Doanh nghiệp nhà nước: Đâu là nhiệm vụ chính trị?

Doanh nghiệp nhà nước: Đâu là nhiệm vụ chính trị?
TP - Diễn đàn Quốc hội đầu tuần này nóng lên với những thảo luận về các tập đoàn kinh tế nhà nước. Do được báo cáo tóm tắt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cung cấp thông tin, khá nhiều đại biểu quốc hội đã nêu ý kiến của mình, đã tính công và luận tội các doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp nhà nước: Đâu là nhiệm vụ chính trị? ảnh 1
Nhân viên EVN đang tác nghiệp tại Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: An Vinh

Các quan chức Chính phủ đánh giá cao thành tích của các doanh nghiệp nhà nước. Các đại biểu khác lại nhấn mạnh những yếu kém của chúng khiến một số quan chức phải giải trình cho tập đoàn. Tại sao có những mâu thuẫn như vậy trong các đánh giá?

Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Đảng khẳng định. Các quan chức Chính phủ cho là nghiễm nhiên rằng DNNN phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế - chính trị do nhà nước giao. Thành tích chống lạm phát năm 2008 và chống suy giảm kinh tế năm 2009 được cho là công lớn của các DNNN và “chúng ta đã thấy rõ vai trò” của chúng.

Đấy là những khẳng định rất có trọng lượng để ủng hộ các DNNN. Tuy nhiên, phải có những số liệu cân đong, đo, đếm được để minh chứng cho các khẳng định ấy, chứ không thể phán một cách chung chung. Rất tiếc, các số liệu của chính báo cáo giám sát của Quốc hội (tuy đôi chỗ có vẻ vẫn là số làm đẹp) và của Tổng cục Thống kê lại ủng hộ các khẳng định ngược lại.

Việc lẫn lộn các khái niệm “vai trò chủ đạo”, “nhiệm vụ chính trị” và “nhiệm vụ kinh tế” vô tình hay cố ý đã góp phần làm cho vấn đề trầm trọng thêm. Dưới đây chỉ muốn làm rõ về “nhiệm vụ chính trị”.

Nhiệm vụ chính trị là một khái niệm khá mơ hồ. Tuy nhiên, đã là doanh nghiệp thì nhiệm vụ chính trị cao nhất phải được đo bằng tính hiệu quả như nó sử dụng bao nhiêu nguồn lực của đất nước và tạo ra các thành tích như thế nào. Lợi nhuận chỉ là một trong nhiều tham số cần xem xét.

Các nguồn lực chủ yếu gồm vốn, đất đai (tài nguyên), thương quyền, các nguồn lực khác. Thành tích gồm tạo công ăn việc làm, đóng góp cho GDP, đóng góp cho sản lượng công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, nộp thuế cho nhà nước, v.v.

Hai năm vừa qua tôi đã có nhiều bài phân tích các số liệu của Tổng cục Thống kê và so sánh về sử dụng nguồn lực và thành tích giữa ba loại doanh nghiệp: DNNN, doanh nghiệp tư nhân, và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về nguồn lực, các DNNN luôn đứng đầu trong xếp hạng, tức là chúng sử dụng tất cả các loại nguồn lực với tỷ trọng cao nhất.

Về thành tích, khu vực nhà nước luôn đứng thứ ba trong mọi tiêu chí xếp hạng. Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, DNNN không tạo ra việc làm mới (số việc làm giảm đi).

Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp (%) cho GDP của các khu vực như sau:

Doanh nghiệp nhà nước: Đâu là nhiệm vụ chính trị? ảnh 2
Nguồn: TCTK

Lưu ý rằng đóng góp vào GDP của khu vực nhà nước bao gồm cả đóng góp của các ngành khác như y tế, giáo dục, quân đội, v.v. chứ không chỉ của các DNNN (cho nên thật khó hiểu khi báo cáo giám sát của Quốc hội nói: “chỉ tính riêng trong năm 2008, khối doanh nghiệp nhà nước mà nòng cốt là các tập đoàn, tổng công ty, đã đóng góp gần 40 phần trăm giá trị GDP”).

Báo cáo giám sát cho rằng năm 2008 các DNNN tạo ra 39,5 phần trăm giá trị sản xuất công nghiệp (?), trên 50 phần trăm kim ngạch xuất khẩu. Số liệu của Tổng cục Thống kê về giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế phân theo thành phần kinh tế (phầm trăm) như sau:

Doanh nghiệp nhà nước: Đâu là nhiệm vụ chính trị? ảnh 3

Nguồn: TCTK, Niên giám thống kê 2008.


Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu năm 2008 của các doanh nghiệp trong nước là 27.785,1 triệu USD (44,3 phần trăm tổng xuất khẩu) còn xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) là 34.900,0 triệu USD. Có lẽ báo cáo giám sát tính cả phần xuất dầu thô cho các DNNN nên mới có con số trên 50 phần trăm nêu trên.

Đáng lưu ý, nếu phân tích chi tiết thì thấy xuất khẩu của các DNNN chủ yếu là xuất tài nguyên và chính chúng gây ra nhập siêu lớn của Việt Nam (số liệu thống kê cho thấy khu vực FDI luôn xuất siêu, trừ 2008 có thâm hụt nhỏ; khu vực tư nhân trong nước có lẽ cân đối được xuất nhập nếu không xuất siêu).

Người ta cũng hay dùng hệ số ICOR (nôm na bằng số đồng vốn để tạo ra một đồng GDP) để đo tính hiệu quả. Các chuyên gia thống kê tính toán tỉ mỉ và thấy ICOR của khu vực nhà nước luôn cao hơn của khu vực tư nhân (từ 2,23 đến 2,44 lần tùy theo cách tính).

Nhìn chi tiết như thế, thì thấy thành tích của các DNNN luôn đứng cuối, không cân xứng với vị trí số một trong sử dụng mọi nguồn lực. Xét thế thì chúng thực hiện nghiệm vụ chính trị của mình rất kém. Thành tích chống lạm phát cũng vậy (thử nhớ lại các tổng công ty lương thực đã làm gì để bình ổn giá lương thực ở TP Hồ Chí Minh năm 2008, nếu không muốn nói đã làm trầm trọng thêm tình hình).

Lấy việc tham gia hỗ trợ các huyện nghèo, đưa điện lên vùng sâu vùng xa, không được tăng giá để nói các DNNN làm tốt nhiệm vụ chính trị là một sự lầm lẫn chết người. Đấy là cách làm không hay. Phải tách bạch hoạt động can thiệp hành chính của nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp. Dùng doanh nghiệp như công cụ can thiệp là rất cám dỗ đối với các quan chức nhưng là cách dùng sai và có hệ quả khôn lường về dài hạn. Tôi cho rằng chúng là vấn đề chứ không phải giải pháp.

MỚI - NÓNG