Phát triển ngành điện: Ma trận mịt mờ - Bài 2

Nhiệt điện chạy than - Mùa xuân lỗi hẹn!

Nhiệt điện chạy than - Mùa xuân lỗi hẹn!
TP - TS Phạm Khánh Toàn, Viện trưởng Viện Năng lượng cho biết, theo tổng sơ đồ điện VI, năm 2008 và 2009 cần đưa vào vận hành lần lượt 3.217 MW và 3.393 MW. Thực tế, năm 2008 chậm trên 1.000 MW, dự kiến năm 2009 cũng sẽ chậm xấp xỉ 1.000 MW.

>> Bài 1: Thủy điện nhỏ chưa khai sinh đã khai tử?

Nhiệt điện chạy than - Mùa xuân lỗi hẹn! ảnh 1
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong một lần khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện - Ảnh: TL

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quy hoạch điện VI cho thấy hàng loạt dự án điện chậm tiến độ trong các năm qua làm cho bức tranh nguồn cung trong những năm tới của ngành điện hết sức ảm đạm.

Chồng chất chậm tiến độ

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, năm 2008 lưới điện quốc gia được bổ sung 3.217 MW nhưng thực tế có tới 1.525 MW vào chậm tiến độ, trong đó có Đuôi hơi Nhơn Trạch 1, Sơn động và Hải Phòng 1.

Số liệu của Ban chỉ đạo quy hoạch điện VI cũng cho thấy nhiều dự án nguồn điện dự kiến khởi công năm 2009 – 2010 không thể thực hiện đúng tiến độ.

Có thể kể đến dự án Thái Bình 1 sẽ phải lùi tiến độ khởi công một năm; Dự án Nhơn Trạch 2 bị chậm tới 18 tháng; Dự án Thái Bình 2 và Long Phú 1 đều bị chậm từ 8 đến 18 tháng; Dự án Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1 cũng chậm lần lượt sáu và hai năm.

Tương tự năm 2009, có 3.457,5 MW bổ sung nhưng cũng sẽ có khoảng 1.000 MW chậm hòa lưới do hầu hết các dự án đều bị chậm từ sáu tháng đến một năm, thậm chí là hai năm như Nhiệt điện Mạo Khê, Nhiệt điện Vũng Áng 1.

Dự báo trong số 15 công trình điện thuộc quy hoạch VI sẽ vào vận hành năm 2011 có ít nhất ba dự án chậm tiến độ. Các công trình vận hành năm 2012 dự báo có 3/17 dự án bị chậm.

Khá nhiều công trình điện, chủ yếu là chạy bằng than với công suất rất lớn của các năm từ 2013 trở đi không thể xác định tiến độ phát điện thực tế vì nhiều lý do khác nhau.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng, ông Trần Viết Ngãi cảnh báo việc phát triển chậm các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam trong thời gian gần đây là ở mức đáng lo ngại.

Trong số các dự án thuộc tổng sơ đồ điện VI và 13 nhà máy nhiệt điện do EVN trả lại hiện mới chỉ khởi công được nhiệt điện Vũng Áng 2. 12 công trình còn lại vẫn chưa thu xếp được vốn.

Theo tính toán của các chuyên gia, một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.200 MW với hai tổ máy 600 MW phải đầu tư tới 1,6 – 1,7 tỷ USD. Tính riêng số tiền đầu tư cho 13 dự án nhiệt điện mà EVN trả lại để rồi Chính phủ phải phân bổ cho nhiều đơn vị khác nhau lên tới hơn 30 tỷ USD.

Khó khăn nữa trong việc phát triển nguồn này là, dù khởi công sớm nhưng cũng phải mất 6 - 7 năm mới hoàn thành được một nhà máy nhiệt điện trên 1.000 MW.

Như vậy nếu có làm ngay từ bây giờ thì ít nhất cũng phải sau 2015 các nhà máy nhiệt điện mới có thể hoàn thành và bổ sung cho lưới điện quốc gia. Khâu tư vấn rất chậm do Việt Nam chưa thiết kế tổ máy 600 MW bao giờ, việc thuê tư vấn nước ngoài, vấn đề khảo sát, lập bản vẽ thi công, kỹ thuật và quan trọng nhất là thiếu vốn là những yếu tố góp phần ngăn cản việc triển khai các dự án nhiệt điện.

Liệu có no dồn đói góp?

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyễn Anh Tuấn xác nhận quy hoạch VI chủ yếu là dựa trên phát triển nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than do nguồn khai thác từ thủy điện bị hạn chế.

Quan chức Viện Năng lượng cũng cho rằng, những dự án chậm sau đó vẫn đi vào hoạt động. Vấn đề đặt ra là nhiều dự án bị chậm thì sẽ đến lúc đi vào dồn dập một lúc thì có thừa hay không. Khi đó có thể rơi vào tình trạng dư thừa điện.

Trong thực tế đa số các nhà máy sẽ chậm một đến hai năm, nếu chúng ta không cẩn thận thiếu điện sẽ xảy ra nhiều ở khu vực miền Nam do ít có nguồn điện mới vào hệ thống.

Ở miền Bắc thì không đáng lo do có một loạt các dự án ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Cẩm Phả, các nhà máy thủy điện ở Tây Bắc như Sơn La; Huội Quảng, Bản Chát (Lai Châu) đi vào hoạt động.

Còn nữa

MỚI - NÓNG