Ông lang Mường và tâm sự cuối năm

Ông lang Mường và tâm sự cuối năm
TP - Sau loạt bài viết về những trường hợp được cứu sống một cách hy hữu nhờ bài thuốc nam của ông lang Mường Bùi Văn Phượng đăng trên Tri thức trẻ (11 kỳ trong năm qua), Tòa soạn nhận được rất nhiều điện thoại của bạn đọc quan tâm.

Sát Xuân, phóng viên Tiền Phong đã gặp lại ông lang Mường và có thêm những thông tin lý thú.

Món lợn Mường và chuyện nhận con nuôi

Biết tôi lên, ông chuẩn bị một con lợn Mường dễ đến gần hai chục cân để đãi khách. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại được chứng kiến cảnh mổ lợn. Khi còn bé cứ đến dịp lễ Tết là quê tôi nhà nào cũng nô nức, chung chia thịt lợn …

Mâm cơm dọn lên, tôi ngạc nhiên. Đúng là mỗi vùng miền trên đất nước đều có nét ẩm thực riêng và độc đáo! Hai tàu lá chuối xanh ngắt gối vào nhau làm mâm, trên là những món đặc sản được chế biến từ lợn mán. Những món nướng, vùi than mùi thơm hấp dẫn, khó cưỡng lại.

...Sau mấy ngụm rượu đăng đắng, ran rát trong cổ họng, tôi hỏi ông: “Mấy mươi năm làm nghề bốc thuốc cứu người, chắc tình cảm và kỷ niệm của bệnh nhân đọng lại trong ông nhiều lắm?”. Ông chậm rãi kể: “Đúng thế! Tôi thấy đúng là có số mệnh. Khó tránh quá! Tôi chỉ có một người con trai duy nhất và bố tôi sinh gần chục người con cũng chỉ có tôi là trai. Nhưng, ông trời lại cho tôi rất nhiều con nuôi - những người được tôi chữa khỏi bệnh tự nguyện nhận tôi làm bố.

Tính ra dễ đến mấy chục đứa ấy chú ạ. Tình cảm con người mà, làm sao mình từ chối được! Tôi nghĩ cũng có người chỉ nhận cho vui thôi, vì có thể họ coi tôi là ân nhân cứu mạng. Nhưng cũng có người có tình cảm với tôi thật sự và tôi biết họ quý tôi như người đã sinh thành ra họ.

Trong số đó tôi quý nhất là Lân (ở Nam Trực, Nam Định). Cậu này nhận tôi là bố trong một kỷ niệm thật đặc biệt. Tôi nhớ rất rõ những năm đầu 80, cuộc sống còn khó khăn lắm. Ngày đó tôi cắt thuốc cứu người nhiều khi chỉ nhận lại lúa gạo hay bất kỳ thứ gì mà họ có. Lân cũng không là ngoại lệ, sau khi được tôi chữa khỏi bệnh, thỉnh thoảng quay lại thăm và tặng tôi những cây hoa nho nhỏ mà gia đình trồng được.

Rồi sát Tết năm 1983, hôm đó đã là chiều 30 rồi. Con thì còn nhỏ, vợ tôi lại không được khỏe mà bệnh nhân thì sáng 30 vẫn đến lấy thuốc nên chiều tôi ngồi thừ ra hiên cửa nhìn những thứ cho ngày Tết vẫn còn ngổn ngang mà cảm thấy mệt mỏi quá, có cảm giác chán nản và tự hỏi tại sao mình đem lại hy vọng cho bao người mà lại khổ thế này!?

Đúng lúc đó thì có tiếng xe máy ngoài ngõ. Tôi định bụng đi ra để mời khách về vì đã quá mệt thì nghe thấy tiếng người quen: “Bố!”. Tôi nhận ra Lân nhưng hơi chột dạ vì chưa bao giờ cậu ấy gọi tôi như vậy. Lân tiếp: “Con biết bố bận bốc thuốc nên con lên giúp bố chuẩn bị Tết cho chu đáo.” Lúc đó tôi thấy cuộc đời thật công bằng và thú vị. Rồi Lân cùng tôi mổ lợn và chuẩn bị mọi thứ. Mãi đến gần giao thừa, hai người mới ngồi vào mâm cơm.

Tôi hỏi Lân có phải về nhà không vì sắp sang năm mới rồi, cậu ta cười bảo: “Con đã nói với vợ con là Tết này ở đây ăn tết với bố”. Rồi Lân nâng chén rượu lên chúc tôi sức khỏe và xin tôi đồng ý cho anh nhận làm bố nuôi... Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, cứ chiều 30 Tết là Lân và có khi là cả gia đình cùng lên chúc Tết gia đình tôi, có những năm ở lại đây cùng tôi đón Xuân mới.

Ông lang Mường và tâm sự cuối năm ảnh 1
Ông Phan Văn Thức bên bức ảnh “thờ hụt” của mình. Ảnh: Minh Hiếu

Và chuyện cứu người trong dịp Tết

Chủ nhà lại mang ra một loại rượu mới và giới thiệu: Đây là rượu đe - một đặc sản của người Mường được ngâm đúng 100 ngày dành để uống khi có khách quý hoặc những ngày Tết. Tôi nhấm nháp ly rượu với mùi thơm rất lạ cùng vị chan chát như muốn bám chặt lấy cổ họng.

Ông Phượng kể tiếp: “Tết tôi thường ít đi chơi xa. Phần vì tính tôi cũng không thích đi lại nhiều, phần vì càng những ngày Tết, người làm cái nghề như tôi càng bận rộn.

Năm đó, mùng 2 Tết, mới bảnh mắt ra tôi đã nghe thấy tiếng lao xao ngoài sân. Biết có chuyện chẳng lành, tôi vội chạy ra xem thì thấy mọi người đang bế một học sinh với cánh tay gãy. Hỏi ra mới biết các cháu đi chúc Tết thầy cô không may bị ngã xe gãy tay. Tôi cũng thường xuyên chữa cho những người không may bị gãy tay, chân nên không có vấn đề gì lớn cả.

Băng bó xong, tôi thấy một cháu có lẽ là lớp trưởng gọi tất cả các bạn ra ngoài như là hội ý gì đó. Sau đó cháu cầm một nắm toàn là tiền mới vào nói là muốn trả tiền bốc thuốc cho tôi. Lúc đó tôi thật cảm động, vì biết các cháu đã góp tiền mừng tuổi của mình lại để cứu bạn. Đúng là lúc gặp khó con người ta mới hiểu hết lòng nhau. Tôi gọi tất các cháu vào nhà vừa mừng tuổi cho các cháu, vừa cho quà bánh và tặng các cháu tiền bốc thuốc...

Tết, có nhiều bà con ở nước ngoài về cũng qua tôi lấy thuốc để uống. Tôi còn bốc thuốc cho mấy anh chàng Hàn Quốc làm chăn ga gối đệm ở  Hưng Yên,  mấy anh chàng người Nga ở Thủy điện Hòa Bình hay có khi cả những anh biên phòng bên nước bạn Lào cũng qua tôi bốc thuốc.

“Cắt thuốc cho họ, bác lấy tiền Việt hay tiền đô?” - Tôi hỏi. “Tiền Việt chứ chú. Tôi chưa bao giờ thấy bệnh nhân giàu mà lấy họ nhiều tiền cả. Đó là nguyên tắc sống của tôi. Tôi chỉ biết nhìn vào bệnh của họ để bốc thuốc, chứ không bao giờ nhìn vào gia cảnh để làm thuốc cả.

Cũng có những cái Tết làm cho tôi không vui vì tôi bất lực trước một sinh mạng sắp ra đi mãi mãi ngay trong những ngày Xuân... Đó là một chiều mùng 1 Tết, có một gia đình đi chiếc xe rất sang trọng đến nhà tôi. Người mẹ thẫn thờ nhờ tôi cứu giúp cho con trai bà mới hơn 10 tuổi bị bệnh hiểm nghèo đã đi cả bệnh viện ta lẫn bệnh viện Tây mà không thể cứu được.

Sau khi thăm khám, tôi có nói là gia đình hãy đưa cháu về đi mà chuẩn bị hậu sự chứ không thể cứu được đâu. Bà mẹ cố bấu víu lấy tôi khóc thảm thiết. Bà nói rằng có nghe tôi chữa được bệnh hiểm nghèo nên đến cậy nhờ, dẫu phải bán nhà cũng xin theo để cứu lấy đứa con... Tôi tiễn họ ra về mà lòng nặng trĩu,  tự trách bản thân kém cỏi quá vì thấy người sắp lìa cõi trần mà không sao cứu nổi! 

… Trong số những bệnh nhân mà tôi đã chữa khỏi, tôi đặc biệt nhớ đến bác Phan Văn Thức (Bông Thượng, Đức Hợp, Kim Động, Hưng Yên - nhân vật đăng trên Tri thức trẻ số 297 ra ngày 20-10-2009 - PV) bị bệnh gan tưởng đã chết rồi uống thuốc của tôi đã khỏi, khi đến cảm ơn tôi ông đã mang theo cả một tấm chân dung. Ông nói là muốn cho tôi tận mắt xem tấm chân dung mà con cháu ông đã chụp cho ông vì tưởng ông không thể sống tiếp. Tôi cứ mân mê tấm ảnh mà ước ao rằng giá mà có nhiều người uống thuốc của tôi mà có được niềm vui này thì tôi thật hạnh phúc…

...Gần nửa đêm, bất chấp ánh trăng nhàn nhạt lan tỏa cùng cái lành lạnh của núi rừng, tôi thấy ấm áp hơn sau mỗi câu chuyện nặng tình của ông lang Mường.

Cuối đông Kỷ Sửu

Giúp bạn đọc thêm thông tin, xin liệt kê lại họ tên và địa chỉ của những bệnh nhân đã được ông lang Mường chữa khỏi và đã được đăng trên Tri thức trẻ để bạn đọc tiện liên hệ: Nguyễn Thị  Lành (SN 1975, Liêm Thuận, Thanh Liêm, Hà Nam - bị U gan toàn phát); Cô Đặng Thúy Hiến (48 tuổi) - Hồng Lai, xã Đồng Phong, Nho Quan (Ninh Bình) bị u gan; Nguyễn Văn Khảm (49 tuổi), nhà ở xóm 2, xã Khánh Hội, Yên Khánh bị rắn độc cắn; Phan Văn Thức - Bông Thượng, xã Đức Hợp, huyện Kim Động, Hưng Yên bị xơ gan; bác Nguyễn Văn Nhẫm, Điền Xá - Nam Trực - Nam Định đã thoát chết gần 20 năm;  anh Nguyễn Văn Tiến Xá - Nam Trực- Nam Định bị viêm gan B đã khỏi 10 năm nay;  Vũ Đức Bính (46 tuổi), Khánh Hội, Yên Khánh bị teo cơ…
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.