Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân:

Sẽ quản lý môi giới du học

Sẽ quản lý môi giới du học
TP - Tại hội nghị công tác tuyển sinh đào tạo lưu học sinh ở nước ngoài, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định sẽ quản lý dịch vụ môi giới du học, một phần trong nỗ lực giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi LHS.

Thưa Phó Thủ tướng, vừa qua dư luận có rất nhiều ý kiến không đồng tình về một số điều khoản trong dự thảo quy chế quản lý LHS. Phó Thủ tướng có ý kiến gì về việc này?

Theo quy định của Chính phủ, việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, nhân dân để đóng góp cho dự thảo như vừa qua là hoàn toàn hợp lý. Cũng theo quy định, từ khi thông báo rộng rãi về dự thảo cho đến khi ra quy chế chính thức, thời gian là 45 - 60 ngày.

Tuy nhiên, chủ trương của Bộ GD&ĐT khi đăng rộng rãi dự thảo quy chế quản lý LHS để lấy ý kiến là sẽ không chờ đến hết thời gian lấy ý kiến mới sửa đổi. Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi bất cứ những gì bất hợp lý, sau đó tiếp tục thông báo rộng rãi để lấy ý kiến dư luận tiếp tục cho đến khi hết thời gian 45 - 60 ngày.

Thưa Phó Thủ tướng, hiện nay có điểm nào mới trong việc giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của LHS ở nước ngoài?

Năm 2010: Đào tạo 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài

Ông Nguyễn Xuân Vang - Cục trưởng Cục Đào tạo với Nước ngoài - cho biết: Theo kế hoạch tuyển sinh năm 2010, sẽ đào tạo 10.000 tiến sĩ chủ yếu cho các trường ĐH, CĐ, học viện.

Năm 2009, tổng số LHS được cử đi học nước ngoài là 1.168 người. Trong đó, 82% là cán bộ từ các học viện, trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Việc LHS quan tâm nhiều nhất là ai sẽ là người giúp đỡ mình trong quá trình học. Vì vậy, Nhà nước phải chăm lo bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam khi đi học ở nước ngoài.

Để làm tốt việc này, sắp tới phải quản lý luôn cả những dịch vụ môi giới du học hoạt động trong nước. Ngoài vấn đề kinh doanh, hoạt động giáo dục cũng phải được quản lý chặt chẽ.

Ở tất cả các nước, đại sứ quán là cơ quan đại diện chính thức để bảo vệ quyền lợi cho các LHS. Chính phủ đã quy định sẽ tăng cán bộ phụ trách giáo dục tại một số nước có nhiều LHS học tập...

Có phải Phó Thủ tướng từng hứa, đến năm 2010, giáo viên sẽ sống được bằng lương? Đến nay chỉ còn vài ngày là hết năm 2009...

Xin khẳng định lại là tôi không hề hứa. Việc giáo viên có thể sống bằng lương chính là nguyện vọng của các thầy, cô giáo từ năm 2006. Khi ấy, chúng tôi đã bàn và kiến nghị lên Chính phủ. Trong đề án đổi mới tài chính, Bộ GD&ĐT đã đề nghị hệ số lương nhà giáo cao hơn mức bình thường.

Từ năm 2007, Chính phủ bàn về chuyện này, nhưng phải tăng lương theo lộ trình của cả nước chứ không thể riêng ngành giáo dục được.

Đến năm 2010, hệ số lương công chức sẽ là 650.000 đồng, so với 290.000 đồng năm 2006 là đã tăng gấp 2,5 lần. Nếu trừ đi lạm phát khoảng 1,5 lần thì tăng thực sẽ khoảng 1,4 lần so với năm 2006. Điều kiện như thế là đã được cải thiện.

Hướng thứ hai Bộ GD&ĐT đề xuất là phụ cấp thâm niên. Đến năm 2009, khi Quốc hội bàn về sửa Luật Giáo dục, việc này đã được thông qua. Vì thế, từ năm 2010, ngành giáo dục sẽ tham mưu cho Chính phủ về việc phụ cấp thâm niên cho giáo viên.

Ngoài ra, còn một việc nữa là đội ngũ các thầy, cô giáo giỏi, hiệu phó, hiệu trưởng các trường phổ thông, sau một thời gian công tác được rút về phòng giáo dục, sở GD&ĐT. Những thầy, cô giáo này lúc này không có lương đứng lớp, dẫn đến nhiều thầy, cô không muốn được rút đi.

Giải quyết vấn đề này trong vòng hơn 4 năm trời không được. Vừa rồi, sau khi Bộ GD&ĐT có ý kiến, Quốc hội đã chấp nhận hướng giải quyết: những thầy, cô này sẽ được nhận lương đứng lớp trong 3 năm để yên tâm công tác.

Như vậy, thu nhập của thầy, cô giáo đã được cải thiện đáng kể. Chúng tôi luôn không quên trách nhiệm của mình đối với thầy, cô giáo trên cả nước.

Đăng Khoa
Ghi

MỚI - NÓNG