“Hà Nội - đô thị sạch nhất trong những “anh” bẩn!”

“Hà Nội - đô thị sạch nhất trong những “anh” bẩn!”
Thủ đô Hà Nội vừa được bình chọn là một trong 10 đô thị sạch nhất Việt Nam, được tuyên dương tại lễ kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam lần hai (ngày 8.11). Điều này khiến dư luận ngỡ ngàng và đặt ra câu hỏi “Liệu đây có là danh hiệu Vedan thứ hai?”.
“Hà Nội - đô thị sạch nhất trong những “anh” bẩn!” ảnh 1

 Xả rác xuống Hồ Hoàn Kiếm trong Lễ hội Phố Hoa đầu năm 2009. Ảnh : Tuấn Anh

Phóng viên đã có buổi trao đổi thẳng thắn với TS Nguyễn Ninh Thực – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam về cuộc bình chọn này.

Thưa ông, việc bình chọn 10 đô thị sạch dựa trên 12 tiêu chí như: Có nhiều sáng kiến làm sạch đô thị; Toàn dân không vứt rác ra đường; Tỉ lệ thu gom rác thải đạt 80% khối lượng trở lên/ ngày; Tỉ lệ hè phố được lát gạch hoặc bê tông hoá đạt từ 70% trở lên,... vậy Hà Nội đạt được bao nhiêu tiêu chí?

- Ngày 8.11.2008, trong lễ míttinh kỷ niệm “Ngày đô thị Việt Nam” lần thứ nhất, Hiệp hội các Đô thị Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội) đã phát động phong trào thi đua “Đô thị sạch” năm 2009. Bảng tiêu chí bình xét thi đua gồm 12 tiêu chí.

Hiệp hội hiện có 91 đô thị thành viên, được chia thành 8 cụm đô thị theo khu vực địa lý. Hà Nội nằm trong cụm đồng bằng sông Hồng gồm 13 thành phố, thị xã.

Cụm này đã họp từ ngày 17 - 18.10.2009 tại TP.Bắc Ninh để tổng kết phong trào thi đua và bình chọn ra hai đơn vị “đô thị sạch” nhất cụm. Trước cuộc họp, có ba ứng cử viên cho danh hiệu này là Hà Nội, Bắc Ninh và Nam Định. Cuối cùng, cụm đồng bằng sông Hồng đã thống nhất chọn Hà Nội và Bắc Ninh, đề nghị Hiệp hội khen thưởng.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Đô thị VN (8.11) do Bộ Xây dựng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN và Hiệp hội các Đô thị VN tổ chức ngày 8.11,Hiệp hội các Đô thị VN đã trao giải "Đô thị sạch" cho 10 đô thị tiêu biểu đáp ứng được 12 tiêu chí.

Đó là các thành phố: Bắc Ninh, Ban Mê Thuột, Đà Lạt, Hà Nội, Hoà Bình, Huế, Thái Nguyên, Sơn La, Vinh và Việt Trì.

Hội đồng khen thưởng gồm những ai, thưa ông?

- Hiệp hội không thành lập Hội đồng. Hiệp hội tôn trọng quyền dân chủ của cơ sở. Do đó, cách thức bình chọn là từ cơ sở đưa lên, nghĩa là 8 cụm sẽ tiến hành tổng kết phong trào thi đua đơn vị sạch và bình chọn đơn vị xuất sắc nhất để Hiệp hội khen thưởng.

Sau thông tin Hà Nội được tuyên dương là một trong mười đô thị sạch nhất Việt Nam năm 2009, dư luận phần lớn đều không đồng tình. Bởi thực tế, Hà Nội (cùng với TP.Hồ Chí Minh) quá ô nhiễm với các chỉ số ô nhiễm không khí, đất, nước cao nhất nước và là một địa chỉ ô nhiễm không khí “có hạng” trên thế giới. Vậy, theo ông, Hà Nội có thật xứng đáng không?

- Trong 12 tiêu chí, không có tiêu chí bình xét về ô nhiễm nước và không khí. Để đánh giá hai tiêu chí này, chúng tôi cần phải có phương tiện để quan trắc, đo đếm. Trên thực tế, chỉ có hai thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh có điều kiện và trang thiết bị để tiến hành đo kiểm ô nhiễm.

Thực ra hai thành phố lớn trên cũng không có phương tiện để quan trắc, mà phương tiện, trang thiết bị là của các cơ quan khoa học trung ương. Do đó, khi bàn về tiêu chuẩn thi đua, Hiệp hội cũng có bàn đến tiêu chí sạch về nguồn nước và không khí, nhưng đành phải bỏ hai tiêu chí này. Bởi khi thi đua, ít nhất các tiêu chí định ra cũng phải đo đếm được; tiêu chí nào không định lượng được thì cũng phải định tính thật rõ.

Về rác thải rắn, có các tiêu chí: Một, tỉ lệ thu gom rác hàng ngày; Hai, cách thức xử lý rác thải; Ba, ý thức của người dân: Không vứt, đổ rác ra đường.

Hiệp hội đặt tiêu chí “Toàn dân không đổ rác ra đường” là vì muốn các đô thị bắt đầu quá trình giáo dục ý thức cho người dân.

Nhật Bản đã tổng kết: Để hình thành được ý thức, thói quen không vứt rác ra đường, Nhật Bản đã phải tiến hành kiên trì, quyết liệt trong 20 năm. Từ đó, Nhật Bản đưa ra công thức sau: Thói quen + Ý thức = Giáo dục + Biện pháp hành chính.

Như vậy, nếu chúng ta chỉ tuyên truyền, cổ động mà không đi đôi với các biện pháp hành chính quyết liệt, kiên trì trong nhiều năm thì không thể hình thành thói quen, ý thức của người dân là không vứt, đổ rác ra đường. Phong trào thi đua này có ý nghĩa mở đầu cho quá trình đi đến việc dần dần hình thành thói quen tốt này ở người dân.

Còn về thu gom và xử lý rác thì hiện Hà Nội làm khá tốt và có công nghệ xử lý rác tiên tiến nhất nước. Khi bình chọn, chúng ta phải đặt Hà Nội trong tương quan với các thành phố, thị xã khác để so sánh, chứ không thể chỉ đơn giản là nhìn thấy.

Hà Nội bây giờ là thành phố rất lớn với lượng thu gom rác hàng ngày đến hàng nghìn tấn, trong khi đó, các đô thị thuộc tỉnh chỉ phải thu gom chỉ khoảng 10 tấn rác/ ngày. Nhìn toàn cảnh, rõ ràng Hà Nội làm công tác này tốt hơn. Đặc biệt, rác thải y tế - một loại rác thải nguy hại - đảm bảo được đốt 100%, chứ không bị vứt ra ngoài như các thành phố, thị xã khác.

12 tiêu chí bình xét thi đua năm đô thị sạch 2009

1. Toàn đô thị tổ chức lễ phát động thi đua và có ít nhất 80% số xã, phường, thị trấn tổ chức lễ phát động thi đua năm đô thị sạch.

2. Có nhiều hình thức, hoạt động tuyên truyền, cổ động cho phong trào thi đua.

3. Có nhiều sáng kiến làm sạch đô thị.

4. Các đường phố được quét dọn sạch sẽ, toàn dân không vứt và đổ rác ra đường.

5. Tỉ lệ thu thu gom và vận chuyển rác ra khỏi nội thành, nội thị hàng ngày đạt từ 80% khối lượng trở lên.

6. Tỉ lệ xã, thị trấn có đội thu gom rác đạt từ 70% trở lên.

7. Số thùng rác đặt ở nơi công cộng trên 1.000 dân.

8. Tỉ lệ đường nội thành, nội thị được nhựa hoá, bê tông hoá đạt từ 75% diện tích trở lên.

9. Tỉ lệ đường thôn, lãng, xóm, ấp, bản được nhựa hoá hoặc bê tông hoá từ 60% diện tích trở lên.

10. Tỷ lệ hè phố ở nội thành, nội thị được lát gạch hoặc bê tông hoá đạt từ 70% diện tích trở lên

11. Tỷ lệ các doanh nghiệp có xử lí nước thải đạt từ 50% trở lên.

12. Số các cơ sở sản xuất có ô nhiễm môi trường ở nội thành, nội thị có ít nhất.

Khi tính đến khối lượng công việc như vậy, chúng ta mới thấy được cố gắng của các đô thị lớn. Ví dụ, nhìn bề ngoài, tỉnh Bắc Ninh sạch hơn Hà Nội nhưng dân cư thưa thớt, khối lượng công việc ít hơn nhiều. Và hiển nhiên, công việc ít thì dễ quản lý hơn, còn khối lượng công việc nhiều thì độ phức tạp cao hơn nhiều lần.

Tỉ lệ bêtông hoá hè phố, nhựa hoá các con đường hẹp cũng là yếu tố góp phần giảm ô nhiễm bụi, làm sạch đô thị.

Người dân thường chỉ nhìn thấy được một vài tiêu chí trong số 12 tiêu chí. Nhưng khi bình xét, Hiệp hội phải đánh giá trên cả 12 tiêu chí.

Xin phép bàn thêm về vấn đề thứ ba (là Tiêu chí 4 trong bảng tiêu chí): Người dân không vứt đổ rác ra đường. Hiện nay, người dân Hà Nội vẫn vứt đổ rác ra đường khá nhiều. Thậm chí khi ăn, người dân thản nhiên xả rác đầy dưới chính chân mình, khiến khách du lịch đến Hà Nội rất sợ. Chưa kể, gần đây VTV1 có một phóng sự về chuyện xả rác ở khu Hào Nam, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính. Chả nhẽ Hiệp hội không biết, thưa ông?

- Chúng tôi có xem, có biết. Có thể từ những chuyện này mà dư luận có nhiều luồng ý kiến không đồng tình với danh hiệu mà Hà Nội được trao.

Khi truyền hình đưa tin như vậy, Hiệp hội cũng phân vân và gọi điện thoại hỏi ý kiến cụm trưởng cụm đồng bằng sông Hồng. Chúng tôi đề nghị cụm trưởng xem xét lại đối với Hà Nội. Cụm trưởng đã trả lời: Đây là nghị quyết của tập thể 13 đô thị đã bình bầu và nhất trí hoàn toàn, nên một mình cụm trưởng không thể thay đổi quyết định này. Do đó, cụm trưởng cũng như Hiệp hội phải tôn trọng quyết định này của tập thể.

Và trong 12 tiêu chí, tiêu chí 4 này là khó nhất. Về cơ bản, trong nội thành nội thị, Hà Nội đảm bảo được tiêu chí đường phố sạch đẹp. Còn thực tế, cũng chưa có thành phố, thị xã nào ở Việt Nam ta đạt được tiêu chí đề ra này.

Nhưng thưa ông, rõ ràng không cần quan trắc, định lượng cũng “mắt thấy, tai nghe” về ô nhiễm bụi, ô nhiễm kênh rạch, sông hồ ở Hà Nội.

- Không thể phủ nhận Hà Nội (và TPHCM) đang trong quá trình chuyển hoá rất mạnh mẽ, đặc biệt lĩnh vực cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị với tốc độ nhanh nên rác thải xây dựng, tiếng ồn, ô nhiễm không khí rất nhiều. Điều này là không thể tránh khỏi. Tất nhiên hai thành phố này phải tính đến chuyện giảm thiểu những ô nhiễm trên.

“Hà Nội - đô thị sạch nhất trong những “anh” bẩn!” ảnh 2
TS Nguyễn Ninh Thực - Phó TTK Hiệp hội Các đô thị Việt Nam

Về ô nhiễm nguồn nước, Sở Y tế nói chưa phát hiện cơ sở nào ở Hà Nội xả thải trực tiếp ra sông hồ, hệ thống cống rãnh. Chỉ có duy nhất trường hợp Nhà máy Bia Hà Nội xả thải trực tiếp ra mương chảy qua khu vực khu dân cư thì đã xử lý rồi. Hà Nội có 4 khu công nghiệp tập trung lớn: Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Nội Bài, Sài Đồng đều có hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra sông hồ.

Như vậy, sông hồ đen chủ yếu do nước thải sinh hoạt, sơ sở sản xuất tư nhân. Hiện nay, trên cả nước, chưa thành phố, thị xã nào có hệ thống riêng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nên vẫn đổ thẳng ra sông, chứ không riêng gì Hà Nội.

Nếu như vậy, nghĩa là Hà Nội và các “đô thị sạch” khác là sạch theo phong trào, chứ không thực chất. Đồng nghĩa, đô thị Việt Nam quá bẩn, thưa ông?

- Trong phong trào thi đua, chúng ta không bao giờ tránh được chuyện “so bó đũa, chọn cột cờ”. So sánh tương quan với các thành phố khác thì Hà Nội nhỉnh hơn nên được chọn. Hiệp hội thừa nhận đây chỉ là chọn “đô thị sạch nhất trong những “anh” bẩn” để động viên và tạo phong trào thi đua, chứ không thể so sánh với các thành phố sạch trên thế giới.

Các thành phố sạch đó thuộc các nước đã phát triển, đi trước chúng ta hàng trăm năm với cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện, trong khi Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh mới bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, khắp nơi ngổn ngang những công trường. Chúng ta phải nghĩ rằng để được như vậy, các nước đó cũng đã mất bao nhiêu năm và phải làm như thế nào.

Và bởi các đô thị Việt Nam còn bẩn thì Hiệp hội mới phát động phong trào sạch. Phát động phòng trào sạch là mở đầu cho cả một quá trình tiếp tục về sau này. Danh hiệu đô thị sạch năm 2009 là để động viên các đô thị cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Từ thực tế phong trào cũng như qua góp ý của dư luận, báo chí, Hiệp hội sẽ nghiên cứu, xác định các tiêu chí cụ thể, sát thực, chặt chẽ hơn để ban hành quyết định mới vào cuối năm 2009. Từ đó, Hiệp hội sẽ chính thức phát động phong trào thi đua Xanh - Sạch - Đẹp lần đầu tiên từ năm 2010, chứ không chỉ là khẩu hiệu như từ trước đến nay.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huyền Lê
Lao động

MỚI - NÓNG