Đại tang ở xóm nghèo

Đại tang ở xóm nghèo
TP - Sáng sớm 9/11, lần lượt chín quan tài mang chín thi thể nạn nhân xấu số của xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị đất đá vùi chết được tiến hành chôn cất tại nghĩa trang quê nhà trong tràn ngập nước mắt, đau thương.
Đại tang ở xóm nghèo ảnh 1

Con, em trai và người thân bên bàn thờ 2 anh em Hợp và Tám. Ảnh: Hoàng Lam

Xã Trường Lâm là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Tĩnh Gia. Nên bỏ xứ đi làm ăn xa được coi là một “nghề” của người dân nơi đây.

Tính đến nay, toàn xã có đến hàng trăm người (trong đó có cả trẻ em) phải bỏ xứ đi làm thuê ở xa, mưu sinh, kiếm sống vất vả. Là người nông dân nhưng mỗi khẩu ở làng Minh Lâm, xã Trường Lâm chỉ có 7 thước đất nông nghiệp. Trong khi đó, vì thời tiết khắc nghiệt, nên nơi đây chỉ trồng được một vụ lúa mùa. Thời gian còn lại trong năm, người dân tranh thủ trồng cây rau, màu để sinh sống.

Đời sống kinh tế khó khăn, nên nhiều trẻ em học hết lớp 3, 4 hoặc hết cấp THCS rồi phải nghỉ học đi làm thuê. Có nhiều em trong đó trở thành lao động chính nuôi gia đình khi chưa tròn 20 tuổi. Một trong những công việc mà người lao động nơi đây có “truyền thống” làm là đi khai thác vàng thuê ở các tỉnh miền Trung.

Chúng tôi đến thăm gia đình nạn nhân Vũ Lạnh Tấn (SN 1986) khi mọi người chưa hết đau xót trước cái chết của Tấn. Bà Nguyễn Thị Nhoan (50 tuổi) lúc tỉnh, lúc mê, ngồi miết bên bàn thờ con khóc cạn khô nước mắt.

Tấn học hết lớp 5 rồi nghỉ học, sau đó làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Mới 23 tuổi, nhưng Tấn đã có hơn 10 năm đi làm thuê từ Bắc vào Nam và khai thác vàng thuê cho các ông chủ ở các tỉnh miền Trung. Trừ các chi phí sinh hoạt cho bản thân, mỗi năm Tấn gửi về cho gia đình  từ 5 - 7 triệu đồng.

Gần một tháng trước khi xảy ra sự việc thương tâm trên, Tấn về nhà thăm gia đình. Cũng như bao lần rời quê đi kiếm tiền khác, bản thân Tấn và gia đình đều mong Tấn mạnh khỏe, kiếm được nhiều tiền để trang trải cuộc sống còn quá nhiều khó khăn ở quê nhà. Nhưng đó là lần cuối cùng người thân được gặp mặt Tấn.

Đứng cạnh bàn thờ anh trai, em Vũ Lạnh Đức (SN 1993) khuôn mặt gầy đen, còn lo sợ. Đức học xong lớp 9 thì nghỉ học. Theo nghề “truyền thống” của làng, Đức cũng đi đào vàng ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã được 2 tháng. Rất may là nơi Đức làm cách xa nơi anh trai khai thác, nếu không điều xấu đó cũng đã xảy ra với Đức. Đức nói sẽ không bỏ xứ đi đào vàng thuê nữa. Nhưng rồi Đức lại bần thần tâm sự: “Nhưng nếu không đi thì lấy gì để sinh sống, nuôi bố mẹ già và em nhỏ đang còn đi học”.

Trong số 9 người chết, có 8 người ở làng Minh Lâm, 1 người ở làng Sơn Thuỷ, xã Trường Lâm. Thương tâm nhất là hoàn cảnh 2 anh em ruột cùng tử nạn là Nguyễn Hữu Hợp (SN 1976) và Nguyễn Hữu Tám (SN 1985). Anh Hợp là con trai đầu trong gia đình, bố anh mất sớm. Anh Hợp đã có vợ và hai con nhỏ. Hai anh Hợp và Tám mất đi, còn lại 4 anh em và mẹ già yếu. Hai con nhỏ của anh Hợp đang đi học trong nỗi vất vả, khó khăn.

Đau đớn, xót xa không kém là gia đình anh Hoàng Văn Tùng có vợ và 2 người em trai của vợ đều chết trong vụ sạt lở núi. Đó là chị Đỗ Thị Lới (SN 1980) và 2 em trai là Đỗ Thế Tuyền (SN 1982) và Đỗ Thế Hậu (SN 1988). Được biết, chị Lới theo chồng để phụ giúp chuyện cơm nước cho mấy anh em đào vàng thuê.

Mỗi gia đình nạn nhân ở làng Minh Lâm có một hoàn cảnh đáng thương. Người chết trong đau đớn để lại bố mẹ già, em nhỏ, vợ, con thơ và nỗi lo lắng tương lai phía trước. Ngoài số tiền của tỉnh Quang Nam hỗ trợ gia đình đưa xác nạn nhân về, các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh Thanh Hoá đã hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ gia đình có người chết.

Số người ở Minh Lâm chết do tai họa vừa qua đều đang độ tuổi thanh niên và là trụ cột chính của gia đình. Ngày đại tang hôm nay khiến cho không ít người làng Minh Lâm lo lắng về cái nghề “truyền thống” của dân làng. Thế nhưng, đất bạc màu, lúa một vụ trên vùng đất còn nhiều khó khăn chưa mở ra cho họ một hướng đi nào để con cái, người thân họ có thể ổn định, yên tâm phấn đấu học tập, lao động ngay trên mảnh đất quê hương của mình. Nỗi lo này vẫn còn ở phía trước. 

MỚI - NÓNG