Thảo luận dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, thủy điện Lai Châu:

An toàn là tối thượng

An toàn là tối thượng
TP - Hôm qua, 13/11, thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận  và dự án Thủy điện Lai Châu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề an toàn là tối thượng.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cho rằng, điện hạt nhân là lời giải tốt cho an ninh năng lượng. Tuy nhiên, lo lắng nhất vẫn là công tác đảm bảo an toàn. Ông Thảo đưa ra chín điều kiện về an toàn hạt nhân, trong đó đặc biệt lưu ý  phải xây dựng được văn hóa an toàn hạt nhân, điều này là khó ở Việt Nam.

Trung tướng Trần Hanh (Đại biểu Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, đảm bảo an toàn phải là tối thượng, dù đầu tư có tốn kém hơn. Do vậy, chúng ta phải chọn công nghệ thế hệ thứ ba trở lên.

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho biết, phải là công nghệ thế hệ thứ ba mới có khả năng nhốt phóng xạ khi có sự cố.

Là người sống ngay ở vùng dự án, Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ, người dân còn lo lắng bởi chúng ta lệ thuộc công nghệ, tài chính nước ngoài. Do vậy, Quốc hội phải có nghị quyết, giao trách nhiệm cụ thể để Chính phủ, chủ đầu tư thực hiện đúng, đảm bảo công trình an toàn, hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, chúng ta phải tính toán xem đã hội đủ các điều kiện để xây dựng nhà máy chưa? Ông Thuyết dẫn chứng, nguồn nguyên liệu phụ thuộc nước ngoài, vốn chủ yếu đi vay, nhân lực chưa có, cơ chế quản lý chúng ta còn yếu, chưa minh bạch. Đây là những thách thức lớn khi triển khai xây dựng nhà máy.

Theo Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk), việc đào tạo nguồn nhân lực để điều hành nhà máy là không đơn giản. Trước đây, trường Đại học Khoa học Tự nhiên có khoa đào tạo về lĩnh vực này, nhưng ít người học nên đã dừng đào tạo. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có hệ thống tiêu chuẩn an toàn hạt nhân.

Ông Dũng cho rằng, không nên lấy mốc 2020 là cố định mà phải xây dựng lộ trình cụ thể. Trước mắt, chỉ nên xây dựng một nhà máy để rút kinh nghiệm.

Mang đến Quốc hội bản kiến nghị của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) quả quyết, chỉ nên xây dựng trước một nhà máy, sau đó tiến tới làm chủ công nghệ. Ông Hồng đề nghị, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về điện hạt nhân. Trước khi triển khai dự án nên giao cho Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam tham gia tư vấn, phản biện.

Trước những băn khoăn của các đại biểu về nhà máy điện hạt nhân, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, dù công nghệ nào đi nữa cũng phải hiện đại, đã được kiểm chứng, hiệu quả, an toàn. Chính phủ báo cáo từ công nghệ thế hệ thứ hai trở lên, có nghĩa là, chúng ta có thể chọn công nghệ ba hoặc ba cộng.

Ở giai đoạn lập dự án đầu tư, Chính phủ sẽ lựa chọn công nghệ cụ thể và báo cáo Quốc hội. Ngoài ra, căn cứ các tiêu chí do Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế ban hành và điều kiện cụ thể tại Việt Nam, Chính phủ đưa ra 34 tiêu chí lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy. Hai địa điểm tại Ninh Thuận hội tụ các điều kiện ở mức cao nhất.

Trước lo lắng của các đại biểu về nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trấn an: Cốt tự nhiên của nhà máy là 8 m, trong khi biển dâng thì cũng chỉ 0,7 - 1m.

An toàn là tối thượng ảnh 1Năm 2020, chúng ta thiếu điện rất nghiêm trọng, đấy là lý do Chính phủ mạnh dạn đề xuất Quốc hội xem xét triển khai hai nhà máy điện hạt nhân công suất 4.000 MW.An toàn là tối thượng ảnh 2 - Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Về chủ trương xây dựng một hay cùng lúc hai nhà máy, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, Chính phủ đã nghiên cứu kỹ xuất phát từ bài toán cân bằng năng lượng. Từ 2015 trở đi, chúng ta phải có nguồn điện thay thế dần nguồn năng lượng truyền thống trong bối cảnh, trữ lượng than, dầu khí trong nước đều cạn dần.

Muốn tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới cũng không đơn giản. Nếu không phát triển năng lượng hạt nhân mà tính phương án nhập khẩu điện cũng không ổn, nguồn nhập có hạn, không bù đắp được lượng thiếu hụt.       

Giải đáp lo lắng của đại biểu về chất thải, ông Hoàng cho biết, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu tìm địa điểm lưu giữ lâu dài chất thải. Hiện, thế giới cũng đang nghiên cứu tái sử dụng các thanh nhiên liệu đã sử dụng. Nhà cung cấp công nghệ, thiết bị phải cam kết cung cấp lâu dài các thành nhiên liệu hạt nhân, cho vay vốn trả chậm, nếu không cung cấp thì không đàm phán.

An toàn là tối thượng ảnh 3

Nhà máy điện hạt nhân, thủy điện đều cần đặc biệt quan tâm yếu tố an toàn (Ảnh: Mô hình thủy điện Sơn La). Ảnh: Từ Internet

Thủy điện Lai Châu: Phải tính đến khả năng vỡ đập

ĐB Đặng Văn Chiến (Lai Châu) cho rằng, đây là quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước trong việc đầu tư phát triển không chỉ Lai Châu mà toàn bộ vùng Tây Bắc. ĐB đề nghị xem xét toàn diện các tiêu chí quan trọng như tác động đến thiên nhiên, môi trường, rừng phòng hộ đầu nguồn, yếu tố lịch sử văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội khu vực.

“Mường Tè là nơi sinh sống của 14 dân tộc, có những dân tộc rất ít người chỉ có ở đây như La Hủ, Mảng, Cống, Khơ Mú. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc giữ gìn di sản văn hóa, không để các giá trị đó bị chìm đắm dưới lòng hồ”- Ông Chiến đề nghị.

Nhiều ĐB cũng cho rằng cần quan tâm, bảo đảm cho dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, là dịp tốt để cơ cấu lại dân cư vùng dự án phù hợp với cơ cấu kinh tế - xã hội mới.

ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) đề nghị dự án Thủy điện Lai Châu phải được gắn kết với nhiều dự án, chương trình. Đặc biệt là Chương trình 135, Chương trình 5 triệu ha rừng sẽ tăng hiệu quả, tuổi thọ của đập thủy điện lên cao.

Liên quan dự án Thủy điện Lai Châu, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, khả năng động đất, vỡ đập phía thượng nguồn đã được khảo sát và đảm bảo an toàn.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, giai đoạn lập dự án đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ chỉ đạo công ty tư vấn tiếp tục tính toán, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm”.

Theo ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng), trong hồ sơ dự án chưa nêu tính toán an toàn cho đập, chưa thể hiện kết quả khảo sát hiện tượng nứt gãy, khả năng động đất trong điều kiện hồ chứa nước đang ở mức cao và các số liệu tính toán liên quan đến thượng nguồn phía Trung Quốc. Dự án không thuyết minh tuổi thọ công trình bao nhiêu năm, điều kiện an toàn và ảnh hưởng của nó tới thủy điện Sơn La, Hòa Bình.

Phương án ứng phó lũ quét, sạt lở lớn, ảnh hưởng của các vùng lân cận nhà máy khi xả lũ lớn trong trường hợp mưa kéo dài, gây úng đập, phương án ứng phó khi các đập thủy điện của các nhà máy ở phía Trung Quốc có sự cố thì sao?” - Ông Học phát biểu.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập vấn đề động đất ở khu vực Tây Bắc, và đề nghị phải tính xem khả năng động đất cấp lớn nhất là bao nhiêu để xây dựng một công trình phù hợp.

“Để đảm bảo tuổi thọ thủy điện Lai Châu cũng như nhà máy thủy điện Sơn La và nhà máy thủy điện Hòa Bình, đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà, trong đó có giải pháp cho áp dụng cấp gạo cho các hộ dân bảo vệ rừng”- ĐB Cầm Chí Kiên (Sơn La) góp ý.

Thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách T.Ư

Hôm qua, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2010. Theo đó, tổng số chi cân đối ngân sách trung ương năm 2010 là 370.436 tỷ đồng.

Tính cả 52.736 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong ba năm (2007 - 2008 – 2009), thì tổng chi ngân sách trung ương năm 2008 là 427.172 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …