Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra

Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra
TP - Trả lời chất vấn (sáng 10-12) về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề ùn tắc giao thông, Phó Chủ tịch UBNDTP Đào Văn Bình và Nguyễn Văn Khôi đều thừa nhận: “Thành phố cũng đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên hiệu quả chưa cao”.

Theo ông Bình, ba ngành: Nông nghiệp, Công thương, Y tế thường trực trong Ban chỉ đạo của thành phố, phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm, nhưng trách nhiệm còn chồng chéo.

“Trên thị trường, trách nhiệm của ngành nào, chưa phân rõ. Thành phố sẽ khắc phục, cụ thể trách nhiệm” - Ông Bình nói.

NSND Phạm Thị Thành (Từ Liêm) cho rằng, trả lời của ông Bình chưa thỏa đáng. Ở Trung Quốc đã tử hình 3 người vì sữa nhiễm độc, chúng ta thì quá coi thường. Chúng ta ăn chất độc hàng ngày quen rồi, nhưng ảnh hưởng tới con cháu sẽ rất lớn.

“Mỡ thối, mỡ bẩn địa phương phải biết, sao không báo cáo? Thành phố phải nhìn thẳng sự thật, phải cấp cứu cho nhân dân, làm rõ trách nhiệm địa phương?” - ĐB Phạm Thị Thành chất vấn.

Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra ảnh 1
Bia hơi, thịt chó: dinh dưỡng hay độc tố? -  Ảnh: Phạm Yên

ĐB Nguyễn Việt Hưng (Đông Anh): “Chúng ta đang đưa cái chết từ từ vào người, nay lại thêm dầu ăn bẩn, mỡ ôi thiu. Cán bộ Thú y ngủ quên ở trạm, đoàn kiểm tra đến trạm họ mới dậy đóng dấu kiểm định thực phẩm”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình cho biết, phát hiện mỡ thối vừa qua cũng là công của ban chỉ đạo, của thành phố. Về trách nhiệm thì đã phân cấp, ở cấp xã thì chủ tịch xã phải chịu trách nhiệm. Hàng hóa tại chợ thì trách nhiệm thuộc ban quản lý các chợ. Các ngành cũng đã ra quân, lập các đoàn kiểm tra.

Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra ảnh 2
Một cơ sở chế biến, thu mua dầu mỡ đã qua sử dụng tại xã La Phù, H.Hoài Đức, Hà Tây- Hà Nội

Tại Trung Quốc có một số trẻ chết do ăn sữa nên người ta xử tử hình được. Còn tại Việt Nam các vi phạm vừa qua, chưa ai làm sao nên khó xử lý, nhưng Thành phố vẫn chỉ đạo phải làm kiên quyết!

Hai lần đứng lên hỗ trợ lãnh đạo thành phố trả lời bị chủ tọa nhắc nhở, Giám đốc Sở Y tế Lê Anh Tuấn quay sang chất vấn: “Bao giờ Hà Nội mới xong quy hoạch vùng rau an toàn, quy hoạch lò giết mổ tập trung?”.

Ông Đào Văn Bình cho biết, quy hoạch chung Thủ đô chưa xong nên chưa thể làm quy hoạch vùng rau an toàn. Cũng đã dự kiến quy hoạch một số khu vực, nhưng còn vướng ngành nọ, ngành kia.

Về quy hoạch lò mổ tập trung, hiện có 8 dự án xin đầu tư ở một số quận, huyện... Quá tập trung trả lời vấn đề này, ông Bình quên không đề cập đến việc xử lý trách nhiệm các chính quyền cơ sở để xảy ra việc sản xuất thực phẩm độc hại.

Chất vấn sáng kiến

ĐB Phạm Thị Loan (Long Biên) chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi: “Ùn tắc vẫn là vấn nạn, nhưng chặn ngã tư để giảm ùn tắc thì không thấy nước nào làm.

Ngân sách không thiếu, nhưng các giải pháp thiếu hiệu quả. Tại sao chúng ta để tăng dân số cơ học, cho cải tạo chung cư khiến dân số khu vực đó tăng tới 10 lần?”.

ĐB Trần Trọng Hanh (Đông Anh) đề nghị Thành phố đánh giá: “Mở rộng thủ đô ảnh hưởng đến ách tắc giao thông ra sao? Thành phố có kiên quyết đưa các cơ sở bệnh viện, xí nghiệp sản xuất ra ngoài nội đô hay không?”.

Ông Khôi cho biết, thành phố đã có những cố gắng, tìm giải pháp để giảm ách tắc, đồng thời sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch về giao thông trong quy hoạch chung Thủ đô.

Theo đó, sẽ có ngưỡng giới hạn ô tô và các phương tiện vào trung tâm, xây dựng đô thị vệ tinh giãn dân ra ngoài.

Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra ảnh 3

Nút cổ chai ngã tư Ô Chợ Dừa và phố Xã Đàn - Nguyễn Lương Bằng - Ảnh: Phạm Yên (Chụp lúc 17h ngày 9 -12-2009)

Truy về sáng kiến chặn các ngã ba, ngã tư vừa qua, ĐB Đào Xuân Mùi (Thanh Trì) cho biết, còn có ý kiến cho rằng cách làm đó gây thêm ách tắc, phá vỡ hệ thống giao thông đô thị và ý thức chấp hành trật tự giao thông, gây mất an toàn.

Ông Khôi thừa nhận đang có ý kiến trái chiều về giải pháp này. Tuy nhiên, giải pháp này cũng có hiệu quả nhất định, như giảm xung đột ở ngã ba, ngã tư, nhưng lại tăng xung đột ở các góc quay.

“Thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành rà soát lại để cuối tháng 12 đưa ra phương án triển khai cho năm 2010” - Ông Khôi nói.

Bên cạnh đó ông Khôi cũng cho biết thành phố sớm xây dựng 10 cầu đi bộ; chuẩn bị khởi công tuyến đường sắt, thực hiện dự án QL32; đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, đường vành đai 3 trên cao…

Tuy nhiên với cung cách triển khai các dự án giao thông như vừa qua, chắc chắn những công trình mà Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Khôi nêu ra hẳn phải đến nhiệm kỳ sau mới hoàn thành(?).

Người dân Hà Nội sẽ còn phải chấp nhận sống chung với ùn tắc khi các giải pháp vẫn bế tắc.    

Hỏi dài dòng, đáp vòng vo

Đại biểu Nguyễn Đăng Kính (huyện Chương Mỹ) cho rằng, đưa ra hai vấn đề về an toàn thực phẩm, ô nhiễm và ùn tắc giao thông ra chất vấn được nhiều cử đồng tình.

Tuy nhiên, với hai vấn đề dân sinh như vậy mà chỉ chất vấn và trả lời trong buổi sáng là chưa đủ. Cả người hỏi lẫn người trả lời vẫn nặng về giải thích, không đi đúng trọng tâm. Người hỏi thì dài dòng, người trả lời thì vòng vo.

Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra ảnh 4 Thực phẩm bẩn, tắc đường: Vẫn chưa có lối ra ảnh 5
ĐB Nguyễn Đăng Kính ĐB Bùi Thị An

Đại biểu Bùi Thị An (quận Hai Bà Trưng) nói:  Tôi và các đại biểu đã tập trung hỏi vấn đề đang được nhiều cử tri quan tâm đó là tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay của Hà Nội. Thế nhưng, lãnh đạo thành phố vẫn trả lời theo kiểu giải thích quá nhiều, thành phố vẫn chưa đưa ra được các biện pháp giải quyết cụ thể.

Nguyễn Tú Ghi

  
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.