởng đến tính ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Cụ thể năm 2006 có 38 tập đoàn, tổng công ty có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng 3 lần. Năm 2007 và 2008 số đơn vị có hệ số vốn vượt ngưỡng 3 lần giảm xuống còn 31 tập đoàn, tổng công ty.

Báo cáo cũng cho thấy, tính đến 31/12/2008, một số đơn vị có tỷ lệ tổng nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu trên 10 lần là Tổng công ty xây dựng CTGT 1 (21,6 lần), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (17,4 lần), Tổng công ty xây dựng CTGT 4 (14 lần), Tổng công ty Thành An (13,9 lần);

Tổng công ty xây dựng công nghiệp Việt Nam (12,9 lần),  Tổng công ty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (12,2 lần), Tổng công ty xây dựng CTGT 8 (12 lần), Tổng công ty thuỷ tinh và gốm XD (11,3 lần), Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (10,9 lần).v.v...

Ông Hiền cũng cho biết theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ tổ chức tín dụng của bảy tập đoàn là 128.786 tỷ đồng, tăng 20,54% so với cuối năm 2007. Số nợ này chiếm gần 10% so với tổng nợ tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tại cùng thời điểm.

Một số đơn vị có nợ tổ chức tín dụng rất lớn, trong đó riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam nợ 66.764 tỷ đồng, chiếm 51,84% trong tổng nợ tổ chức tín dụng của 7 tập đoàn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nợ 21.477 tỷ đồng, chiếm 16,67%; Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam nợ 19.885 tỷ đồng, chiếm 15,44%.

Nợ quá hạn của nhóm 9 tổng công ty này lên tới 1.208 tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng số nợ tại tổ chức tín dụng. Một số tổng công ty có tỷ lệ nợ quá hạn rất cao như Tổng công ty công trình giao thông 1 nợ quá hạn là 190 tỷ, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 nợ quá hạn là 113 tỷ, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 nợ quá hạn là 50 tỷ...

Ngoài ra, một số tổng công ty như Tổng công ty mía đường II, Tổng công ty rau quả, nông sản, Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam, Tổng công ty thủy sản Việt Nam... đã thực hiện bảo lãnh vay vốn đối với các dự án vay vốn thuộc các doanh nghiệp thành viên không đúng với các quy định của pháp luật, không thẩm định kĩ lưỡng về hiệu quả đầu tư và phương án trả nợ.

Việc này dẫn đến khi doanh nghiệp thành viên lâm vào tình trạng phá sản, kinh doanh thua lỗ thì các tổng công ty phải dùng vốn nhà nước trả nợ thay, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung.

6 biện pháp giải quyết vấn đề tập đoàn

Trước tình trạng hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty như hiện nay, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật liên quan đến doanh nghiệp, sớm ban hành Luật sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh để quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Cùng với đó cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vốn và tài sản tại tập đoàn, tổng công ty; có biện pháp chấn chỉnh, củng cố các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn hoặc hoạt động kém hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp.

Hoạt động đầu tư tràn lan ở một số đơn vị, nhất là sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro khi không có bộ máy, nhân lực thích hợp, gây thất thoát vốn hoặc sử dụng vốn cũng cần được chấn chỉnh lại. Ngoài ra cũng cần quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc về hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cần kiên quyết xử lý sớm, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, không để tình trạng vốn đầu tư của Nhà nước tiếp tục bị thất thoát”- Ông Hiền cho biết.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG