TS Nguyễn Quang A: Cẩn trọng với lạm phát

TS Nguyễn Quang A: Cẩn trọng với lạm phát
TP - Nhìn tổng thể về chỉ số tăng trưởng GDP, lạm phát, thu hút FDI, tỷ lệ thất nghiệp… năm 2009, cho thấy nước ta vẫn có tăng trưởng, tuy nhiên không hẳn do thành tích của chính sách, mà do tình hình kinh tế.
TS Nguyễn Quang A: Cẩn trọng với lạm phát ảnh 1
TS Nguyễn Quang A

Vấn đề kinh niên của nền kinh tế nước ta là thâm hụt thương mại, mất cân đối cán cân thanh toán, bội chi ngân sách, hiệu quả của nền kinh tế… gần như không cải thiện được gì; năm 2009, còn trầm trọng hơn vì đang vật lộn với khủng hoảng. Đó là căn bệnh hàng chục năm nay, nên không thể hờ hững với con số đó, và nếu không thận trọng năm 2010 sẽ rất nguy hiểm.

Mặt khác, nhập siêu có thể tăng lên. Nhập siêu sáu tháng đầu năm  2009 có giảm so với năm ngoái, nhưng đây là do giá của thị trường thế giới giảm. Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới phục hồi, giá hàng hóa, dịch vụ tăng, thì nguy cơ cán cân thương mại lại giãn ra là khá cao.

Về lạm phát, Chính phủ lưu ý hơn về vấn đề này, nhưng phải rất cẩn trọng, vì sang năm 2010, có thể bùng phát trở lại; những dấu hiệu ba, bốn tháng trở lại đây, nếu để ý nguy cơ này rất rõ . Những phản ứng chính sách của Chính phủ phải nhất quán, tạo dựng lòng tin.

Một yếu tố nữa, điều hành tỷ giá phải linh hoạt hơn nữa. Đợt điều chỉnh tỷ giá vừa rồi, lẽ ra phải làm hai, ba tháng trước. Hệ thống ngân hàng cạn đô la, không có nghĩa trong nền kinh tế thiếu đô la, mà có hiện tượng găm đô la ở các tập đoàn, Cty xuất khẩu, người dân…

Vì thế đẩy tỷ giá trên thị trường chợ đen cao ngất ngưởng. Nếu hiệu chỉnh tỷ giá đều và vừa thì chắc giá không cao như thời gian qua. Đợt điều chỉnh giá mới đây cho thấy, hiệu chỉnh không phải phá giá mà làm tăng giá đồng tiền.

Nói về những chính sách cần ưu tiên với nền kinh tế, phải ngó thật kỹ những khoản đầu tư của nhà nước và nâng cao hiệu quả những khoản đầu tư này. Tổng nguồn lực của nhà nước là có hạn, vì thế, đầu tư vào đâu ra hiệu quả ngay và có tính lâu dài thì làm; chứ đầu tư dàn trải, mỗi chỗ một ít mà chẳng cái nào hoàn thành thì không nên. Đồng thời, xem chỗ nào thắt cổ chai nhất về hạ tầng cơ sở, thì phải ngó vào đấy.

Cái nhà nước làm được là để các doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu lại. Mặt khác, nhà nước phải sắp xếp lại hệ thống các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, những việc đó vài năm gần đây chưa làm được bao nhiêu.

Phạm Anh (ghi)

MỚI - NÓNG