Máy bay chở vũ khí bị bắt ở Bangkok: Vẫn còn ẩn số

Máy bay chở vũ khí bị bắt ở Bangkok: Vẫn còn ẩn số
TP - Từ lời khai của phi hành đoàn và hồ sơ của chiếc IL-76, nhà chức trách Thái Lan lạc lối trong khu rừng rậm, không thể xác định ai là chủ đích thực của chiếc máy bay cũng như việc lô hàng 35 tấn vũ khí nếu không bị bắt giữ sẽ được chuyển cho ai.

Kỳ 1:  Máy bay chở vũ khí bị bắt ở Bangkok: Phi vụ bí ẩn

Máy bay chở vũ khí bị bắt ở Bangkok: Vẫn còn ẩn số ảnh 1
Các xe tải được huy động chở lô vũ khí từ chiếc IL-76 đang đỗ tại sân bay Don Muang, Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Bốn ngày sau khi chiếc máy bay bị bắt giữ ở Bangkok, người ta vẫn chưa kết luận được không trình đích thực tiếp theo của máy bay này. Các nhà chức trách Thái Lan chỉ khẳng định được một điều rằng trên đường đến Bình Nhưỡng, máy bay đã quá cảnh Bangkok. Vẫn còn một điều bí ẩn vì sao chiếc IL-76 lại hạ cánh xuống Bangkok để tiếp dầu mà không xuống các sân bay khác tại Myanmar, Sri Lanka, hoặc Pakistan. 

Báo New York Times cho biết, các cơ quan tình báo Mỹ và tình báo một số nước khác cùng phát hiện chiếc IL-76 đã ăn hàng tại sân bay Bình Nhưỡng. Nhờ tin mật báo từ các cơ quan tình báo này mà Thái Lan đã chủ động bắt giữ cả người, phương tiện và hàng hóa trên chiếc máy bay mang danh hãng hàng không Air West. Để có đủ thời gian điều tra thêm, Thái Lan quyết định kéo dài thời gian tạm giữ phi hành đoàn từ 12 ngày lên 74 ngày.

Nhận diện vũ khí

Các chuyên gia vũ khí Thái Lan cho biết, trong lô hàng vũ khí đang bị thu giữ có nhiều súng phóng lựu, nhiều thùng tên lửa phòng không vác vai, và đặc biệt là loại tên lửa công nghệ cao K-100. Các thùng đựng vũ khí được đóng bằng những thanh gỗ dẹt ghép vào nhau nhưng không kín, cho phép nhìn thấy qua kẽ hở những vũ khí nói trên bên trong. Trên nhiều thùng gỗ này có in các con số thứ tự như 78, 83, 86, 87,... có thể đây là cách đánh số để phân biệt đơn vị vũ khí riêng lẻ.

Theo chuyên gia tên lửa Charles P. Vick thuộc nhóm nghiên cứu vũ khí ở bang Virginia, Hoa Kỳ, K-100 là loại tên lửa do Nga thiết kế chuyên dùng để tiêu diệt các máy bay rađa tối tân như loại máy bay trinh sát cảnh báo sớm AWACs.

Hiện nay, loại máy bay AWACs mới chỉ có trong quân đội Mỹ và Israel, sắp tới Ấn Độ cũng trang bị cho quân đội của họ. Trong lô vũ khí nói trên có nhiều thùng gỗ có kích thước 0,4 m x 6 m, phù hợp với kích thước tiêu chuẩn của thùng đựng tên lửa K-100.                            

Chiếc máy bay vô chủ

Trả lời các nhân viên điều tra, phi công Viktor Abdullayev-một trong số năm thành viên phi hành đoàn đang bị tạm giữ- khai rằng chiếc máy bay IL-76 của họ cất cánh từ Ukraine, bắt đầu hành trình bay sang Triều Tiên. Do Il-76 là loại máy bay tầm ngắn nên lượt đi nó phải hạ cánh tiếp nhiên liệu tại Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Sri Lanka, Thái Lan và Triều Tiên. Khi được hỏi, điểm đến tiếp theo của chiếc IL-76 sau Bangkok, phi hành đoàn cho biết đó là Colombo, Sri Lanka, UAE, và trở lại Ukraine, nơi xuất phát.

Tuy nhiên, Phát ngôn viên Bộ Giao thông vận tải Ukraine Oleksandr M. Kluban khẳng định Ukraine không hề có hồ sơ nào chứng tỏ chiếc IL-76 nói trên là máy bay của Ukraine. Phía Ukraine chỉ thừa nhận chiếc máy bay này đã hạ cánh xuống một sân bay gần Kiev trong tình trạng không có hàng hóa để tiếp dầu hôm 8-12 rồi lại tiếp tục không trình bí ẩn của nó.

Các quan chức Ukraine cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về tung tích chiếc IL-76 và khẳng định Kiev không có thông tin gì về chuyện một công ty Ukraine đã thuê chiếc máy bay nói trên.

Qua nhiều kênh khác nhau, nhà chức trách Thái Lan được các quan chức  Kazakhstan cho biết chiếc IL-76 này được đăng ký ở Gruzia ngày 7-10 vừa qua, sau đó được một công ty New Zealand thuê. Ông Radilbek Adimolda-Chủ tịch Ủy ban Hàng không dân dụng thuộc Bộ Giao thông Vận tải Kazakhstan khẳng định rằng trước khi được bán cho một công ty của Gruzia, chiếc máy bay này từng được đăng ký ở Kazakhstan.

Các quan chức Gruzia xác nhận hãng hàng không vận tải Air West là của Gruzia, có trụ sở tại thành phố cảng Batumi bên bờ Biển Đen. Ông Nodar Kakabadze, chủ tịch hãng Air West thừa nhận cả năm thành viên phi hành đoàn là người của Air West nhưng chiếc máy bay IL-76 và cả phi hành đoàn đã được cho một chi nhánh ở Ukraine của công ty tàu biển SP Trading có trụ sở ở Thái Lan thuê cách đây một tháng.

Hợp đồng cho thuê máy bay IL-76 và phi hành đoàn được ký kết ngày 5-11-2009 giữa đại diện hãng Air West và chi nhánh Ukraine của công ty SP Trading. Theo hợp đồng này, máy bay IL-76 được sử dụng để thực hiện một số chuyến bay từ Ukraine. Nội dung hợp đồng thiếu phần mô tả chi tiết không trình của các chuyến bay.

Quan chức cao cấp Bộ Nội vụ Gruzia Shota Utiashvili nói rằng IL-76 là loại máy bay được sản xuất dưới thời Liên Xô. Loại máy bay cũ nát này thường được các hãng hàng không vận tải nước ngoài thuê. Một khi đã thuê thì họ muốn sử dụng để vận chuyển hàng gì là tùy ý.

Đến cuối ngày 16-12, báo Times online dẫn lời ông Hugh Griffiths thuộc Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Thụy Điển, cho rằng chiếc IL-76 có liên quan đến nhà buôn vũ khí khét tiếng người Serbia Tomislav Dmanjanovic.

Căn cứ của Hugh Griffiths là chiếc IL-76 từng được đăng ký là tài sản của công ty Beibars-một công ty từng bị Mỹ xác định có liên quan đến nhóm buôn lậu vũ khí ở châu Âu. Tuy nhiên, đến nay điều này vẫn chưa được kiểm chứng.

Nguyễn Đại Phượng
Tổng hợp

MỚI - NÓNG