Cuộc chiến rừng và thủy điện - Bài III: 

Thủy điện phải được giao bảo vệ rừng

Thủy điện phải được giao bảo vệ rừng
TP - Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm đã 28 năm gắn bó với nghề rừng, trong đó 16 năm sống và làm việc tại Đăk Lăk, hiểu điều gì đang làm sôi bùng lên cuộc chiến giữa rừng và thủy điện, và giải pháp nào để giữ cho rừng vai trò lá phổi xanh . 

>> Bài 2

Thủy điện phải được giao bảo vệ rừng ảnh 1
Nhà máy thủy điện Đại Ninh công suất 300 MW, dự án thủy điện thứ 6 trên sông Đồng Nai. Ảnh: H.T.N


Ông suy nghĩ gì về cơn xung đột giữa rừng và thủy điện gần đây ?

Thật ra, từ trước đó, nhu cầu năng lượng đã nóng dần nhưng chưa đủ gây sự chú ý như bây giờ. Để phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, Việt Nam buộc phải phát triển nguồn điện.

Thủy điện phải được giao bảo vệ rừng ảnh 2
Tiến sĩ Hà Công Tuấ

Trong điều kiện hiện nay, rõ ràng thủy điện có khá nhiều lợi thế như: Mức đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, thu hồi vốn nhanh, quy tụ được nhiều nguồn vốn xã hội, nhất là từ mảng dân doanh.

Nếu việc phát triển thủy điện được xem xét tính toán toàn diện theo một quy hoạch khoa học, chúng ta sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên nước quý giá, hạn chế tác động tiêu cực với môi trường.

Tuy nhiên, dễ thấy việc chấp nhận xây dựng các công trình thủy điện luôn đồng nghĩa với sự đánh đổi các giá trị tài nguyên, văn hóa, kinh tế khác. Cái giá buộc phải trả sẽ đắt khi ta phải đổi điện lấy rừng, làm mất thế cân bằng tự nhiên.

Các công trình thủy điện phần lớn đều được xây dựng ở các lưu vực sông thuộc miền núi, nơi rừng còn có giá trị đa dạng sinh học cao và đảm nhiệm chức năng phòng hộ đầu nguồn quan trọng .

Hậu quả nặng nề do lũ lụt gây ra sau hai cơn bão số 9 và số 11 vừa qua đối với miền Trung, Tây Nguyên rõ ràng có nguyên nhân của sự mất rừng, trong đó có phần mất rừng do xây dựng các công trình thuỷ điện từ lớn tới nhỏ, và cách vận hành xả nước chệch choạc vào thời điểm lũ của một số nhà máy thủy điện đang cần khẩn trương được điều chỉnh bằng các quy định pháp lý cho rõ ràng.

Ông đánh giá thế nào về việc quy hoạch quá nhiều điểm có thể cấp phép xây dựng thủy điện trên các lưu vực sông suối miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên?

Tôi cho rằng thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã khuyến khích xây dựng quá nhiều, quá nhanh các nhà máy thủy điện, tập trung ở các lưu vực sông Đồng Nai, Sêrêpôk, Vu Gia, Thu Bồn, sông Bồ, sông Hương… mà chưa kịp cân nhắc đến nguy cơ đối với phát triển bền vững và bảo đảm an toàn cho hạ lưu.

Để khắc phục tình trạng này khi chưa quá muộn, các địa phương cần rà soát, đánh giá toàn diện các công trình thủy điện trên địa bàn. Cần mạnh dạn đình chỉ thi công, cấm hoạt động đối với những công trình không đảm bảo an toàn.

Nên hạn chế tối đa, nếu chưa thể nói “Không!” với việc chấp nhận mất diện tích rừng ở các khu rừng đặc dụng hiện có, ngay cả các công trình đang có nguy cơ mất dần sự đa dạng sinh học, cảnh quan của hệ sinh thái tự nhiên các khu rừng đặc dụng. Đối với các lưu vực sông nhiều công trình thủy điện chưa có quy trình vận hành liên hồ, Nhà nước cần sớm ban hành các văn bản pháp lý về vấn đề này.

Thủy điện phải được giao bảo vệ rừng ảnh 3
Đầu nguồn sông Sêrêpôk trơ đáy về mùa khô. Ảnh: H.T.N


Những năm hạn hán, cả đoạn dài trên sông Krông Ana đầu nguồn Sêrêpôk mùa khô đã có những đoạn cạn trơ đáy. Vậy mà gần đây dự án thủy điện Sêrêpôk 4A được dự kiến thu gần hết nước của sông Sêrêpôk, dẫn đi xa tới 20km để quay tuốcbin phát điện?

Mới đây, Cục Kiểm lâm đã thể hiện quan điểm dứt khoát: Không đồng ý việc nắn cả một đoạn sông như ý muốn của nhà đầu tư thủy điện Sêrêpôk 4A đoạn xuyên qua VQG Yook Đôn! Nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục xin ý kiến cấp trên, nhưng tôi nghĩ Thủ tướng không dễ cho phép điều này xảy ra.

Và vì rừng có vai trò quan trọng bảo đảm nguồn nước cho các nhà máy thủy điện, nên các nhà máy này không phải chỉ tận dụng tài nguyên mà còn phải có trách nhiệm gìn giữ chất lượng tài nguyên đó. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách về chi trả các dịch vụ do rừng cung cấp, trong đó các nhà máy thủy điện phải chi trả dịch vụ cung cấp nước cho người bảo vệ và phát triển rừng. 

Liệu đến bao giờ tất cả các khu rừng đặc dụng của cả nước mới thật sự được bảo vệ bình yên, an toàn theo đúng tinh thần các bộ luật liên quan tới rừng đã ban hành?

Tại thời điểm này, cả nước có 164 vùng được khoanh thành rừng đặc dụng, trong đó có 30 Vườn quốc gia, 65 khu bảo tồn thiên nhiên, còn lại là các dạng rừng xã hội - lịch sử. Những yếu kém về cơ chế điều hành quản lý song trùng với sức ép của đà tăng trưởng nhanh từ xuất phát điểm thấp về kinh tế, xã hội đã khiến cho rừng Việt Nam mất nhanh, như tình trạng xảy ra ở tất cả các nước đang phát triển.

Về cơ bản, các VQG ít nhiều bị suy giảm trữ lượng rừng, nhưng không mất về diện tích. Hai trường hợp cá biệt nghiêm trọng hơn cả rơi vào VQG Yook Đôn và VQG Cát Tiên, do sức ép của nhu cầu làm đường giao thông và thủy điện.

Cục Kiểm lâm đang rất quan tâm, ý thức được trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm của Cục trong các văn bản đã ban hành về các vấn đề liên quan, nhằm bảo vệ tính đa dạng sinh học và sự toàn vẹn của các vùng rừng quý giá này.

Nhiều dự án thiếu trung thực trong đánh giá tác động môi trường

Theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, nhiều dự án thủy điện tuy có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đề cập đủ các hạng mục nội dung, nhưng tính đúng đắn, trung thực và khả năng dự báo còn thấp, thậm chí cố tình không đề cập đúng mức các rủi ro, tác động tiêu cực có thể xảy ra.

Dự án xây dựng thủy điện Hương Sơn, Hà Tĩnh là một minh chứng. Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Viện Khoa học Thủy lợi thực hiện tháng 03/2004 nêu rõ thời gian thi công chỉ 1 - 2 năm nên tác động tiêu cực đến môi trường là không đáng kể. Nhưng thực tế, sau 5 năm xây dựng công trình này vẫn chưa hoàn thành để đưa vào vận hành, trong khi đó diện tích rừng nguyên sinh đầu nguồn bị đốn hạ đã tăng gấp ba lần so với đề xuất được phê duyệt.

Một trong những quy định quan trọng của hoạt động đánh giá tác động môi trường là tham vấn cộng đồng nơi thực hiện dự án. Thế nhưng nhiều dự án chỉ làm chiếu lệ, hời hợt, do chính quyền và doanh nghiệp vẫn xem trọng lợi ích kinh tế trước mắt của họ hơn là an ninh môi trường lâu dài và sinh kế bền vững cho người dân.

Hoàng Thiên Nga
thực hiện

MỚI - NÓNG