Nhà văn nước ngoài tôi gặp đều rất hòa nhã, nhiệt tình

Nhà văn nước ngoài tôi gặp đều rất hòa nhã, nhiệt tình
TP - Mạnh mẽ, thông minh, kiêu hãnh! Dịch giả Lệ Chi là một trong những chân dung thú vị, ấn tượng giữa không nhiều nữ trí thức trẻ đủ nội lực khai mở được lối riêng yêu thích giữa vô số tên tuổi.
Nhà văn nước ngoài tôi gặp đều rất hòa nhã, nhiệt tình ảnh 1
Dịch giả Lệ Chi

Điều gì đem lại cảm giác hạnh phúc cho Lệ Chi trong chuỗi công việc bận rộn liên tục mỗi ngày?

Hoàn tất xong mỗi phần việc cụ thể như viết xong một bài báo, biên tập xong một tác phẩm, mua được thành công bản quyền một cuốn sách… Tóm lại là khi kết quả của công việc đem lại cho tôi niềm vui.

Tình cờ, một cô bạn thợ may đưa tôi mượn cuốn ”Hoa bên bờ”. Thoạt nhìn bìa sách, tên tác giả xa lạ lại quá trẻ tuổi tôi đã cầm một cách thờ ơ. Bất ngờ, càng đọc càng cuốn hút mãnh liệt và tôi đọc chậm tới dòng cuối cùng với cảm giác rơi lệ từ trong tim. Từ đâu Chi tiếp cận được tác giả, tác phẩm và chọn lọc được ngôn ngữ dịch gây rung cảm đến vậy?

Trong tất cả những cuốn sách tôi đã dịch, "Hoa bên bờ" của Anni Bảo Bối là cuốn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Đó là một câu chuyện buồn, mong manh và đầy tâm trạng với những mảnh đời tưởng chừng không hẳn quá éo le nhưng đọc lại rất xót xa.

Trong 4 năm học ở Bắc Kinh, do rảnh rỗi và yêu thích đọc truyện, tôi thường la cà ở các tiệm sách, tìm đọc những tác phẩm của các tác giả trạc tuổi mình để tìm hiểu về những suy nghĩ và cuộc sống của họ. Trong số đó có An Ni Bảo Bối.

Đó là một tác giả hơi khép mình, không thích phô trương trên báo chí. Cô sống lặng lẽ, cô đơn tại Bắc Kinh, viết sách và viết báo, song những tác phẩm của cô thấm đẫm tình cảm, rất day dứt và lưu luyến. Nhờ bạn bè làm trong ngành xuất bản, tôi lần ra được địa chỉ của cô và viết mail, gọi điện trao đổi, đề nghị mua bản quyền. Từ đó chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau.

An Ni Bảo Bối cũng thường nói nếu quá trình dịch, không hiểu rõ điều gì, cứ mail, cô sẽ giải thích. Thật ra khi dịch cuốn sách này, tôi không gặp trở ngại gì về câu chữ vì ngôn từ hiện đại, không ẩn dụ ví von quá bóng bẩy, nhưng tình cảm trong sách khiến tôi không ít lần phải rơi lệ.

Mỗi lần dịch như vậy, người dịch mệt lả như bị mất đi một phần sức lực. Có thể tâm tư của tác giả trong khoảng thời gian viết ra cuốn sách này có phần đồng cảm với tâm tư của tôi. Chúng tôi có vài điểm khá giống nhau: cùng mất cha, cùng tự lập, cùng viết báo, cùng cảm thấy lạc lõng trong một thành phố lạ...

Liệu đàn ông và cuộc sống gia đình bận rộn, ràng buộc có chỗ trong chuỗi ngày sắp tới của Chi? Thu nhập của nữ dịch giả hiện nay có đủ để yên tâm về ”hậu vận” không? 

Không ai nói trước được tương lai, có thể tôi vẫn sống thế này mãi mãi hoặc ngay lập tức tháng sau có tin vui, rất khó nói. Nhưng dù bất kể thay đổi hoặc xáo trộn gì trong cuộc sống riêng tư, con người tôi, tính cách tôi, sở thích của tôi, công việc của tôi cũng không thay đổi.

Thu nhập cơ bản của tôi hiện nay đến từ công việc làm báo. Tôi không có nhiều kế hoạch và mơ ước xa xôi. Chỉ mong mình luôn khỏe mạnh và tiếp tục được làm những việc mà mình yêu thích.

Hẳn là nhiều thú vị trong các cuộc tiếp xúc với những tác giả nổi tiếng?

Các nhà văn nước ngoài mà tôi từng gặp đều rất hòa nhã và nhiệt tình. Chúng tôi đi ăn uống, trò chuyện vui vẻ như những người bạn thân lâu ngày không gặp.

Mạc Ngôn đến tận khách sạn tôi để tán chuyện, Lưu Chấn Vân thì mang con gái cũng đang học báo chí tới giới thiệu, và tặng cho tôi một món đồ kỷ niệm làm ở quê nhà ông. Khâu Hoa Đông thì đưa tôi đi chơi cùng bạn bè của ông…

Tất cả các tác phẩm của Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông, Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, Bì Bì, Miên Miên, Hồng Ảnh… đều do tôi đi tìm kiếm và mua bản quyền. Nhưng tôi không thể dịch tất cả các tác phẩm mà tôi yêu thích, mặc dù cũng rất muốn thế.

Trong các tác giả này, tôi thích Mạc Ngôn ở bề ngoài chất phác, củ mỉ củ mì, văn tài lớn nhưng cực kỳ gần gũi và thân thiện. Ông rất yêu quý Việt Nam và cũng rất muốn sang thăm Việt Nam. Đọc Mạc Ngôn, người ta có thể thấy ngồn ngộn kiến thức về cuộc sống, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của những con người tầm thường nhất. Một con người sâu sắc và tinh tế nhưng lại rất cởi lòng, sống hòa nhã, không hề khép kín. Đó không phải là điều mà nhà văn nào cũng có thể có được.

Tiểu thuyết đầu tay của một phụ nữ chưa chồng như Chi lại là " “Người tình của chồng tôi”. Liệu có tí nào cái tôi hay ẩn ức, định kiến gì của riêng tác giả đối với đàn ông trong đó?

Có rất nhiều nhà văn không phải là đồng tính vẫn viết về đồng tính, hoặc đang sống hạnh phúc nhưng vẫn viết về những đau đớn khôn cùng của các cặp li dị nhau. Tất nhiên tôi không so sánh mình với bất kỳ ai, nhưng người ta vẫn có thể viết về những gì người ta muốn viết.

 Người ta thường ngộ nhận rằng những gì chưa kinh qua, chưa trải qua trong thực tế cuộc sống của chính tác giả thì thật khó có thể viết hay được. Tôi chỉ muốn viết về một cuốn sách về những gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta nói chung, một câu chuyện giữa những người trong cuộc và cả những người ngoài cuộc.

Đây là một cuốn sách đặc biệt dành cho phụ nữ, viết cho phụ nữ, nên tôi đặt nặng yếu tố đàn ông mà không định kiến gì về họ. Trong cuốn sách này, đàn ông chỉ là cái cớ, là bước đệm để cho các nhân vật khác xuất hiện.

Khâu nào vô lý, bất công nhất trong chuỗi sáng tác - dịch thuật - xuất bản - phát hành - phân chia lợi nhuận... khiến thu nhập của giới dịch giả nhỏ nhoi vậy?

Quả thực thu nhập của dịch giả hiện nay còn rất bèo, dịch giỏi cũng chỉ nhận được nhuận dịch tối đa vài ba triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, nếu so với chi phí xuất bản, chi phí dịch sách hiện nay không thấp.

Công dịch sách của Chibooks trung bình từ 10-15 triệu/cuốn, ngang ngửa với tiền bản quyền một cuốn sách. Giá dịch chỉ có thể tăng khi các đơn vị xuất bản có lãi hơn.

Muốn vậy phải điều chỉnh tỉ lệ chiết khấu phát hành theo chiều hướng giảm bớt, có thể từ 45% xuống còn 30%. Đồng thời phải xóa bỏ được nạn sách giả, sách lậu thì mới hy vọng lấy lại được phần lãi đã bị cướp trắng.

Tác giả đương đại nào ở ta gây ấn tượng cho bạn?

Tôi hơi tham lam nên thích văn của khá nhiều người, nhưng thích nhất vẫn là văn của Hồ Anh Thái. Văn của anh chừng mực, không vung vãi thừa mứa, không hoa mỹ phù phiếm, đủ để gây tâm trạng, cảm xúc cho người đọc và nhường khoảng trống còn lại cho họ tiếp tục suy nghĩ về các nhân vật. Đồng thời qua các tác phẩm của anh, tôi còn tiếp thu được nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm sống.

Xin cảm ơn chị!

Nguyễn Lệ Chi:

Cử nhân tiếng Trung Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, Cử nhân Ngoại giao Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội, Thạc sĩ Điện ảnh Học viện Điện ảnh Bắc Kinh.

Tuổi Thìn, chòm sao Hổ Cáp

Nguyên PGĐ Xuất bản, Trưởng ban Dịch thuật và Giao dịch Bản quyền Công ty Văn hóa Phương Nam

Hiện là Biên tập viên báo Thanh Niên. Sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks

Sách đã dịch và xuất bản: Co Giật (tập truyện ngắn xuất sắc TQ, NXB Văn Học, 2004), Anh có biết nói yêu không (tác giả Tranh Tử, NXB Văn học, 2005), Tối nay có việc không về nhà (tác giả Trương Kiện Bằng, Hồ Túc Thanh, NXB Văn học 2005), Đảo Tường Vy, Hoa Bên Bờ (tác giả An Ni Bảo Bối, NXB Phụ Nữ, 2006), Ôi Đàn ông (tác giả Bì Bì, NXB Phụ Nữ, 2006). Thiền của tôi, Baby Thượng Hải, Tuyển tập Vệ Tuệ, Gia đình ngọt ngào của tôi (tác giả Vệ Tuệ), Chuyện tình một đêm (NXB Văn Nghệ, 2007), Gái Trinh (NXB Văn nghệ, 2008)…

Dịch một số phim truyện, phim truyền hình.

Hoàng Thiên Nga
Thực hiện

MỚI - NÓNG