Công bố kết quả kiểm toán 2008:

Lương lãnh đạo SCIC gần 80 triệu đồng/tháng

Lương lãnh đạo SCIC gần 80 triệu đồng/tháng
TP - Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính. Theo số liệu kiểm toán công bố, SCIC trình các bộ chuyên ngành, mức lương trung bình trả cho lãnh đạo SCIC 40 triệu đồng/người/tháng; nhưng thực tế  trả 78,5 triệu đồng/tháng.

>> CEO của Citibank nhận 1USD/năm và không từ chức
>> Các sáng lập viên Google nhận lương 1 USD/năm
>> Nhân viên AIG trả lại thưởng

Lương lãnh đạo SCIC gần 80 triệu đồng/tháng ảnh 1

 Ảnh: Saga (chỉ mang tính minh họa)

Như vậy, thu nhập bình quân của lãnh đạo SCIC năm 2008 cao gấp 1,96 lần so với kế hoạch trình Bộ TC và Bộ LĐ-TB-XH. Quỹ lương của lãnh đạo SCIC được duyệt là 1,473 tỷ đồng; nhưng thực tế năm 2008 đã chi trả 2,642 tỷ đồng, vượt quỹ lương được duyệt 1,168 tỷ đồng.

SCIC chưa xây dựng định mức lao động với từng loại công việc và chưa có giải trình cụ thể cơ sở xây dựng đơn giá tiền lương, như: mức độ giản đơn, phức tạp của từng loại việc.

Về quản lý doanh thu, thu nhập: SCIC theo dõi, hạch toán doanh thu cổ tức chưa chặt chẽ. Từ đó dẫn tới nhiều trường hợp đã nhận được thông báo chia cổ tức của năm 2006, 2007, nhưng chưa hạch toán doanh thu và nợ phải thu; một số trường hợp doanh nghiệp đã chuyển tiền cổ tức về tài khoản của SCIC, nhưng chưa hạch toán vào doanh thu mà hạch toán giảm nợ phải thu...

Tổng tài sản SCIC báo cáo là 39.801 tỷ đồng, nhưng qua kiểm toán phát hiện thực tế tới 40.718 tỷ đồng (chênh 917 triệu đồng). Ngoài ra, SCIC và Tổng Cty CP Bảo Minh chưa xử lý dứt điểm 10,2 triệu USD (172 tỷ đồng) từ việc chuyển nhượng Cty liên doanh Bảo Minh CMG (BM-CMG).

JP thua lỗ nhưng lãnh đạo JP thì không

Liên quan việc Cty CP hàng không Jestar Pacific (JP) làm ăn “thua lỗ” (Tiền phong 17-11-2008 đã nêu), kiểm toán cho thấy: Năm 2008, JP lỗ 546 tỷ đồng, lỗ lũy kế (đến 31-12-2008) 1.137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu (đến 31-12-2008) âm 121 tỷ đồng.

Về quản lý chi phí xăng dầu, hai vị phó tổng giám đốc JP thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 (Hedging) không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo HĐQT; ban điều hành đã làm cho Cty lỗ hơn 31 triệu USD (từ tháng 7/2008 đến 5/2009).

Dù JP gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài nhưng vẫn trả lương rất cao cho lãnh đạo Cty. Theo một nguồn tin, thu nhập trung bình của mỗi vị lãnh đạo JP hơn 100 triệu đồng/tháng, Tiền Phong nêu thông tin này và chính thức đề nghị cơ quan chức năng xác minh.

Doanh nghiệp xăng dầu: 1.025 tỷ đồng sai phạm

Kiểm tra tại 10 đầu mối nhập khẩu xăng dầu năm 2006 - 2008, thấy một số trường hợp cấp vốn tạm ứng bổ sung vượt ngưỡng cho phép. Ví như: Tiền tạm ứng cho Cty Thương mại xăng dầu Đường Biển (PTM) năm 2008 vượt mức 95 phần trăm (gần 49 tỷ đồng); trong khi số liệu do Cục TCDN (Bộ TC) công bố, tiền tạm ứng vượt ngân sách chỉ 34 tỷ đồng (chưa tới 16%).

Tại một số đầu mối nhập khẩu, việc quản lý, hạch toán, đề nghị quyết toán bù lỗ chưa đúng quy định. Qua kiểm toán, buộc phải giảm chi phí kinh doanh, do phân bổ không đúng tiêu thức, chi không đúng chế độ, quyết toán một số khoản chi không đúng nguồn... làm sai lệch số lỗ (để được Nhà nước bù).

Ngay tại thời điểm kiểm toán cũng phát hiện tình trạng đầu cơ, trục lợi; khi giá dầu tăng thì lượng hàng bán trước và trong ngày (trước thời điểm tăng giá) lên cao đột ngột, những ngày sau đó lượng tiêu thụ giảm dần; hoặc trước khi Nhà nước có quyết định giảm giá xăng, lượng bán trong ngày cho các đại lý gần như bằng không, và chỉ có bán lẻ tại các cửa hàng cho người đi ô tô, xe máy.

KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.025 tỷ đồng sai phạm tại các DN đầu mối  kinh doanh xăng dầu. Trong đó, đề nghị thu hồi hơn 87 tỉ đồng cấp bù lỗ các mặt hàng dầu của năm 2006 – 2007 nộp vào ngân sách Nhà nước; giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ từ NSNN cho các mặt hàng dầu năm 2008  gần 938 tỷ đồng.

Về mức hao hụt, ngoài một số đơn vị (như Petrolimex, PV Oil, Dầu khí Mekong...) nhiều lần chủ động điều chỉnh định mức hao hụt theo hướng giảm dần cho phù hợp thực tế, vẫn còn một số doanh nghiệp (như Cty Thương mại xăng dầu Đường Biển, Cty Thương mại dầu khí Đồng Tháp...) lợi dụng để tính mức hao hụt với thông số cách đây 20 năm.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG