Làm rõ vốn nhà nước thất thoát đi đâu

Làm rõ vốn nhà nước thất thoát đi đâu
TPO - Trong buổi làm việc sáng nay, 9/11, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, cần phải làm rõ số vốn thua lỗ của các tập đoàn, tổng công ty có vào túi các đối tác, công ty sân trước, sân sau, công ty con của các đơn vị này?

>> Hoạt động của các tập đoàn: Nhiều lỗ hổng cần lấp

Xóa bỏ những tập đoàn hoạt động không hiệu quả

Làm rõ vốn nhà nước thất thoát đi đâu ảnh 1Cần phải làm rõ số vốn thua lỗ có chạy vào túi các đối tác, công ty sân trước, sân sau, công ty con, cháu của các đơn vị hay khôngLàm rõ vốn nhà nước thất thoát đi đâu ảnh 2 - Đại biểu Nguyễn Đình Xuân.

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) thẳng thắn, hiện các các tập đoàn, tổng công ty đang được hưởng quá nhiều đặc quyền, điển hình là được khai thác độc quyền nguồn tài nguyên của đất nước.

Những đặc quyền này dẫn đến độc quyền trong giá bán. Điển hình là việc tăng giá xăng, tăng giá điện của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam và tập đoàn Điện lực Việt Nam thời gian qua.

Cũng theo ông Cư, nói đến các tập đoàn, tổng công ty, không thể không nói về đặc quyền vốn các đơn vị này được hưởng. Điều đáng lo ngại là hiện các các tập đoàn, tổng công ty có vốn thực rất ít, phần lớn vốn là đi vay ngân hàng để đầu tư tràn lan vào các lĩnh vực khác. Nhóm doanh nghiệp nhà nước hiện nắm tới 60% phần vốn vay trong khi đóng góp chỉ chiếm 40% GDP.

Về cơ chế quản lý các tập đoàn, tổng công ty, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) không thể đảm đương vai trò hiện nay. Vì vậy, cần lập cơ quan ngang cấp bộ quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty.

Chính phủ cũng cần nghiên cứu, xây dựng luật đầu tư vốn của các doanh nghiệp nhà nước với quy định hoạt động trong lĩnh vực đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) kiến nghị, cần có đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc sử dụng vốn nhà nước. Còn đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, báo cáo chưa đánh giá được vấn đề nợ của các tập đoàn, tổng công ty ảnh hưởng, liên quan thế nào đến nợ xấu của ngân hàng. Cần tránh nợ của công ty con liên quan đến công ty mẹ hay tránh tình trạng đảo nợ chéo giữa các công ty con.

Ông Hải lưu ý khả năng trả nợ của các đơn vị vay vốn lớn. “Một hệ thống quản lý còn thiếu sót thì trách nhiệm này thuộc về Quốc hội và Chính phủ” - Ông Hải nói.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) thì cho rằng, dù có bốn lợi thế lớn như: ưu đãi về vốn, cạnh tranh, đất đai và niềm tin nhưng các tập đoàn, tổng công ty không tận dụng được những lợi thế này để phát huy.

Ông đề nghị, cần xóa bỏ những tập đoàn kinh tế hoạt động không hiệu quả cũng như cần có chiến lược xây dựng các tập đoàn kinh tế có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Phân tích khá sâu về vấn đề hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho rằng, với số vốn hiện nay chia cho 95 tập đoàn, tổng công ty thì cao gấp 165 lần so với một doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Mức đầu tư này là quá lớn trong khi tỉ trọng lợi nhuận và số công việc làm tạo ra không đáng kể nếu so với các đơn vị tư nhân khác.

Ông cũng đề nghị, cần xử lý những tổng công ty làm ăn thua lỗ. Nếu không sớm hành động, chúng ta sẽ mất tiền ở những khu vực này. Ngoài ra, theo ông Vang, cần có một bản quy định pháp luật cao hơn nghị định để quản lý về vốn hiện nay.

Theo đánh giá của đại biểu này, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho thấy trên 50% xuất khẩu là thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, thực tế báo cáo của Chính phủ lại cho thấy xuất khẩu của các đơn vị này chỉ ở mức trên 37%. Vì vậy, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty cũng không thể ở mức 40% GDP được. Nếu loại trừ các yếu tố khai thác tài nguyên, chắc chắn mức lợi nhuận của các đơn vị này không thể đạt được.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Triệu Sĩ Lầu cho rằng, cần xem xét lại việc có nhiều đơn vị lớn hoạt động kém hiệu quả, không bảo toàn được vốn. Theo ông, nhiều đơn vị đồng loạt xin thành tập đoàn là để lấy mác trong khi việc quản lý đầu tư bị buông lỏng.

Một lỗ hổng nữa trong việc quản lý các tập đoàn hiện nay là chưa tách biệt được quyền quản lý vốn nhà nước và vốn chủ quản. Điều này dẫn đến việc các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực tài chính trong khi năng lực của cán bộ thì chưa cho phép, kéo theo việc thất thoát vốn, chảy máu chất xám. 

“Cần hạn chế độc quyền trong kinh doanh, đẩy mạnh việc cổ phần hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường mua bán nợ” - Ông Lầu đề nghị.

Làm rõ vai trò của lãnh đạo tập đoàn

Vừa đóng vai trò chính trị, vừa làm kinh doanh ?

Cần làm rõ trách nhiệm của các nhà lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, bao nhiêu người xuất phát từ doanh nghiệp, bao nhiêu người là ủy viên trung ương.

Nếu để tình trạng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty vừa đóng vai trò chính trị, vừa làm kinh doanh, dẫn đến tình trạng mập mờ vai trò của người lãnh đạo.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội)

Theo đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), trong 5 năm gần đây, sự phát triển nhanh của các tập đoàn, tổng công ty đã vượt quá tầm kiểm soát của Nhà nước và quy định của pháp luật. Điều này dẫn đến việc các đơn vị thua lỗ kéo dài, hoặc xem như đã chết nhưng chưa làm thủ tục phá sản.

Nếu để kéo dài thì vốn của nhà nước ngày càng ít đi, quyền lợi của người lao động ngày càng giảm trong khi trách nhiệm của những người gây ra thua lỗ này ngày càng mờ nhạt. Thậm chí, nhiều người đã "hạ cánh an toàn".

“Cần phải làm rõ số vốn thua lỗ có chạy vào túi các đối tác, công ty sân trước, sân sau, công ty con, cháu của các đơn vị hay không” - Ông Xuân nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cũng đề nghị cần phải để cho chính các tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của mình; không thể đòi hỏi các tập đoàn phải hoàn thiện được ngay hoạt động khi vẫn phải gánh trên vai các trách nhiệm xã hội khác. 

“Hoạt động của các tập đoàn, trên thực tế, chúng ta cũng không nắm chắc. Chúng ta mới giám sát họ trên hình thức chứ chưa thể cấm họ thực hiện các hoạt động đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Đơn giản vì chúng ta thiếu khung pháp lý” - ông Đào nói.

Ông Đào cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các nhà lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, bao nhiêu người xuất phát từ doanh nghiệp, bao nhiêu người là ủy viên trung ương. Nếu để tình trạng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty vừa đóng vai trò chính trị, vừa làm kinh doanh, dẫn đến tình trạng mập mờ vai trò của người lãnh đạo.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu ý kiến, trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp nào cũng có thể bị lỗ chứ không riêng các doanh nghiệp nhà nước. Nếu so sánh về hiệu quả đầu tư, trên thế giới, chỉ có Singapore làm tốt việc đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề hiện nay là phải tìm ra những khuyết tật của nền kinh tế để điều chỉnh chứ không chỉ thống kê bao nhiêu doanh nghiệp làm ăn lỗ hay có lãi. Việc cần các tập đoàn mạnh là đúng nhưng việc để các tập đoàn đầu tư lệch hướng cần khắc phục.

“Phải có luật kinh doanh về vốn. Vấn đề quản lý tập đoàn là rất khó. Có người có trình độ nhưng chưa chắc quản lý tốt tập đoàn” - Ông Lịch nói.

Chiều nay, 9/11, các Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG