Conor Lauesen - 'Ma xó' đất Hà thành

Conor Lauesen - 'Ma xó' đất Hà thành
TP - “Tôi là một người hơi hai lúa, tôi là người Mỹ, nước Cocacola, thành phố Obama (đồng hương thành phố Chicago với Tổng thống Obama - PV). Tên... tên không quan trọng. Tôi thích nhịp điệu cuộc sống ở Hà Nội. Bây giờ tôi cảm thấy gắn liền với văn hoá Việt Nam”.

Lời giới thiệu dí dỏm của chàng trai 25 tuổi Conor Lauesen, người Mỹ, để lại ấn tượng cho bất cứ ai lần đầu tiếp xúc.

Conor Lauesen - 'Ma xó' đất Hà thành ảnh 1
Conor ở Hà Nội. Ảnh: H.Y

Kho tiếng lóng

Hẹn gặp vào một buổi chiều tại phố cafe Triệu Việt Vương, Hà Nội, Conor quảng cáo trước “quán này cafe ngon mà rẻ, lại gần chỗ tôi đang ở trọ”. Khi chúng tôi tới nơi, Conor đã ngồi vắt vẻo trên ghế, chân đi giày ba-ta gác trên cửa sổ, mắt nhìn xuống phố.

“Cuộc sống vỉa hè cực thích. Tôi có được nhiều kinh nghiệm từ đó”, Conor nói. Rất nam tính nhưng có phần bụi bặm khi vận áo ba lỗ, quần ngố, Conor mang dáng dấp của một Tây balô hơn nghiên cứu sinh.

Màn chào hỏi làm quen được Conor pha trò hàng loạt câu tếu táo bằng tiếng lóng khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Anh vội giải thích: “Buôn dưa lê, bán dưa cà tí, không có vấn đề chi”.

Trò chuyện một cách nghiêm túc, Conor cho biết anh sang Việt Nam nghiên cứu chữ quốc ngữ theo học bổng Fulbright, nhưng đã kết thúc cách đây một năm. Tuy nhiên, vì yêu cuộc sống ở Việt Nam anh vẫn bám trụ Việt Nam suốt thời gian qua bằng số tiền tích cóp được. Cuộc sống của Conor đơn giản là ở vỉa hè, chui rúc vào mọi xó xỉnh ở Hà Nội và hỏi chuyện, chụp ảnh bất kỳ ai.

Chị bán xôi quen thuộc của Conor trên phố Triệu Việt Vương phải ngạc nhiên không hiểu ông Tây này ở Việt Nam 10 năm chưa mà nói tiếng Việt rành thế. Conor cười phấn khích kể có những chị bán hàng tính bà la sát, những cô gái chân dài đầu ngắn.

Conor là sinh viên ngành Lịch sử - Triết học trường ĐH Wisconsin, bang Wisconsin, Mỹ. Ngay từ năm học đầu tiên, Conor đã đam mê nghiên cứu ngôn ngữ. “Ngày nào tôi cũng tìm hiểu về ngôn ngữ Đông Nam Á, giành học bổng Fulbright là một may mắn đối với tôi”, Conor kể.

Anh chọn Việt Nam, chọn nghiên cứu chữ quốc ngữ, lịch sử chữ quốc ngữ và sang Việt Nam từ cuối năm 2004.

Mọi người biết đến Conor khi thấy một anh Tây nói tiếng Việt rất sõi tham gia chương trình Mã số bí mật và Chuyện phiếm tối thứ ba trên Đài truyền hình Hà Nội.

Chỉ ngồi cafe, bia hơi, chè chén một buổi chiều, Conor có thể hóng hớt được nhiều chuyện, biết dùng nhiều từ. Như để chỉ tính tiết kiệm quá thể của ai đó, người ta thường dùng chữ ki bo, keo kiệt, bủn xỉn, nhưng khoe mới học được thêm từ 502 để ám chỉ điều đó (keo 502 - PV).

Conor được bạn bè và người hâm mộ đặt biệt danh ma xó đất Hà thành. Muốn ăn quán nào ngon rẻ, ngồi chỗ nào đẹp, buôn chuyện ở vỉa hè như thế nào... hãy hỏi Conor. Bạn bè truyền tai nhau như thế.

Ngay cả một số sinh viên ĐH Khoa học xã hội nhân văn mới nhập trường muốn tìm hiểu Hà Nội, phố cổ cũng nhờ đến ma xó này. Nếu muốn ăn xôi xéo ngon mà rẻ lên quán cô Lan phố Nguyễn Hữu Huân (bán từ 7 giờ tối), hay ăn bánh cuốn nóng Tô Hiến Thành, bánh mỳ pate cuối phố Triệu Việt Vương, bún chả Hàng Trống, cơm tấm Tràng Thi, thịt xiên nướng Tạ Quang Bửu...

“Trà đá buổi tối ở 87 Mã Mây, cô bán hàng rất hay mà có một bà xinh xắn, thông minh và lịch sự nói nhiều câu buồn cười phết. Cà phê, nước cam và trà đá suốt cả ngày đi Quang Trung, chỗ bên cạnh Văn phòng đại diện của Hàng không Việt Nam. Ông chủ tên Tuấn, có nhiều họa sĩ hay đến đó, đừng “cưỡi ngựa xem hoa” mà hãy đến chỗ này để biết văn hóa vỉa hè là gì...”. Đây chỉ là một đoạn trong danh sách địa chỉ vàng mà chàng trai người Mỹ đã dày công ghi chép, trực tiếp khảo sát nhiều lần.

Conor Lauesen - 'Ma xó' đất Hà thành ảnh 2
Conor ở thành phố Hồ Chí Minh

Thích soi người già

Ghé thăm blog của Conor, chúng tôi khá ngạc nhiên khi anh có cả bộ sưu tập ảnh và câu chuyện thú vị về người già. Conor chụp ảnh người già Việt Nam ở mọi tư thế đứng ngồi, ăn mặc theo mùa cùng những lời bình luận ngộ nghĩnh như khi tả về người đàn ông có chiếc mũ bông mùa đông: “Lúc đầu tôi nhìn ông ấy đi dạo xung quanh Hồ Gươm, tôi bị cuốn hút. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy một người nào đó trên thế giới đội mũ như vậy.

Tôi xem bao nhiêu phim về người Nga, nước Nga, chẳng hạn: Eastern Promises, Bác sĩ Zhivago mà chưa bao giờ nhìn thực sự một người đẹp như vậy. Ông đội cái mũ có vẻ cổ kính nhìn ông như con gấu già. Chắc nhiều người Việt Nam hơi quen với mũ này, còn mấy người nước ngoài sẽ cảm thấy mê vẻ đẹp lạ lùng ấy”.

Viết về cách ăn mặc của những bà già mùa đông, Conor tả: “Mùa đông, họ (những người già) không chỉ mặc nhiều lớp cho ấm mà các lớp đều đẹp đẹp hợp hợp... sành điệu lắm. Có hai bà đeo khăn rất tự nhiên như hai dòng nước chảy đan xen chéo vào nhau. Hai bà mặc áo sơ mi nhẹ và thoáng để nhấn mạnh là màu của áo vest. Hai cái áo vest len xinh đẹp lắm. Đẹp ơi là đẹp và ấm ơi là ấm. Chắc là họ đan hai áo này từ lâu rồi. Một điều nữa, người ngồi xổm đẹp rất lạ kiểu Việt Nam”.

Lý giải về sở thích soi người già kỳ lạ của mình, Conor bảo: Tôi thích thời trang của người già, cổ xưa một tí mà đẹp. Bây giờ tất cả mọi thứ diễn ra nhanh, nhưng quần áo người già ít thay đổi , vẫn độc đáo rất Việt Nam. Văn hoá của người già rất sâu sắc.

Conor nói: “Ở vỉa hè có thể nói chuyện trên trời dưới biển, tán hươu tán vượn, tôi thích thế. Tôi yêu người già và trọng họ. Tôi thường dùng nhiều thời gian để ăn cùng, nói chuyện cùng họ. Nhiều người già siêu cao thủ trong vấn đề đánh giá người khác”, Conor kết luận.

Ưa sống... vỉa hè

Nghiên cứu chữ quốc ngữ, học tiếng Việt ở vỉa hè nên dân Hà Nội gọi Conor là Tây... vỉa hè. Theo anh, nếu nhìn kỹ vỉa hè, nó giúp người nước ngoài hiểu rõ hơn về cuộc sống, nghe giọng điệu phát âm có thể biết được người đang nói chuyện hiền lành hay chua ngoa, có thái độ như thế nào với người nghe và câu chuyện nhắc tới.

Chuyên gia về người trẻ

Trong loạt bài viết gửi riêng cho báo Tiền Phong, Conor như hoá thân vào nhịp sống của giới trẻ 8X, 9X. Anh ví Hà Nội như “phía Tây hoang dã” của nước Mỹ mấy trăm năm trước vì nhiều bạn trẻ không tuân theo luật lệ.

Chàng trai người Mỹ cảnh báo về lối sống bị Tây hoá, thờ ơ với văn hoá truyền thống của thế hệ mà anh tạm đặt tên là Công tử bột. Tuy nhiên, anh cũng ca ngợi ý chí tự lập, niềm đam mê và sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam.

Conor nghiệm ra một điều: Nhìn cuộc sống từ vỉa hè là thú vị nhất. Conor có hẳn loạt bài viết về Bia hơi, Văn hoá vỉa hè ở Việt Nam và hứa sẽ chỉ dành riêng cho báo Tiền Phong đăng tải trong một dịp thích hợp.

Thích đồ ăn ở Việt Nam, và thích nhất là nhịp điệu sống Hà Nội, Conor bảo rằng nhịp sống ở đây đều đều, không quá ồn ào, xô bồ. Anh lý giải điều này bằng câu chuyện văn hoá và sự khác biệt với đất nước nơi anh sinh ra.

Theo Conor, buổi sáng nào ở Hà Nội cũng có thể đi cafe buôn chuyện. Ở Mỹ không có chuyện đó, ngày nào người ta cũng bận rộn đi làm, về nhà chăm sóc con, và các mối quan hệ khác. “Tôi nghĩ đó là văn hóa phi vật thể ở Hà Nội. Còn ở Huế, tất cả đều chậm: ăn chậm, nói chậm, cafe chậm. Ở Hà Nội đang có xu hướng nhanh dần lên, ít có thời gian để mái thoải (thoải mái - PV)”, Conor nhận xét.

Conor yêu và thích sống ở Hà Nội còn bởi đã trót mê kiến trúc nơi đây. Anh nói: Nếu ngồi lâu, nhìn kiến trúc Hà Nội rất đẹp, rất tuyệt vời. Kiến trúc Hà Nội chẳng thiếu gì cả, có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa với kiểu nhà nhỏ mái ngói xô nghiêng của đồng bằng Bắc bộ, rồi kiến trúc của người Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ pha trộn tạo nên một bức tranh đẹp: cổ kính và hiện đại.

Có một điều khiến Conor rất lấy làm ngạc nhiên và lạ là câu chuyện mời nhau trong bữa ăn. “Ở Mỹ mỗi người một suất, cứ thế ăn, không ai nói với ai, mỗi người có ý thức ăn nhanh nhanh cho xong còn làm việc khác. Rất tẻ nhạt. Nhưng ở Việt Nam bất kỳ bữa nào người ta cầm bát lên là mời nhau ăn rất lịch sự và tình cảm. Tôi ăn phở ở Tô Hiến Thành buổi đêm, một mình. Một khách không quen ngồi cạnh nói “Xin mời” khiến tôi giật thót, nhưng  rất thích và vui” - Anh tâm sự.

Conor tiết lộ sắp tập hợp những bài viết của mình vào một cuốn sách mang tên “Hà Nội trong mắt một người tây rau muống” và có thể xuất bản trong ít tháng tới. Sách gồm 24 bài xoay quanh các chủ đề: văn hóa vỉa hè, Mỹ Đình có nghĩa là gì, vì sao người dân muốn xa trung tâm, văn hóa bia hơi, kiểu ăn Campuchia, cái bóng của nghèo đói, lối sống của người trẻ Việt Nam...

Mê Việt Nam đến mức, Conor cho biết mẹ và em gái phải gọi điện nhiều lần năn nỉ anh về nước một thời gian để tranh thủ nghiên cứu văn hóa Mỹ. Tuy nhiên, anh Tây... vỉa hè khẳng định sẽ quay trở lại Việt Nam ngay.

MỚI - NÓNG