Họa nhiễm khuẩn từ bệnh viện

Họa nhiễm khuẩn từ bệnh viện
TP - Không ít người khỏe mạnh cũng dính bệnh về nhà sau khi vào bệnh viện thăm nuôi hoặc làm việc do bị nhiễm khuẩn.
Họa nhiễm khuẩn từ bệnh viện ảnh 1
Nguy cơ mắc bệnh khi vào BV là rất cao. Ảnh: Lê Nguyễn

Hôm 8 -12, đúng một tuần sau khi Thông tư 18 có hiệu lực, chúng tôi đi thực tế ghi nhận ở các bệnh viện trên địa bàn TPHCM về việc bắt buộc rửa tay trước khi vào BV nhằm chống nhiễm khuẩn.

Tại BV Nhi đồng 1 - 2, hàng trăm người thân bồng bế con đến bệnh viện thăm khám, chen chúc nhau vào đăng ký và đợi khám trong khi tại các khu vực này không hề có bồn rửa tay. Muốn làm vệ sinh phải vào trong các khoa, phòng bệnh nhưng không phải giờ nào cũng vào được vì có giờ thăm bệnh.

Tại BV Nhân dân Gia Định, BV 115, Chấn thương Chỉnh hình và hàng loạt bệnh viện tuyến huyện, chuyện rửa tay đối với người đến thăm bệnh, thân nhân nuôi bệnh gần như là không thể.

Chị Nguyễn Thị Hoài ở Long An bế đứa con ba tuổi, đang chờ khám bệnh ở BV Nhi đồng 1, ngơ ngác khi tôi hỏi về việc rửa tay khi vào bệnh viện. “Em có thấy ai bắt vào viện là rửa tay đâu. Mà có rửa thì lấy nước ở đâu”- Chị Hoài nói.

Trong gần 10.000 bệnh nhân của 24 BV ở TPHCM mà Sở Y tế TPHCM điều tra phát hiện hơn 850 ca nhiễm khuẩn mắc phải tại BV, cao nhất là viêm phổi nhiễm khuẩn.

Theo bác sĩ Thư (BV Chợ Rẫy), các vi nấm hay virus sẽ phát triển lý tưởng trong BV và trở thành mối nguy cho bệnh nhân nằm điều trị và về nhà. Đặc biệt bệnh nhân, trẻ sơ sinh và người cao tuổi là những đối tượng dễ dính nhiễm khuẩn nhất.

Bệnh viện - nơi không an toàn

Gần 8% bệnh viện tuyến huyện ở Việt Nam bị nhiễm khuẩn. Trong khi đó, hơn 15% BV tuyến huyện hiện nay vẫn chưa có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn.

“Trong những lần đi kiểm tra tình trạng nhiễm khuẩn ở BV, chúng tôi ghi nhận việc vệ sinh BV có nơi chỉ làm chiếu lệ, không đúng quy trình. Nhân viên vệ sinh dùng vật lau dọn, lau từ phòng bệnh khoa này rồi kéo sang khoa khác mà họ không biết rằng đó là cơ hội cho vi khuẩn phát tán làm cho nhiễm khuẩn chéo trong BV tăng lên” - một bác sĩ chuyên khoa nhiễm khuẩn ở TPHCM cho biết.

Bác sĩ Huỳnh Văn Bình- Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức BV Nhân dân Gia Định TPHCM, cho biết, tình trạng một phòng mổ có khi lại chứa 2-3 ca mổ với những loại bệnh khác nhau, khiến cho nguy cơ nhiễm trùng sau mổ với người bệnh xảy ra cao.

Bác sĩ Lê Thị Anh Thư - BV Chợ Rẫy cho rằng, nhiễm khuẩn tại BV Chợ Rẫy dẫn đến viêm phổi sau mổ do thở máy chiếm 45% số ca đến điều trị. Ngoài ra, nhiễm khuẩn vết mổ chiếm hơn 21%, tiếp theo là nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết.

Hậu quả của nhiễm khuẩn BV, theo ông Phạm Đức Mục - Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), là làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân từ 9- 24,3 ngày và làm tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng.  

Bắt đầu từ ngày 1-12, Thông tư 18 của Bộ Y tế có hiệu lực. Theo đó, bắt buộc nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến thăm bệnh viện phải rửa tay. Liệu giải pháp này có phát huy hiệu quả?
MỚI - NÓNG