Làng 'ăn tới, mần lui'

Làng 'ăn tới, mần lui'
TP - Nhiều người tò mò khi nghe gọi tên làng có cái nghề tên quai quái này, nhưng xin cam đoan 100% là có một cái nghề mần (làm) lui thì trúng mà mần tới dứt khoát là đói. Đó là nghề cào con chắt chắt trên dòng Thạch Hãn ở Quảng Trị.  

Con sông Hiếu và Thạch Hãn vùng vẫy với thác ghềnh ở thượng nguồn thì, khi chảy ngang qua các xã Triệu Giang, Triệu Long, Đông Lễ, Đông Lương, Triệu Độ, Gio Mai…, trở nên êm đềm, hiền hòa.

Ở đoạn hạ lưu này, dòng sông không biết tự bao giờ đã trở thành nơi sinh sống lý tưởng của một loài sinh vật nước lợ, gọi là con chắt chắt.  Nghề cào chắt chắt do ai sinh ra, dân làng hai bên sông không nhớ nổi. Chỉ biết rằng đó là một món quà tuyệt vời mà thiên nhiên ưu đãi.

Từ bé, lũ chúng tôi đã nhiều lần được bà ngoại đãi món canh chắt chắt nấu với rau muống, trộn gừng tươi, ớt cay. Cái vị thơm ngon cứ mãi lẩn quất trong vòm họng rất riêng.

Nhiều lần, về quê ngoại, tôi từng theo người anh con dì lặn xuống sông cào chắt chắt bán kiếm tiền. Những con chắt chắt  nhỏ bé ấy một thời  là vị cứu tinh cho cơm cho áo của hàng vạn dân vùng quê ven sông Hiếu, sông Thạch Hãn.

Một ông tiến sĩ  từ bé đã lớn lên bằng những đồng tiền kiếm được do bán chắt chắt mà có. Khi đứng trên bục giảng nói về mảnh đất, con người ở vùng quê này, ông đưa cánh tay lên hỏi sinh viên của mình: “Các em cho biết trong cánh tay thầy có cái gì?”. Cả lớp ngơ ngác chưa hiểu ý thầy thì thầy giáo tự hào nói: “Trong tay tôi có nước con chắt chắt”.

Ăn tới, mần lui  

Con chắt chắt có thân hình giống con hến nhưng bé hơn rất nhiều, mặt (thân thịt) dầy hơn, đặc biệt nước chắt chắt rất ngọt nên được nhiều người ưa thích.

Làng 'ăn tới, mần lui' ảnh 1

Con chắt chắt có mặt hàng ngày trong mỗi gia đình ở ven sông Thạch Hãn - Ảnh: H.T

Món ăn khoái khẩu dân dã nhất khi chế biến chắt chắt là nấu với rau muống, trộn gừng và ớt trái tươi. Nó đã trở thành món ăn đặc sản ở xứ này và  được nâng thành một thứ văn hóa ẩm thực của những làng quê ven sông Thạch Hãn.

Theo y lý đông y, chắt chắt có vị mát, dễ tiêu hóa. Mùa hè nóng nực, bữa cơm gia đình  không cần cá, thịt, chỉ chắt chắt nấu với rau muống vừa hái ngoài ao, rồi thêm một đĩa mặt chắt chắt xào. Vừa chan canh, vừa cắn quả ớt tươi thì không gì ngon bằng.

Đánh bắt được con chắt chắt là công việc nặng nhọc. Người ta phải đan một chiếc cào bằng tre (hơn 100 thanh tre được vót nhỏ kết lại) giống hình cái thìa nằm úp.

Làm nghề này chủ yếu thức đêm, canh chừng theo con nước. Nước xuống (thủy triều xuống), con chắt chắt trồi lên, cả gia đình cùng nhau lên chiếc thuyền nan ra giữa dòng sông rồi lặn xuống đáy sông mà cào.

Chiếc cào được đặt tư thế úp vào  người. Người cầm cào đi lui mãi, hai tay lắc thật mạnh để múc bằng được những con chắt chắt nằm dưới đáy sông vào cào. Đặc trưng của nghề là thế.

Dân cào chắt chắt thường đùa với nhau đây là cái nghề làm lui, ăn tới (vì thịt chắt chắt quá khoái khẩu). Nhiều khi để bắt được chắt chắt, phải lặn sâu xuống đáy sông từ 5 đến 7 m. Lặn quá nhiều lần, màng nhĩ bị thủng, về già cứ nghễnh ngãng, lõm bõm câu được, câu chăng.

Đánh bắt chắt chắt nguy hiểm luôn rình rập. Cách đây chưa lâu, mẹ con chị Nguyễn Thị Lý  ở làng Lập Thạch đang trên đường đi cào chắt chắt về  thì gặp lốc xoáy giữa sông. May nhanh tay chèo vào nấp trong bờ.

Làng Mai Xá không chỉ nổi tiếng với  nghề ăn tới, mần lui, mà còn nức tiếng trong tỉnh, trong nước, ngoài nước về sự học. Như năm học này, ở làng này có 8 em học sinh đỗ vào trường chuyên Lê Quý Đôn và 55 em đỗ đại học, cao đẳng.

Bác Nguyễn Văn Tiên ở thôn Lập Thạch nói rằng, ở vùng quê này có  biết bao nhiêu gia đình nhờ chắt chắt mà nuôi nổi con ăn học nên người. Chỉ tay sang nhà trước mặt, bác Tiên nói: “Đi đâu tìm hiểu cho xa, gia đình chị  Nguyễn Thị Lý nuôi hai con đi học cao đẳng cũng nhờ chắt chắt. Đêm đi cào, sáng mai gánh ra chợ bán kiếm tiền nuôi con”.

Câu chuyện anh Nguyễn Đức Sinh một buổi đi học, buổi còn lại đi cào chắt chắt phụ gia đình mua gạo đang được dân làng Lập Thạch kể cho nhau nghe như một bài học làm người cho lũ trẻ  thời @.

Khi vào đại học, những ngày nghỉ hè, Sinh vẫn cùng mẹ đi cào chắt chắt bán kiếm tiền nuôi em ăn học cho đến khi cả mấy anh em tốt nghiệp ra trường. Cậu bé suốt ngày cào chắt chắt năm nao thân hình gầy đen, quắt lại bây giờ đã trở thành thầy giáo THPT ở thành phố Đông Hà.

Chuyện Nguyễn Đức Sinh chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện của không biết bao nhiêu thế hệ học sinh từ những vùng quê nghèo này mà trước khi nên người họ phải sống bằng công việc ăn tới mần lui này.

Hái ra tiền

Ngày trước con chắt chắt là món ăn của nhà nghèo, dân quê, nhưng nay trở thành đặc sản của nhà giàu, dân phố. Làm chắt chắt ra, các nhà hàng, khách sạn về thu mua tận bến chứ không còn cảnh mang đi rao bán rát họng như xưa nữa. Giá chắt chắt những 10 ngàn đồng cho một lon mặt đã luộc chín.

Dọc đường xuyên Á - Quốc lộ 9, ngang qua xã Gio Mai có rất nhiều quán bún chắt chắt.  Những quán bún này trình làng cách đây đã vài năm. Mùa hè oi ả, người từ thị xã tỉnh lỵ Đông Hà chạy ô tô về đến xã Gio Mai ăn tô bún chắt chắt cho mát lòng.

Ăn tô bún xong, tôi hỏi trong bát bún này có những gì mà hấp dẫn vậy chị? Chủ quán mặt ửng hồng trả lời:  “Chỉ có… 100% chắt chắt  mà thôi”. Có nghĩa là nguyên xi, nguyên chất.

Chị kể: “Bún chắt chắt không cần thêm bột ngọt. Vị ngọt tự nhiên sẵn có trong cơ thể của chắt chắt rồi. Còn rau màu, rau thơm, rau muống được trồng ở bờ ao đồng làng, không phân bón, không thuốc trừ sâu”.

Làng 'ăn tới, mần lui' ảnh 2 Trưởng làng Mai Xá, ông Bùi Văn Bỉ, nói như reo qua điện thoại: Hôm qua người làng nhận được tin vui, GS.TS Lê Văn Huy, 36 tuổi, một người con của làng Mai Xá, hiện làm việc tại Texas bên Mỹ, đã trở thành người đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và khám phá ra hệ thống bộ nhạy cảm thông minh được sử dụng trong hai động cơ trực thăng của Mỹ. Qua ông Bỉ, lại hay, Huy là thành viên Hội Quang học Quốc tế với hơn 20 phát minh khoa học.  Làng 'ăn tới, mần lui' ảnh 3

Làng Mai Xá ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh là điểm cuối trên con đường xuyên Á trước khi về cảng Cửa Việt. Hành trình này nối Quảng Trị của Việt Nam bằng Quốc lộ 9, qua Lào -Thái Lan - Myanma, và điểm cuối cùng là Ấn Độ với chiều dài 1.400 cây số.

Rất nhiều người Lào, Thái Lan khi  về biển Cửa Việt đã phải dừng chân lại ăn món đặc sản này. Chị Lê Quý Chung, một Việt kiều ở Thái Lan cười tươi: “Tháng trước tôi về nước thăm quê. Được đãi  một tô bún chắt chắt ở làng Mai Xá, ngon quá chừng. Hè này, tôi sẽ đưa hai cháu trở lại Quảng Trị để nó được thăm quê và ăn con chắt chắt”.

Làng Mai Xá không chỉ nổi tiếng với nghề ăn tới, mần lui, mà còn nức tiếng trong tỉnh, trong nước, ngoài nước về sự học. Như năm học này, ở làng này có 8 em học sinh đỗ vào trường chuyên Lê Quý Đôn và 55 em đỗ đại học, cao đẳng.

Dòng họ Bùi ở làng Mai có 297 người tốt nghiệp đại học, 15 người có trình độ thạc sĩ, năm giáo sư và tiến sĩ như GS.TS Bùi Thế Vĩnh, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, TS Bùi Trọng Ngoãn, TS Bùi Minh Tâm, TS Bùi Minh Thành...

Nhớ lại nhiều năm trước, học sinh ở làng này đi bộ ra Gio Linh, lên Đông Hà với độ dài mươi, mười lăm cây số để học cấp ba, khổ nhọc là vậy mà nhiều người lại rất thành danh. Trưởng làng Mai Xá, ông Bùi Văn Bỉ, tự hào nói với chúng tôi như vậy...

MỚI - NÓNG