Công bố các hoạt động VH-TT&DL tiêu biểu năm 2009:

Lấy hoạt động thay sự kiện?

Lấy hoạt động thay sự kiện?
TP - Sáng qua, 27 - 12, tại Đà Nẵng, Bộ VH-TT&DL họp báo chính thức công bố “Các hoạt động VH-TT&DL tiêu biểu năm 2009”, và không có những sự kiện, vấn đề tồn tại trong năm. So với thông lệ, ngay cụm từ trên đã gây thắc mắc.
Lấy hoạt động thay sự kiện? ảnh 1
Ông Tô Văn Động chủ trì họp báo công bố 10 hoạt động tiêu biểu. Ảnh: TQ

Chữ dùng “hoạt động” thay vì “sự kiện” như các năm trước, hẳn có hàm ý. Bởi không thể gọi là sự kiện được, khi cụm 10 hoạt động tiêu biểu được công bố, mỗi hoạt động lại được chia ra ít nhất là bốn, năm gạch đầu dòng với hàng loạt sự kiện “con”. Dài trọn hai trang giấy A4, đây gần như một bản tóm tắt báo cáo các hoạt động trong năm của Bộ!

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc này, ông Tô Văn Động – Chánh Văn phòng Bộ và là người phát ngôn của Bộ chủ trì họp báo, thừa nhận: Là bộ phận tham mưu cho lãnh đạo về việc này, lại là bộ đa ngành, chúng tôi cũng rất băn khoăn, khó xử.

Làm sao để đưa ra một lần là các phóng viên cũng như mọi người có thể nhớ ngay được, chứ như thế này thì vẫn khá ôm đồm. Chúng tôi cố gắng năm sau sẽ đưa ra được các sự kiện, chứ không phải là hoạt động.

So với 10 sự kiện tiêu biểu (cùng với năm vấn đề yếu kém, tồn tại) của năm 2008, có thể thấy việc chọn các “hoạt động tiêu biểu” 2009 đa phần rơi vào hành chính sự vụ, và là những phần việc đương nhiên của Bộ. Ví như việc diễn ra các cuộc giao lưu văn hoá quốc tế, các hoạt động văn hoá văn nghệ kỷ niệm những dịp lễ của năm chẵn, diễn đàn du lịch khu vực...

Có chất sự kiện hơn cả là việc Việt Nam vào chung kết cuộc bầu chọn bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới, nhưng cuộc bầu chọn này chưa đến hồi kết mà đã được chọn, liệu có tiêu biểu?

Chương trình kích cầu du lịch Ấn tượng Việt Nam cũng vậy. Trong năm 2009, lượng khách quốc tế vào Việt Nam là 3,8 triệu lượt người, giảm 11,5% so với năm 2007, thì liệu có thể coi là tiêu biểu?

Trả lời việc này, phía Bộ VH-TT&DL cho rằng, đây là sự kiện đáng ghi nhận, vì so sánh với bối cảnh suy thoái kinh tế chung với các nước trong khu vực, thì đây là sự cố gắng lớn!   

Nói rõ thêm về phương thức chọn lựa, ông Tô Văn Động cho biết: Ban tổ chức đã mời họp lấy ý kiến trưng cầu của khoảng 200 phóng viên theo dõi văn hoá tại Hà Nội. Chỉ những sự kiện nào được trên 70% số phiếu bình chọn của các phóng viên mới được chọn để trình lên lãnh đạo Bộ quyết định.

Hôm diễn ra cuộc trưng cầu ý kiến báo chí tại trụ sở Bộ, những từ “hành chính”, “ôm đồm”, “sự kiện của riêng Bộ, do Bộ tổ chức chứ không phải của cả xã hội, ít được quần chúng quan tâm” đã được một số báo sử dụng để chỉ loạt sự kiện mà Bộ (dự kiến) đưa ra.

Nào những ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài mà năm nào cũng diễn ra nhưng không mấy gây tiếng vang, hoặc Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam thường có xu hướng đến hẹn lại lên, năm nay Tây Bắc thì năm sau Đông Bắc...

Đã gọi sự kiện, có nghĩa “nhắc là nhớ”. Nhìn vào các sự kiện hay hoạt động tiêu biểu trong năm do Bộ đưa ra, thấy không hẳn như vậy. Phải chăng vì thế mà Bộ buộc phải hạ tông, từ sự kiện xuống thành hoạt động, cụm hoạt động.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong, vì sao năm nay Bộ không bình chọn những vấn đề yếu kém, tồn tại như mọi năm, ông Tô Văn Động cho biết: Cái này là ý kiến của lãnh đạo, tôi không được quyền phát ngôn tại cuộc họp báo này. Vấn đề trên sẽ được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm và triển khai công tác năm 2010 của Bộ diễn ra ngày 28 và 29-12.

MỚI - NÓNG