'Cuộc chiến' rừng và thủy điện - Bài II 

Nhà đầu tư thủy điện: Đừng đổ hết tội lên chúng tôi!

Nhà đầu tư thủy điện: Đừng đổ hết tội lên chúng tôi!
TP - Nhiều người cho rằng, tình trạng nhà nhà làm thủy điện đã góp phần không nhỏ vào thảm họa bão lũ miền Trung. Còn những doanh nhân đầu tư vào thủy điện lại bất bình...

>> Bài 1

Nhà đầu tư thủy điện: Đừng đổ hết tội lên chúng tôi! ảnh 1
Nhà máy thủy điện Krông Hin vẫn giữ được rừng đầu nguồn.
Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Chẳng phải dễ xơi!

Tiền Phong có bài “Ông chủ nhà máy điện tư nhân đầu tiên ở Việt Nam”. Đó là kỹ sư Nguyễn Quyền, trú tại TP Buôn Ma Thuột, người đã thiết kế hơn 40 công trình thủy điện vừa và nhỏ (TĐVVN) ở nhiều tỉnh thành. Công trình đầu tay của ông sau khi tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội, là thủy điện Lào Cai vào năm 1968, với công suất 2 MW khi ấy đã được xem là lớn, đủ cung cấp điện cho cả thị xã Lào Cai và mỏ Apatít Cam Đường.

Từ khi còn là Giám đốc Cty Khảo sát thiết kế Thủy lợi Thủy điện của tỉnh Đăk Lăk, ông Quyền đã say mê nghiên cứu cách biến những dòng thác lớn nhỏ trên Tây Nguyên thành nguồn điện sáng rồi xin nghỉ hưu sớm mở doanh nghiệp để dồn sức làm thủy điện (TĐ) cho thỏa ước mơ.

Nhà máy đầu tiên do ông sở hữu là TĐ Krông Hin công suất 5 MW, tổng vốn đầu tư 102,625 tỉ đồng, chính thức phát điện tháng 7/2006 sau 3 năm thiết kế thi công, thuộc huyện M’Đrăk- Đăk Lăk. Hai “tác phẩm” TĐ tiếp theo của ông, là Đăk Pri và Đăk N’Tao trên hai con suối thuộc tỉnh Đăk Nông tổng công suất 18 MW, vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng dự kiến đưa điện lên lưới quốc gia vào năm 2011. 

Đọc những bài báo lên án gay gắt thủy điện vừa và nhỏ (TĐVVN) phá rừng, góp phần gây nên thảm họa bão lũ, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông nhắc: Nhà báo nên lưu ý, cho tới nay cả miền Trung Tây Nguyên mới có 26 công trình TĐVVN đi vào hoạt động, dù quy hoạch tổng thể cho phép lập đến mấy trăm dự án,  và điện thiếu gay gắt đến mức nào thì ai cũng rõ. Bởi kinh doanh thủy điện không dễ chút nào!

Đánh thức nàng Quế giữa rừng

Lấy TĐ Krông Hin là một công trình đã vận hành ổn định 3 năm làm ví dụ. Trên 39 ha bao chiếm hầu hết là đất trống đồi trọc được đặt 1 hồ trung chuyển rộng 26 ha, xây nhà máy và kéo ống xiphông dài đến 1,6 km dẫn nước từ núi xa về.

Dự án chỉ “đụng vào” một ít nương rẫy của đồng bào, 5 ha cà phê của nông trường 715C và vạt rừng keo mới trồng của lâm trường Ma Đrăk, phải đền bù khoảng 1 tỉ đồng. Bù lại, công trình cung cấp nguồn  nước tưới thuận lợi cho 300 ha cà phê cho nông trường, 250 ha cà phê cho buôn làng thôn xóm.

Dân xài nước miễn phí, còn nông trường mùa hạn mới dùng bao nhiêu tính bấy nhiêu theo giá 500 đồng/m3. Mỗi năm bình quân Krông Hin phát lên lưới quốc gia 32 triệu kWh điện, giá bán cho ngành điện chỉ 585 đồng/kWh.

Một nhà đầu tư khác, Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Nguyên, ông chủ của 3 dự án TĐVVN trên địa bàn 2 tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông với tổng công suất 15,5 MW, tổng vốn đầu tư 339 tỉ đồng thì cho rằng : Trong khi cả nước khát điện cho sinh hoạt và phát triển, thắt lưng buộc bụng mua điện giá đắt của nước ngoài, mà chúng ta cứ bỏ mặc sông suối xối xả thác ghềnh đầy tiềm năng thủy điện Tây Nguyên lặng lẽ ngủ quên như những nàng Quế “Thơm tho ai biết ngát lừng ai hay!”, thì đấy mới là lãng phí, là tội ác!

Đúng là làm thủy điện phải chấp nhận có phá rừng. Nhưng đánh đổi ở mức độ nào có thể chấp nhận được, nhiều ích lợi mà ít tác hại với cả cộng đồng luôn là đòi hỏi nghiêm khắc ngay từ quy trình xét duyệt.

Chúng tôi đến Buôn Rê xã Quảng Tín, nơi Cty Hoàng Nguyên đã đền bù bình quân 250 triệu đồng/ha trên 40 hecta nương rẫy để xây một nhà máy TĐ 7,5 MW. Những già làng M’Nông vui vẻ cho biết cứ mỗi hecta đền đền bù, đồng bào mua được 2-3 ha nơi khác, lại còn lợp được nhà ngói. Trước buôn đi bằng hẻm đất, giờ dự án làm đường cấp phối thênh thang tha hồ chạy xe máy.

Ông Tuấn hỏi: Nếu TĐ không thân thiện với môi trường hơn điện nhiệt, điện than, tại sao người ta lại tìm tới chúng tôi để ký hợp đồng mua chỉ tiêu giảm phát thải theo “cơ chế phát triển sạch - CDM” quy định bởi Công ước khung của Liên hiệp quốc và Nghị định thư Kyoto?

Tôi xem những hợp đồng mua bán giảm phát thải được lập giữa Cty XD Mê Kông, Cty TNHH Hoàng Nguyên với những Cty môi giới trụ sở chính ở Singapore và Hà Lan. Nhiều trang nội dung biên soạn tỉ mỉ, nhân văn đáng kinh ngạc bởi nó đề cập chi tiết tới cả các mối quan hệ xã hội mà đối tác buộc phải tôn trọng như bảo vệ mọi quyền lợi chính đáng của người lao động, bài trừ sử dụng lao động trẻ em, nâng cao tính minh bạch trọng hoạt động, chống hối lộ, tham nhũng v.v...

Nội dung chính của hợp đồng nằm ở chương “Mô tả dự án”, có đoạn: Nhà máy sẽ sử dụng X tổ máy phát điện, mỗi tổ có công suất Z MW, sản lượng điện hàng năm dự kiến đạt Y triệu kWh. Lượng giảm phát thải của dự án là nhờ thay thế việc tiêu thụ điện từ lưới điện Việt Nam chủ yếu được cung cấp từ các nhà máy điện sử dụng than hoặc dầu đốt. Dự án mang lại lợi ích cho cộng đồng, sẽ có M công việc mới được tạo ra...

Từ công suất thiết kế, hợp đồng sẽ quy ra sản lượng giảm phát khí thải tính bằng đơn vị “CER” tương đương với 1 tấn khí Carbon. Hợp đồng mua bán giảm phát thải đầu tiên tại Đăk Nông được ký với TĐ Đăk Nteng công suất 14 MW, thủ tục mua bán đã được công nhận ở cấp nhà nước. 

Tạm tính sơ bộ theo thời giá hiện nay, thì khi hợp đồng có hiệu lực, mỗi năm ngoài số tiền bán điện thu vào khoảng 30,6 tỉ đồng, dự án còn nhận được chừng 5,8 tỉ đồng tiền bán CER! Con số đáng kể!

Tuy nhiên, để có được nguồn tiền ấy, ngoài dự án đạt tiêu chí CDM, trước hết nhà đầu tư phải đủ lực tự túc 30% vốn đối ứng từ vài mươi tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng. Liệu có bao nhiêu nhà đầu tư đáp ứng được những đòi hỏi khó khăn này?

Nhà đầu tư thủy điện: Đừng đổ hết tội lên chúng tôi! ảnh 2
Đường ống dẫn nước từ núi xa về làm thủy điện. Ảnh: H.T.N

Lợi hay hại thuộc về cơ chế giám sát

Với tốc độ tăng trưởng GDP trên dưới 10%/năm trong suốt hàng chục năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng đã tăng nhanh khó ngờ.

Tại Buôn Ma Thuột, mấy chục năm trước, cả thị xã chỉ cần 1 nhà máy TĐ Dray Hling 1 do người Pháp thiết kế công suất vỏn vẹn 0,5 MW. Khi khởi công nhà máy TĐ Dray Hlinh 2 công suất 12 MW, nghe lãnh đạo đọc diễn văn hào sảng rằng lượng điện rất lớn này không những Tây Nguyên thừa dùng lại còn xuất khẩu sang Lào và Campuchia.

Tới nay tổng nguồn điện đang được sản xuất trên Tây Nguyên đã vượt quá 5.000 MW, cũng chỉ góp được 1/4 nguồn điện quốc gia, đáp ứng 1/8 nhu cầu tiêu dùng điện của cả nước.

Năm 2007, Việt Nam nhập khẩu tới  7 vạn tỉ kWh điện mà vẫn còn thiếu tới gần 1,4 tỉ kWh. Tình hình đó buộc Bộ Công nghiệp phải đưa ra hàng loạt giải pháp chống thiếu điện giai đoạn 2006-2010. Trong đó có chủ trương đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện, khuyến khích tư nhân bỏ vốn xây dựng nhà máy phát điện theo nhiều loại hình quản lý khai thác khác nhau.

Trong cái nghèo, cái thiếu ấy, mọi sự điều hành theo lối co kéo mất chủ động đều dễ dẫn đến tình trạng không trống chỗ nọ cũng hở chỗ kia. Sự thiếu phối hợp giữa các bộ ngành liên quan khiến bộ nào được giao việc cũng chỉ nhăm nhăm đạt mục đích mình hướng tới, mà quên đi các trách nhiệm khác.

Ví dụ: Trong nguyên lý về thiết kế thủy điện đều có nhắc đến nghĩa vụ phải chừa đường cá đi, nhưng từ trước đến nay việc phê duyệt thẩm định các dự án thủy điện ở Việt Nam đều không quan tâm đến điều đó, dẫn đến hệ thủy sinh bị hủy diệt dần trên những dòng sông bị ngăn dòng phát điện.

Hơn nữa, do giám sát kém mới dẫn đến tình trạng cấp phép dễ dãi cho những công trình lợi bất cập hại, sản lượng điện làm ra thấp mà phải phá quá nhiều diện tích rừng nguyên sinh vô giá.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.