Phát triển ngành điện: Ma trận mịt mờ

Phát triển ngành điện: Ma trận mịt mờ
TP - Hàng loạt công trình thủy điện nhỏ được ký duyệt để xí phần, bán suất; hàng loạt dự án nhiệt điện không thể hòa lưới đúng tiến độ, trong khi bài toán nguồn cung than cho sản xuất điện những năm tới chưa giải được...

Bức tranh nguồn điện cho đất nước trong những năm tới thực sự ở tình trạng báo động.

Phát triển ngành điện: Ma trận mịt mờ ảnh 1
Một công trình thủy điện trên sông  ở Tây Nguyên - Ảnh: Lê Văn Thành

Bài 1: Thủy điện nhỏ chưa khai sinh đã khai tử?

Việc nhà đầu tư ồ ạt làm, các tỉnh đua nhau xin bổ sung dự án thủy điện nhỏ trong thời gian qua cho thấy sự hấp dẫn của thị trường này. Các chuyên gia thì cảnh báo: sẽ có nhiều dự án được phê duyệt ồ ạt trong thời gian vừa qua sẽ… chết treo.

Tranh chỗ, xí phần, rồi... rao bán

Theo một chuyên gia ngành điện, thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án thủy điện hiện hoạt động khá tấp nập. Với vài cú nhấp chuột, nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận với hàng loạt dự án thủy điện nhỏ công suất dưới 10 MW khắp từ Nam ra Bắc, được rao bán trên các trang web dưới hình thức kêu gọi góp, vay vốn đầu tư, thậm chí cả bán đứt dự án.

Phát triển ngành điện: Ma trận mịt mờ ảnh 2
Một dự án thủy điện nhỏ được rao bán trên internet

Tại trang web http://thuydienban.duan.vn/, trong tổng số 28 dự án thủy điện và nhiệt điện được rao bán, kêu gọi đầu tư vốn, có tới hai phần ba dự án được rao dưới hình thức kêu gọi vốn, bán dự án.

Đây là các dự án thủy điện nhỏ ở các tỉnh Quảng Trị (hai dự án), Sơn La, Cao Bằng (tám dự án), Lâm Đồng, Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An (một dự án), Yên Bái (hai dự án)...

Chủ một dự án thủy điện công suất 5MW ở Quảng Trị kêu gọi góp vốn với những thông tin khá chi tiết: Tổng vốn đầu tư 109 tỷ đồng tại xã Hải  Lâm, huyện Hải Lăng, cách thị trấn Hải Lăng bảy kilômét. Hình thức đầu tư: BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).

Chủ dự án cho biết, dự án dự kiến sẽ được xây dựng trong hai năm, tuy nhiên phần thủ tục thì... chưa xong.

Một chủ đầu tư khác khẳng định sẵn sàng bàn giao lại dự án thủy điện công suất 5 MW tại huyện Bảo Lạc, Cao Bằng cho Cty nào có năng lực, với mức vốn đầu tư 60 tỷ đồng. Chủ dự án cho biết đã hoàn thiện thủ tục đầu tư do tỉnh Cao Bằng cấp và thực hiện san lấp mặt bằng.

Chủ dự án thủy điện Nậm Đông III (Điện Biên), có vốn đầu tư 354 tỷ đồng, thì lại kêu gọi góp vốn do tiến độ triển khai dự án bị chậm một năm.

Chủ một dự án thủy điện ở Lào Cai có công suất 6,4MW thừa nhận mới có 28 phần trăm vốn, trong tổng vốn đầu tư 128 tỷ đồng, để thực hiện công trình dự kiến sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 11/2010. Những nhà đầu tư nào có thể góp thêm 72 phần trăm số vốn còn lại sẽ được mở rộng cửa chào đón.

Thị trường chuyển nhượng dự án thủy điện sôi động, cho thấy có sự làm ăn chộp giật. Nhiều dự án mới có quyết định giao đất hay mới có chủ trương đầu tư dự án của UBND tỉnh, lập tức được rầm rộ rao bán.

Chủ đầu tư một dự án thủy điện công suất 10 MW tại Tây Nguyên thật thà tiết lộ nhà máy sẽ sản xuất 4.150 giờ/năm, tương đương 173 ngày. Chủ dự án cho biết sẽ chuyển nhượng dự án với mức 15,5 tỷ đồng chưa kể phí môi giới, tư vấn.

Bỏ của chạy lấy người!

Việc quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa thực sự nóng lên khi báo chí, các Đại biểu Quốc hội, người dân đồng loạt lên tiếng về việc thủy điện xả lũ ở miền Trung vừa qua.

Theo Bộ Công Thương, đến hết năm 2009, sẽ cố gắng đưa  vào vận hành 27 dự án thủy điện vừa và nhỏ với công suất 374,5 MW, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sẽ có không ít công trình bị chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, có hàng tập danh sách đăng ký với Bộ Công Thương làm thủy điện nhỏ nhưng đầu ra thì chỉ có rất ít. Đây là một trong những nguyên nhân giúp sản sinh ra không ít thủy điện treo ở các địa phương thời gian qua.

Ông Tuấn cho biết, tuy nói là nhỏ nhưng vốn cũng đến hàng chục triệu USD. “Chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành thủy công, thủy năng vẫn còn thiếu, trong khi rải ra hàng trăm dự án thủy điện nhỏ một lúc. Như vậy gọi là đầu tư theo phong trào”- Ông Tuấn nói.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng lưu ý bài học từ thủy điện Sê pốt, giáp biên giới Việt - Lào, do Lào đầu tư, bị treo.

Thủy điện này có công suất 1,5 MW, mua thiết bị của Trung Quốc; từ khi hoàn thành đến nay mới chỉ vận hành được vài tháng, đang đắp chiếu do hiệu quả không cao.

Ông Ngãi cho rằng đầu tư vào thủy điện lãi to, nhưng không phải loại thủy điện nào cũng đem được tiền về. “Hiện có rất nhiều thủy điện treo như: Sông Cấm, Nà Lơi, Kẻ Gỗ... Theo tôi các thủy điện treo kiểu này nên loại bỏ”- Ông Ngãi nói.

Đã có nhiều nhà đầu tư đổ xô vào các thủy điện treo nhưng rồi cũng phải bỏ của chạy lấy người do hiệu quả thấp. Nhiều dự án được cấp phép nhiều năm nhưng đến nay không thể triển khai.

Theo quan chức của Viện Năng lượng, không loại trừ một số nhà đầu cơ xin được cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cho phép lập dự án, nhưng sau đó không thực hiện mà, để đấy tìm đối tác bán lại.  

-----------------

Còn nữa

Phạm Tuyên

MỚI - NÓNG