Về miệt vườn hỏi chuyện Tam nông - Kỳ I :

Gặp lão nông viết thư cho Thủ tướng

Gặp lão nông viết thư cho Thủ tướng
TP - Một lão nông  ở Đồng Tháp Mười viết thư cho Thủ tướng  “kể khổ”. Ngay giữa vựa hoa trái, lúa gạo của đất nước mà hoa trái Trung Quốc, Thái Lan vẫn tràn ngập, và chính nơi đó diễn ra những cơn sốt khó tin như sốt gạo, sốt... nước ngọt.

Làm thế nào để người nông dân thoát nghèo, để đồng bằng Nam Bộ cất cánh? PV Tiền Phong đã gặp ông khi về vựa lúa của cả nước, tìm hiểu về vấn đề Tam nông đã được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.

Gặp lão nông viết thư cho Thủ tướng ảnh 1
Nông dân Lê Văn Lam

Thủ tướng sẽ lắng nghe nông dân

Lão nông ngồi nhìn cánh đồng mênh mông nước của xứ Tháp Mười, chép miệng: “Vụ này cũng trúng, nhưng tính toán công sá, phân bón đầu tư thì chẳng ăn thua gì, nông dân  vẫn thua thiệt đủ đường. Thóc lúa đầy nhà mà tui vẫn  suy tư...”.

Nét buồn bã, suy tư ấy hằn trên gương mặt chữ điền đậm khí chất bộc trực của  người nông dân Nam Bộ.  Và hình như cũng từ cái  suy tư  lẫn khí chất bộc trực ấy mà  lão nông Lê Văn Lam đã làm cái việc chưa từng có ở tỉnh Đồng Tháp, viết thư tới Thủ tướng Chính phủ kể về những nỗi khổ của nông dân quê mình.

Ông viết thư gửi Thủ tướng vào tháng 5/2008 khi mà cơn bão giá của thế giới đã tràn vào đồng bằng Nam Bộ, chi phí vật tư nông nghiệp tăng vọt lên khiến nhiều nông dân thẫn thờ như bị mất cắp.

Ông Út Lam nhớ lại thời điểm ấy: “ Các doanh nghiệp làm ruộng, cấy lúa trên lưng nông dân, thu tiền tỷ. Nông dân vất vả một nắng hai sương mà vẫn luôn nghèo. Tôi quyết định kêu lên Thủ tướng.

Tôi không kêu lên Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, hay ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vì chuyện ở tầm vĩ mô này Thủ tướng mới đủ thẩm quyền quyết định. Tôi tin Thủ tướng lắng nghe và thấu hiểu nguyện vọng của bà con nông dân”.

Ông Út Lam đặt bút viết : “Kính gửi Thủ tướng Chính phủ. Trước những khó khăn mà người nông dân đã và đang gặp phải, tôi xin thay mặt những người nông dân trình bày với Thủ tướng những khó khăn cũng như nguyện vọng của người nông dân, rất mong Thủ tướng và Chính phủ thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân...”.

Ông nhờ con trai đánh máy lá thư và gửi vào cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 4/5/2008.

Hỏi chuyện về cuộc đời Út Lam, tôi hiểu vì sao  người nông dân này tự tin  “thay mặt những người nông dân khác trình bày với Thủ tướng”...

Cha mẹ Út Lam là nông dân. Năm Út Lam lên 3 tuổi thì cha mất.  Út Lam  học đến lớp 5 trường làng thì nghỉ học làm ruộng. Út Lam sinh ra sáu người con. Cả sáu người con bấy giờ đều là nông dân.

Năm nay Út Lam kém  một tuổi thì đầy lục tuần. Tuổi nghề làm ruộng thì hơn bốn mươi năm. Nếu như nông dân cũng được phân ngạch bậc như công nhân thì Út Lam cũng phải cỡ trình độ thợ 7/7.

Ông có thể nhìn con nước đoán biết được mùa vụ được hay mất, nhìn cây lúa trổ đòng có thể biết hạt chắc hay lép...

Nhưng bước sang thế kỷ 21 gần 10 năm rồi mà phương thức làm ruộng của gia đình ông và bà con xứ này vẫn chẳng khác mấy trăm năm trước là bao. Tất cả đều thủ công. Cũng chưa có giống lúa nào cho chất lượng vượt trội, chống được sâu bệnh, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. 

Thực ra, gia đình ông Út Lam không còn nghèo. Qua nhiều năm làm lụng tích góp,  ông mua được 5 mẫu ruộng.  Đại gia đình ông có 17 mẫu ruộng. Tính theo thời giá của vụ mùa mới đây, mỗi công ruộng lãi được một triệu đồng  thì gia đình ông cũng thu được khoảng năm mươi triệu đồng.

Nhưng ông vẫn buồn: “Chỉ rất ít nông dân được như gia đình tui. Theo tui biết thì hơn 80% nông dân ở đất này mắc nợ ngân hàng. Nông dân làm ruộng thu nhập bấp bênh lắm. Một nhân khẩu có 3 - 4 công ruộng  đến mùa thu hoạch cũng chỉ lãi  được cỡ 600 - 700 ngàn đồng.

Tất cả chi phí sinh hoạt của nông dân đều trông vào số tiền ấy. Đầu vào đã phải đi vay ngân hàng, mất mùa vẫn cứ phải trả nợ. Không trả được nợ mùa sau bấu víu vào đâu? Ngân hàng đóng cửa, vay lãi cao bên ngoài thì đã nghèo lại còn nghèo hơn…”. 

Xin đừng làm ruộng cấy lúa trên lưng nông dân

Gặp lão nông viết thư cho Thủ tướng ảnh 2
Lúa nhiều nhưng chưa hẳn là niềm vui - Ảnh: TL 

Mất mùa buồn, mà được mùa nhiều khi còn buồn hơn. Điệp khúc mất mùa rớt giá ở xứ này nghe quen như điệu Dạ cổ hoài lang.

Được mùa, lúa nhiều, các thương lái đua nhau ép giá. Người nông dân nghèo không có kho trữ thóc lúa. Lúa vừa chín ngoài đồng thì tư thương đã đến đòi tiền  phân bón thuốc trừ sâu, ngân hàng thúc ép trả nợ. Họ đành bán thóc cho doanh nghiệp với giá rẻ.

Và những món nợ ngân hàng vẫn  cứ chồng chất. Muốn mua thêm ruộng để sản xuất lớn, hòng đuổi cái nghèo đi lại càng xa vời.

Bao nhiêu đêm trăn trở vì điệp khúc buồn này đưa ông Út Lam tới nhận định: “Muốn có một nền nông nghiệp phát triển, nông dân có thể làm giàu được từ mảnh ruộng của mình thì vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất lớn.

64 tỉnh thành của cả nước giống như 64 sư đoàn, Bộ NN& PTTN là tư lệnh. Nông dân trồng cây gì, nuôi con gì, đầu vào đầu ra thế nào đều phải  do vị tư lệnh này điều phối, quy hoạch.

Điệp khúc mất mùa  rớt giá rồi phá lúa trồng mía, phá mía trồng lúa cũng do mạnh ai nấy làm, mà không biết đến thị trường, không biết “hàng xóm” của mình đang trồng cây gì, nuôi con gì”.

Ông nhấn giọng: “ Các ngành khác  sản xuất hàng gì đều biết trước được  lượng cung cầu, biết giảm biết tăng. Nông dân thì cứ cắm đầu làm, chẳng biết thông tin gì, cung vượt cầu vẫn cứ làm.

Nếu như một hãng ôtô sản xuất 1.000 chiếc ôtô một năm mà bán ế, thì họ lại có cách vận động hành lang, kêu Bộ Tài chính giảm thuế, còn nông dân mà ế 1.000 tấn thóc thì biết kêu ai?  Tiếng nói của nông dân yếu ớt và lạc lõng lắm”.

Ông Út Lam  nhắc đến câu chuyện doanh nghiệp chỉ mua của nông dân dưới bốn nghìn đồng một cân lúa, rồi xuất khẩu bán ra với giá gấp đôi. Ông kêu lên: “Số tiền lãi đó, đáng lẽ doanh nghiệp phải chia sẻ với nông dân, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phân bón, hạt giống, giúp nông dân trả nợ ngân hàng... Nhưng chuyện đó chỉ có trong mơ.

Chúng tôi mơ những mùa vàng bội thu mà được giá. Lúa được giá cũng như phần ông trời cho thêm nông dân vậy. Nếu ai đó còn điều hành xuất khẩu gạo, còn  độc quyền một mình một chợ thì nông dân còn nhiều thiệt thòi, rủi ro. Và họ vẫn cứ làm ruộng, cấy lúa trên lưng nông dân.

Kính gửi Thủ tướng Chính phủ

…Giá cả vật tư nông nghiệp luôn tăng cao, tính từ năm 2007 thì giá phân bón đã tăng đến trên 200%. Chi phí sản xuất tăng là thêm một gánh nặng trên vai người nông dân.

Chúng tôi mong Chính phủ quan tâm và có chính sách phát triển sản xuất phân bón trong nước để không phụ thuộc vào nguồn phân bón nước ngoài.

Người nông dân luôn phải lao đao về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khi thì đào ao nuôi cá, lúc thì bỏ ruộng trồng bắp nhưng hầu như không mang lại hiệu quả, cũng vì người nông dân thiếu kiến thức về thị trường cũng như kỹ thuật sản xuất.

Nếu được, Chính phủ nên xây dựng một kênh truyền hình dành riêng cho nông dân để phổ biến cho người nông dân các kiến thức về thị trường, kỹ thuật sản xuất, định hướng phát triển và những thông tin cần thiết.

Do hầu hết chi phí sản xuất đều phải vay nợ nên nông dân không thể trữ lúa chờ giá tăng, tâm trạng chúng tôi hiện giờ như đứa trẻ đứng trước mâm cỗ mà không được ăn. Hi vọng Chính phủ có chính sách để doanh nghiệp mua lúa cho nông dân với giá hợp lý nhất.

Hạt gạo được tạo ra bằng chính mồ hôi, công sức và đôi khi cả nước mắt của những người nông dân nghèo khó như chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi luôn phải tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại, dãi nắng dầm mưa để chăm sóc cho cây lúa, nhưng chúng tôi không mong gì hơn, chỉ hi vọng nhận được phần mà mình xứng đáng được nhận. Chỉ mong người tiêu dùng hằng ngày ăn cơm hãy nghĩ đến giá trị của hạt gạo.

Lời cuối cùng tôi xin chúc Thủ tướng dồi dào sức khỏe để làm tròn trọng trách lớn lao của mình.

(Trích thư của ông Lê Văn Lam gửi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 4/05/2008).

-------------------------

 Còn nữa

MỚI - NÓNG