Quản lý sàn vàng: Hai phương án đều phạm luật

Quản lý sàn vàng: Hai phương án đều phạm luật
TP - Như Tiền Phong đã thông tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ hai phương án xử lý sàn vàng (kinh doanh vàng qua tài khoản). Tuy nhiên, cả hai phương án đều bị nhiều người phản đối vì phạm luật.

>> Sẽ đánh thuế kinh doanh vàng trên sàn 

Quản lý sàn vàng: Hai phương án đều phạm luật ảnh 1
Tại một sàn vàng của Ngân hàng ACB - Ảnh: Vietnamnet

Song song việc trình Chính phủ, NHNN cũng đưa ra hai phương án khi xây dựng dự thảo thông tư về sàn vàng: Một là dừng hoạt động sàn vàng vì không phục vụ lợi ích nhu cầu về đời sống; Hai là vẫn cho sàn vàng hoạt động nhưng nâng tỷ lệ ký quỹ, có thể tới 100% và chỉ các ngân hàng thương mại mới được cung ứng dịch vụ này.

Giám đốc một sàn giao dịch vàng tại Hà Nội cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp (DN) không phải là ngân hàng thương mại nhưng đã thành lập sàn giao dịch vàng quy mô lớn, mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, với hệ thống cả trăm đại lý, sàn giao dịch, góp phần huy động vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư, sau đó thông qua ngân hàng để hỗ trợ xã hội đầu tư sản xuất kinh doanh.

Vì thế, thu hẹp đối tượng thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước sẽ gây thiệt hại lớn cho các DN và làm giảm tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Không quản được thì cấm

Theo một chuyên gia tài chính, ước tính, khối lượng giao dịch thông qua hệ thống khoảng 30 sàn vàng hiện nay mỗi ngày hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh lợi nhuận mang lại cho các nhà đầu tư thì hoạt động kinh doanh này cũng đã xuất hiện không ít rủi ro. Việc quản lý sàn vàng là cần thiết, tuy nhiên không thể vì “không quản được thì cấm” như quan điểm của NHNN.

Theo các nhà phân tích,  cả hai phương án mà NHNN đưa ra đều vi phạm Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Theo Nghị định này, hoạt động kinh doanh vàng nói chung, sàn giao dịch nói riêng không thuộc hàng hóa, dịch vụ cấm hoặc hạn chế kinh doanh.

Ông Trần Quốc Quýnh - Chuyên gia cao cấp Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, cả hai phương án NHNN đưa ra đều không khả thi. Và nếu một trong hai phương án được áp dụng thì chắc chắn các sàn vàng sẽ phải đóng cửa.

Cũng theo ông Quýnh, dự thảo thông tư đã qua 11 lần sửa đổi  nhưng những quy định hoạt động và tiêu chuẩn cho sàn vàng vẫn chưa thể hiện rõ. Ông Quýnh cho rằng, ban soạn thảo bị động và chưa có đủ thông tin hoạt động của sàn vàng nên chưa đưa ra phương án khả thi.

Ông Cao Sỹ Kiêm, thành viên HĐ tư vấn tiền tệ quốc gia:

Không nên cấm

Theo thống kê, hiện có khoảng 30 sàn vàng đang hoạt động, trong đó 6 - 8 sàn có ngân hàng đứng sau. Nhiều sàn vàng hoạt động lộn xộn, dễ gây rủi ro. 

Việc đưa vào quản lý một cách có tổ chức hơn là cần thiết. Tuy nhiên, cá nhân tôi cũng cho rằng không nên cấm.

Thay vào đó, đối với hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản, chỉ nên cho nhà đầu tư tổ chức vay vàng với tỷ lệ ký quỹ cao, để phòng tránh rủi ro. Mức ký quỹ có thể tới 70% chẳng hạn.

Ông Phạm Huy Dương - Phó Tổng Giám đốc sàn kinh doanh vàng Quốc tế (IGI): 

Cấm cũng không đơn giản

Không nên cấm kinh doanh đối với sàn vàng không có ngân hàng đứng sau. Lý do, nhà đầu  tư không quan tâm sàn vàng này có ngân hàng dựa lưng hay không; cái họ quan tâm là sàn đó có hoạt động minh bạch hay không.

Việc cấm các sàn vàng hiện tại sẽ không hề đơn giản. Bởi nếu cấm, thì tài khoản của nhà đầu tư đang ở trong đó hàng tỷ đồng sẽ để vào đâu. Hiện tại, các sàn vàng đều đánh bằng VND, chứ có bằng ngoại tệ đâu mà cần có hạn mức ngoại hối.

Ngân hàng Nhà nước cần phải xây dựng một tiêu chuẩn, như: có mức vốn nhất định, cơ chế kinh doanh.

Khánh Huyền
Ghi

Sàn vàng - đánh thuế thế nào?

Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cùng cục thuế các địa phương đang xây dựng phương án đánh thuế đối với các sàn giao dịch vàng. Theo đề xuất của các chuyên gia quản lý thuế, có hai phương án áp thuế đối với hoạt động giao dịch tại các sàn vàng.

Phương án thứ nhất, nhà đầu tư tạm nộp 0,002% trên giá chuyển nhượng từng lần phát sinh giao dịch khớp lệnh bán ở trạng thái vàng dương và khớp lệnh mua ở trạng thái vàng âm, mà không phân biệt giao dịch lãi hay lỗ. Cuối năm, nhà đầu tư quyết toán thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế.

Phương án hai được chia ra theo các hình thức cụ thể. Trường hợp sàn vàng hạch toán được lỗ lãi, mỗi lần giao dịch của nhà đầu tư đều phải tạm nộp 20% thuế thu nhập cá nhân trên thu nhập phát sinh (giao dịch sinh lời) đối với trường hợp khớp lệnh bán vàng ở trạng thái vàng dương, và khớp lệnh mua vàng ở trạng thái vàng âm.

Trường hợp sàn giao dịch vàng không xác định được giao dịch lãi, lỗ thì nhà đầu tư tạm nộp 0,1% trên giá khớp lệnh (chưa trừ các khoản chi phí). Cuối năm, nhà đầu tư quyết toán theo thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế.

Với các phương án này, các doanh nghiệp tổ chức sàn giao dịch chịu trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của nhà đầu tư và nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo các chuyên gia về thuế, căn cứ vào các quy định hiện hành thì thực tế, hoạt động đầu tư trên sàn vàng không phải là hoạt động kinh doanh vàng vật chất.

Cụ thể đây là hình thức kinh doanh dịch vụ tài chính phát sinh. Vì thế, hoạt động này khá tương đồng với hoạt động kinh doanh và giao dịch chứng khoán.

Mặt khác, vấn đề quản lý là cần thiết nhằm đảm bảo giao dịch lành mạnh và có kiểm soát, giảm thiểu rủi ro và điều chỉnh hành vi cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên giao dịch.   

MỚI - NÓNG