Lấp đầy hộp yêu thương

Lấp đầy hộp yêu thương
TP - Đứa trẻ mới ba tháng tuổi. Nếu nhanh thì mới biết ứ hự khi được mẹ nựng, mẹ cho bú. Cứng cáp thì đã có thể tự lẫy. Vậy mà người mẹ đang tâm vứt con xuống giếng lạnh chỉ vì tức nhau với chồng.

Đam mê điện tử biến thái làm cho thằng bé tuổi đuôi mươi đã chặt khúc cha như một sát thủ máu lạnh. Cũng chỉ bởi ghen tuông, người vợ ở tuổi bà đã thịt chồng không ghê tay. Đồng tính có quan hệ luyến ái cũng thanh toán lẫn nhau như là những vụ thảm sát…

Khi thông tin đáng rùng mình tới rầm rập và được nhồi chặt, thì ô yêu thương đang rỗng dần, rỗng không và rỗng tuếch.

Một nhà sư ở Bình Phước từng dang dở đại học, có cái tên tâm sáng lại nhận về một bé trai bị bỏ rơi ngay cổng chùa và nuôi nấng bé. Ông ăn chay, nhưng bé được bú sữa, ăn thịt; nhiều dè bỉu, chỉ trích và xa lánh. Ông vẫn chỉ cười lấp lóa bên đứa trẻ tập đi, líu ríu cất câu: sư phụ.

Ông kịp cứu một sinh mệnh, à không, nhiều sinh mệnh, tổ chức đám cưới cho bố - mẹ em bé (đang học đại học năm ba). Cạnh nữa, ông đã hoan hỉ trước cả ngàn con người đã trót dù chỉ trong ý nghĩ (chỉ trích) sai về ông.

Ông đã để hộp yêu thương của ông luôn đầy. Thầm lặng, không hô hào. Trong cuộc sống cần một đĩa cân luôn cân bằng. Nhưng sự cân bằng ở đây có nghĩa là hộp thù hận = 0.

Hơn tám trăm con Lạc cháu Hồng có thể không sinh ra ở Việt Nam từ trên trăm quốc gia, trẻ nhất 24, cao niên nhất 90 đã về tụ hội cuối tháng 11 này tại Thăng Long 999 năm.

Họ tạm rời nhịp sống gấp gáp để về với quê hương, với mong muốn tìm lại những mối liên hệ. Họ muốn tìm lại yêu thương. Họ muốn lấp đầy những chiếc hộp yêu thương. Những chiếc hộp lưu lạc nơi cùng trời cuối đất.

Một cuộc trở về rất tự nhiên, như cây về cội, như nước về nguồn: Tôi làm sao sống được nếu xa Người/Như giọt nước đậu vào bụi cỏ/Như châu chấu ôm ghì bông lúa/Người đẩy ra tôi lại bám lấy người/... Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người (thơ Lưu Quang Vũ).

Nhưng cũng là một điều không hề dễ dàng, bởi mọi sự ra đi và trở về của từng số phận hôm nay đều gắn với quá khứ buồn vui của dân tộc Việt Nam. Một quá khứ cơ hồ đau thương nhiều hơn yêu thương.

Một cô gái mang nửa dòng máu Algerie của người cha là lính lê dương. Một cậu trai người Mỹ trở về mảnh đất, nơi mà bom quê cha từng đem cày xới đất quê mẹ. Về Thủ đô Hà Nội lần này họ đều cố nói tiếng Việt, tiếng lòng họ.

Họ đã mang về cả những bước chân khỏe mạnh và chậm chắc đầy nội lực, mà hành trang quyết định là chiếc hộp yêu thương mở ra từ hai phía, từ triệu người và từ một Người, góp cho Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất.

Tất cả vì một nước Việt Nam đổi mới, hòa giải, hòa hợp và đi lên.

MỚI - NÓNG