Khủng hoảng Dubai và số phận lao động nhập cư

Khủng hoảng Dubai và số phận lao động nhập cư
TPO - Cuộc khủng hoảng tài chính Dubai mới đây giáng một đòn mạnh vào các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, đẩy những người lao động nhập cư vào cảnh khóc dở mếu dở. 
Khủng hoảng Dubai và số phận lao động nhập cư ảnh 1
Lao động Việt Nam tại một công trình xây dựng ở Dubai. Ảnh: Nam Nguyễn

Hơn 15.000 người Việt làm việc và sinh sống tại UAE

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ đầu năm đến hết tháng 10/2009 đã có 58.260 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó riêng thị trường UAE  là 3.812 người.

Hiện có hơn 15.000 người Việt làm việc và sinh sống tại UAE. Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán tại Abu Dhabi, thủ đô của UAE, từ tháng 1/2008.

P.Cầm - T.Đ

Làm việc quần quật dưới cái nóng trên 40 độ C mười mấy tiếng một ngày, ngủ trong những “chiếc hộp” giữa sa mạc cát, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn là tình cảnh của nhiều người làm thuê ở Dubai.

50% dân số Dubai là lao động nhập cư đến từ châu Á, Phi, Âu, nhiều nhất là các quốc gia Nam Á (chiếm 2/3).

Việt Nam có hơn 15.000 lao động làm việc tại các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất. Người lao động Việt Nam ở Dubai làm nhiều ngành nghề như: xây dựng, thợ sắt, sản xuất đồ gỗ ..., có mức thu nhập 350 - 450 USD một tháng tùy theo ngành nghề. 

Lán trại công nhân thời khủng hoảng

Phải trả vài nghìn USD cho các công ty môi giới để có được tấm vé sang làm việc ở Dubai với hy vọng đổi đời, những người lao động nhập cư được đưa đến các công trường làm việc trong cái nóng gay gắt, công việc nặng nhọc và làm nhiều giờ mỗi ngày, đổi lấy mức thu nhập vài trăm USD/tháng – khoản tiền khó mà kiếm được ở quê nhà.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng tài chính Dubai mới đây giáng một đòn mạnh vào các tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, đẩy những  người lao động nhập cư vào cảnh khóc dở mếu dở. 

Các lán trại dành cho người lao động bỗng chốc trở nên hoang tàn như sa mạc. Trong cái bề bộn, dang dở của những công trường xây dựng, người ta không thấy có dấu hiệu của sự sống ngoài những dấu chân lạc đà.

“Phá sản rồi, trại này đóng cửa cách đây 3 tháng. Trước đây có 1500 người cơ: cả Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ: nay họ về nước hết rồi” - Người gác cổng môt khu lán trại cho hay.

Người lao động rời khỏi Dubai bỏ xa những tòa tháp chọc trời chưa kịp định hình. Họ chính là nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng. 

Trong sa mạc này, cách trung tâm thành phố Dubai (được ví như trung tâm tương lai của thế giới bởi sự xa hoa) hơn 50km, nằm xung quanh sân bay quốc tế tương lai có tên Jebel Ali, là những khu công nghiệp, những khu nhà ở của Dubai World Central, thành phố 1 triệu dân, công trình của nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ có tên BayTur, liên doanh với chi nhánh BTP của tập đoàn Hàn Quốc Samsung. Nhưng dự án này đã bị bong bóng bất động sản thổi tung và giờ chỉ còn trơ lại những giàn thép khổng lồ.

Trong khu trại được Samsung xây cho người lao động bên cạnh, 75%  công nhân đã về nước. “Giới chủ nói họ sẽ gọi những người công nhân sang ngay khi công trường bắt đầu lại”, một người Bangladesh nói bằng một giọng không mấy tin tưởng khi lấy dẫn chứng công trình có tên “Cành cọ trên cát”, được tập đoàn Nakheel ký hợp đồng với một nhà thầu Hàn Quốc nhưng hiện Nakheel đang vướng vào việc giành giật những công trình quá lớn dẫn đến việc phải xin khất nợ với tập đoàn mẹ là Dubai World, nên cũng chẳng có tiền trả cho đối tác.

Những người lao động thì không còn ảo tưởng: “Muộn nhất là hai tháng nữa, công trường này sẽ bị đánh sập, người ta nói đã 9 tháng nay Nakheel không trả đồng nào cho phía Hàn Quốc” – người công nhân Bangladesh chia sẻ.

Cách đó vài km về phía nam, sau một hòn đảo nhân tạo (một Cành cọ trên cát khác) là một khu giống như một thành phố nhỏ hoàn toàn chỉ có đàn ông, những con người đang bị kiệt quệ bởi cái đói, sự cô đơn và cái nóng như thiêu đốt của sa mạc.

Dòng chữ “Khu cho người lao động” bị tách ra bởi những bãi để xe tải, bãi vật liệu ngổn ngang, một vài hàng ăn, một vài nhà thờ Hồi giáo lợp tôn. Hàng chục nghìn lao động sống ở đó, trong những cái “hộp” có điều hòa. Mỗi phòng 15m2 kê được 3 giường tầng cho 6 người nằm. Thu nhập thì tùy theo công việc: công nhân điện kiếm được khoảng 360 USD/tháng, thợ đường ống nước được 300 USD, nếu trừ đi 30-40 USD tiền ăn thì số còn lại là để gửi về nhà. Thế nhưng đã 4 tháng nay người ta không nhận được một đồng lương nào: “Họ chỉ cho chúng tôi ăn để tồn tại” một người Philippine cho hay, anh này đang cố chờ đến lúc hết hợp đồng để đi tìm việc khác. 

Bỏ của chạy lấy người

Hơn 50% dự án xây dựng ở Dubai bị chậm tiến độ thậm chí bị dừng hẳn vì khủng hoảng tài chính. Các tòa nhà ở, cao ốc văn phòng, khu thương mại lẽ ra phải hoàn thiện vào thời điểm năm ngoái đã bị khủng hoảng kinh tế kéo dài vô thời hạn. Hàng chục tỷ USD được Hội đồng tư vấn kinh tế Dubai bơm vào thị trường. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài liên tục tháo chạy.

Mới đây cuộc khủng hoảng nợ gần 60 tỷ USD như nhấn chìm thêm con thuyền vốn đã chòng chành của nền kinh tế vốn được coi là năng động ở khu vực Trung đông này. 

Ở sân bay, hàng trăm chiếc ô tô bỏ không ở bãi xe chìa khóa vẫn cắm sẵn kèm theo cả thẻ tín dụng ghi nợ được vứt bỏ lại. Đó là ô tô của những lao động bậc trung, cao cấp mới bị mất việc, họ tìm cách về nước để trốn chạy sự truy đuổi của pháp luật địa phương.

Hàng trăm công nhân chủ yếu là nhân công ngành xây dựng làm việc ở những dự án lớn cũng có hoàn cảnh tương tự như nhân công ở các văn phòng và khu thương mại. Mỗi ngày hàng chục người phải rời các khu trại cho công nhân xây dựng ở Dubai.

Năm 2009, ít nhất 45% lao động nhập cư trong ngành công nghiệp bị mất việc. Hayri Taban, quản lý của một trại lao động có khoảng hơn 5000 người cho biết: “Mỗi ngày có đến 50-70 người về nước. Rất nhiều công ty ở đây bị phá sản. Hai trong số 5 dự án bị hủy. Tháng trước chúng tôi đã phải trả về nước 1300 lao động”. 

Bám trụ nuôi hy vọng

Đối tượng đầu tiên chịu tác động của khủng hoảng là những lao động nhập cư. Họ mất việc kéo theo mất visa.

Theo quy định ở đây, họ có 30 ngày để kiếm việc mới hoặc buộc phải về nước. Nếu tình hình kéo dài không có việc làm dẫn đến tình trạng nợ nần mà không có khả năng trả dễ dẫn đến bị phạt tù, điều này khiến họ sợ hãi và luôn phải sống chui lủi. Nhưng một số vẫn quyết bám trụ nuôi hy vọng một ngày không xa tình hình sáng sủa hơn, họ sẽ lại có được việc làm. 

Cách khu lán trại không xa, trên đường quốc lộ, một người đàn ông đứng thậm thụt trong bóng râm chờ xe bus, anh ta không dám nói quốc tịch và tên chủ thầu bởi sợ bị bắt lại, anh cho biết: “Dù thế nào tôi cũng không về nước, bằng mọi cách tôi phải ở lại tìm việc. Vợ con tôi ở nhà đang ngóng trông những món quà, tiền tôi gửi về, lâu rồi tôi chẳng kiếm được đồng nào”.

Người đàn ông này cũng giống như số đông những người phải ở lại Dubai mà không có giấy phép lao động. Phần lớn số họ bắt buộc phải chui lủi khi không thể lấy lại giấy phép từ nhà thầu. Họ đành phải sống bằng cách giúp việc cho tư nhân và bị bóc lột còn hơn cả ở những công trường xây dựng.

Tùng Lâm
Tổng hợp từ Asia News, Le Monde…

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG