Chuẩn quốc tế hay chỉ sính ngoại?

Chuẩn quốc tế hay chỉ sính ngoại?
Có thể nói, bên cạnh những ưu điểm giúp nền giáo dục Việt Nam từng bước hội nhập để phát triển thì hình thức liên kết đào tạo với nước ngoài, bằng cấp quốc tế bậc học cao đẳng, đại học cũng có không ít vấn đề tồn tại.
Chuẩn quốc tế hay chỉ sính ngoại? ảnh 1
Ảnh minh họa: Lao Động

Định hướng mở rộng hợp tác quốc tế để "đi tắt, đón đầu" là một trong bảy nhóm nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục Việt Nam đặt ra. Song trong thực tế, sự phát triển theo tốc độ "bom tấn" của hình thức đào tạo liên kết, hợp tác quốc tế tại các cơ sở đào tạo ở trong lẫn ngoài hệ thống công lập và kể cả một số đơn vị đào tạo mang yếu tố nước ngoài đầu tư tại Việt Nam khiến người học như rơi vào mê hồn trận.

Bài 1: Nở rộ chương trình đào tạo liên kết, bằng cấp quốc tế

Khởi đầu bằng một vài chương trình tại các trường đại học hàng "top" của hệ đào tạo công lập, đến nay, hình thức đào tạo liên kết đã bùng nổ với muôn hình.

Không vơ đũa cả nắm, nhưng thực tế về hình thức đào tạo này đang rơi vào tình trạng "vàng thau lẫn lộn" từ đối tác liên kết, chương trình đào tạo đến mức học phí và bằng cấp...

Đa dạng đối tác, chương trình liên kết

Ra đời cách nay hơn 10 năm, với số đơn vị tham gia "đếm trên đầu ngón tay" và hầu như chỉ có trường đại học (ĐH) công lập mới được phép triển khai. Song, với tốc độ phát triển theo cấp số nhân, đến nay, chương trình đào tạo liên kết quốc tế đã hiện diện nhan nhản ở hầu hết các hình thức đào tạo không phân biệt dân lập hay công lập.

Kéo theo đó là bậc học liên kết đào tạo quốc tế cũng "bùng nổ", từ phổ thông đến dạy nghề, cao đẳng và đại học hầu như cấp học nào cũng có chương trình bằng cấp quốc tế (!).

Như cách nói của một giảng viên của ĐH Bách khoa TPHCM thì: Việc liên kết đào tạo với nước ngoài hiện nay được các trường coi là "mốt" để khẳng định đẳng cấp. Chẳng thế mà trong thực tế, hầu như trường ĐH nào có chút tên tuổi cũng sở hữu trong tay 4 - 5 đối tác nước ngoài để liên kết đào tạo hàng chục ngành.

Không chịu thua kém, một số trường thuộc hàng "thường thường bậc trung" cũng cố tìm ra đối tác quốc tế để liên kết đào tạo (?!), như ĐH ngoại ngữ, chỉ trong thời gian ngắn đã tìm được đơn vị liên kết mà tên tuổi "nếu không nói ra thì không ai biết" như Thiểm Tây - Trung Quốc để liên kết đào tạo chuyên ngành văn hoá Trung Quốc (!).

Hay ĐH Công nghiệp TPHCM tạo được "tiếng" với tài khuếch trương nhanh chóng hình thức liên kết đào tạo quốc tế. Chỉ trong thời gian ngắn 2 - 3 năm triển khai, trường đã có hàng chục lớp liên kết đào tạo quốc tế với các nước từ Châu Úc, Châu Mỹ sang Châu Âu.

Không những thế, thế hệ sinh viên dự tuyển sinh cách đây ba niên khoá vẫn còn nhớ đến sự kiện liên kết đào tạo quốc tế "tréo cẳng ngỗng" của ĐH Sư phạm TPHCM, khi trường này ra thông báo tuyển sinh hàng chục ngành liên kết đào tạo với các trường ĐH của Trung Quốc và Cộng hoà Czech.

Các ngành đào tạo liên kết mà trường này đứng ra tuyển đầu vào lại cũng chẳng "ăn nhập" với chuyên ngành sư phạm của trường như giày da, luyện kim, thiết kế công nghiệp...

Nói như lời bình luận của Hoàng Anh Tuấn - sinh viên năm ba đang theo học tại trường - thì: Những chương trình liên kết đào tạo quốc tế kiểu này chỉ nên nhìn nhận bằng góc độ là chương trình đào tạo mang yếu tố "ngoại lai", chứ không thể gọi là chuẩn quốc tế (!?).

Còn khi đề cập đến hiện trạng các trường ĐH liên kết đào tạo với nước ngoài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Trần Thị Hà từng đưa ra quan điểm: Hiện nay, các trường ĐH của ta mới chủ yếu tìm kiếm đối tác và liên kết đào tạo ở mức độ yêu cầu đơn vị đối tác nước ngoài đã được kiểm định chất lượng, chứ chưa nói lên được uy tín, danh tiếng của các trường đẳng cấp quốc tế...

Điểm chung duy nhất: Học phí bằng "đô"(?!)

Có lẽ, điểm chung duy nhất mà mọi người dễ dàng nhận dạng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế hoặc cấp bằng quốc tế là dù nhiều hay ít, nhưng học phí luôn được tính bằng đô (ngoại tệ).

Thực tế cũng cho thấy, chẳng có một mức trung bình nào cho các chương trình đào tạo tương tự nhau. Và có một điều trở thành "luật bất thành văn" đó là học phí tuỳ thuộc vào tên tuổi, sức lan toả của chương trình đào tạo đối với người học.

Riêng với các trường trong hệ thống công lập, thông thường học phí cũng có một số nguyên tắc nhất định như: Tỉ lệ giảng viên nước ngoài hay trong nước phụ trách môn học, tổng số tín chỉ của chương trình học nhiều hay ít. Chương trình học có thời gian học trong nước hay nước ngoài nhiều hơn và đối tác nước ngoài thuộc "hạng" nào? Trên nguyên tắc đó, các chương trình liên kết đào tạo cấp bằng quốc tế sẽ hình thành một mặt bằng học phí.

Chính vì thế, học phí của các chương trình đào tạo này cũng rất đa dạng. Có chương trình chỉ ở mức 700 - 1.000USD/niên học (đa phần là du học tại chỗ hoặc du học tại những trường ít tên tuổi và các quốc gia lạ, không nổi tiếng về giáo dục).

Nhưng cũng có những chương trình liên kết đào tạo quốc tế lên đến hàng chục ngàn đô mỗi niên học (hầu hết tập trung ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, New Zealand). Còn với đa số các nước được nhiều người biết đến như Singapore, Úc thì chương trình bao giờ cũng phải vài ngàn đô trở lên... 

Theo Thể Uyên
Lao Động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.