Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh:

Quan chức không nên kiêm nhiệm

Quan chức không nên kiêm nhiệm
TP - Hôm qua, 15-12, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Phó Tổng giám đốc Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) Hoàng Nguyên Học có cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin với lãnh đạo các cơ quan báo chí.

Buổi gặp gỡ diễn ra tại cuộc họp giao ban hằng tuần, do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Tiền Phong lược ghi nội dung cuộc trao đổi này.

Quan chức không nên kiêm nhiệm ảnh 1

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời câu hỏi của các nhà báo tại cuộc họp sáng 15-12 - Ảnh: Nhật Anh

Ông Trần Văn Nhung, Tổng biên tập báo Cựu Chiến binh VN: Thưa Bộ trưởng, SCIC là doanh nghiệp Nhà nước. Vậy căn cứ vào đâu để trả lương lãnh đạo đến 78,5 triệu đồng/tháng, trong khi lương của Chủ tịch nước cũng chỉ có hệ số 13 (dưới 10 triệu đồng/tháng)?

Ông Vũ Văn Ninh: Cách tính lương của doanh nghiệp khác với lương của công chức Nhà nước. Cụ thể, lương doanh nghiệp căn cứ theo Nghị định 206 và 207 của Chính phủ.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH phê duyệt đơn giá tiền lương. Năm 2008, Bộ này phê duyệt đơn giá tiền lương cho SCIC là 10,3 đồng/1.000 đồng doanh thu. Tính ra, lương của lãnh đạo SCIC khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, tại SCIC còn có ba khoản thu nhập khác (ngoài lương) là các khoản tiền lương của năm 2007 trả vào quý I/2008 (chi làm thêm giờ quý IV/2007 và tiền lương năm 2007 được thanh toán trong quý I/2008) là 5,9 triệu đồng; tiền điện thoại, quần áo, đồng phục... khoảng 6,1 triệu đồng; tiền thưởng và quỹ phúc lợi....Cộng tất cả chưa trừ thuế mới thành con số 78,5 triệu đồng/tháng.

Bà Vũ Ngọc Dung, Tổng biên tập báo Đất Việt: Trong HĐQT của SCIC có khá nhiều quan chức kiêm nhiệm (Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, kiêm Chủ tịch HĐQT; các Thứ trưởng Trần Xuân Hà (Bộ Tài chính), Đỗ Hữu Hào (Bộ Công Thương), Cao Viết Sinh (Bộ KH&ĐT), kiêm ủy viên HĐQT), như thế dễ dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Ông Vũ Văn Ninh: Đúng là về lâu dài không nên kiêm chức, nhưng do hiện nay bộ máy của SCIC chưa kiện toàn nên mới phải kiêm.

Bà Vũ Ngọc Dung: Phía Qantas (Úc) chỉ có 27% cổ phần trong JPA nhưng  vì sao trong vụ mua nhiên liệu máy bay dự phòng (fuel hedging) năm 2008 họ lại đứng ra thu xếp các hợp đồng fuel hedging (các hợp đồng này làm JPA lỗ trên 500 tỷ đồng-pv). Nay lỗ họ cũng chỉ chịu trách nhiệm theo số vốn góp rất ít?

Ông Hoàng Nguyên Học: Đúng là khi mua dự trữ xăng dầu phía Qantas thu xếp các hợp đồng hedging. Tuy nhiên, trong năm 2008, chính bản thân Qantas cũng bị lỗ khi ký các hợp đồng hedging. Thực tế, lỗ do nghiệp vụ hedging là ngoài ý muốn chủ quan của Qantas.

Ông Vũ Văn Ninh: Việc mua dự trữ xăng dầu năm 2008 là có chủ trương của HĐQT của JPA (có nghị quyết). Còn việc thực hiện có đúng nghị quyết của HĐQT hay không, chúng tôi đang cho kiểm tra. Căn cứ vào đó để kiểm điểm trách nhiệm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamnet: Ở một tổng Cty quan trọng như SCIC thì lương lãnh đạo như vậy không phải là nhiều. Vấn đề quan trọng là SCIC có cơ chế như thế nào để tuyển chọn được người tài thực sự?

Ông Vũ Văn Ninh: Thực tế SCIC đã có quy chế, quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn để xét tuyển và thi tuyển cán bộ. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ của SCIC hiện nay đáp ứng được yêu cầu công việc.

Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định về quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước, đồng thời, Chính phủ cũng đã giao Bộ LĐTB&XH xây dựng nghị định về tiền lương của doanh nghiệp Nhà nước và Cty mà Nhà nước có cổ phần chi phối.

Khi đó, vấn đề lương,  thưởng cho lãnh đạo doanh nghiệp sẽ minh bạch hơn.

Thu nhập của Tổng giám đốc JPA vẫn 1,5 tỷ đồng/năm

Liên quan đến việc JPA từ ngày ra đời (năm 1999) đến nay năm nào cũng lỗ (hiện vốn của chủ sở hữu âm hơn 121 tỷ đồng), nhưng lãnh đạo Cty vẫn nhận lương hàng tỷ đồng mỗi năm và việc mua xăng dầu dự trữ năm 2008 làm lỗ hơn 500 tỷ đồng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo JPA kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo Thủ tướng.

Về việc cắt giảm lương của JPA, ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng Giám đốc SCIC, cho biết: Đến nay Cty đã giảm số cán bộ quản lý chủ chốt người nước ngoài (từ 12 người xuống còn 5 người); cắt giảm khoảng 100 biên chế lao động, đồng thời cắt giảm lương của lãnh đạo chủ chốt phía Việt Nam, với mức giảm ít nhất 25% đối với các vị trí tổng giám đốc, kế toán trưởng, giám đốc thương mại.

Theo tính toán, các biện pháp trên giúp JPA tiết kiệm được ngay 1,5 triệu USD trong năm 2009. Như vậy, nếu so với mức lương cũ (trên 2 tỷ đồng/năm) thì dù đã cắt giảm 25%, thu nhập của tổng giám đốc JPA vẫn khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

B.Kiên
Lược ghi

MỚI - NÓNG