Báo Tiền Phong bình chọn:

Các sự kiện nổi bật năm 2009

Các sự kiện nổi bật năm 2009
TP - Ngày cuối cùng của năm 2009 - dấu mốc thời gian quan trọng cho những chuyển động mới của đất nước. Tiền Phong điểm lại một số sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống trong năm qua.

1. Việt Nam là uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ và Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an LHQ

Việt Nam được cộng đồng quốc tế bầu vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (một trong sáu cơ quan chính của LHQ, có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế) nhiệm kỳ 2008 - 2009. Trong thời gian này, Việt Nam có nhiều sáng kiến đóng góp đáng kể vào hoạt động của Hội đồng Bảo an, được các nước đánh giá cao.

Những đóng góp xây dựng của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, thông qua hoạt động của Hội đồng Bảo an, đã góp phần khẳng định thêm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

2. Lần đầu tiên, tổ chức Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới

Lần đầu tiên một Hội nghị Diên Hồng của kiều bào ta trên toàn thế giới được tổ chức. Khoảng 800 đại biểu, đại diện kiều bào từ các châu lục đã tề tựu tại Hà Nội để nói lên tâm tư nguyện vọng và những đóng góp cho đất nước. 

Tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “mong bà con có tâm tư, suy nghĩ gì thì cứ phát biểu chân thành, thẳng thắn, với mục đích là làm sao cho khối đoàn kết ngày càng rộng lớn và vững mạnh, làm sao để sự đóng góp của bà con cho việc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng nhiều hơn”.

3. Hoàn tất quá trình phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc

Ngày 23-2, công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hoàn tất. Đây là sự kiện có ý nghĩa hiện thực và lịch sử sâu sắc trong quan hệ hai quốc gia láng giềng, tạo điều kiện cho sự phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

Quá trình phân giới cắm mốc được hai bên tiến hành từ năm 2001. Trên toàn tuyến biên giới dài khoảng 1.400 km từ tây sang đông, hai bên đã cắm 1.971 cột mốc, trong đó có 1.549 cột mốc chính và 422 cột mốc phụ.

4. Thêm tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa.

Một sắc chỉ quý của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa mà một gia tộc ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã gìn giữ hơn 170 năm qua vừa được các nhà khoa học phát hiện. Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15-4-1835.

Đây là sắc chỉ duy nhất còn nguyên vẹn bản gốc tính đến thời điểm phát hiện mà các dòng tộc trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ, liên quan đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sự kiện này một lần nữa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Kinh tế

5. Chặn  đà suy giảm kinh tế

Việc triển khai gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra ở nhiều khu vực trong nước, nhưng với các biện pháp điều hành năng động và linh hoạt của Chính phủ, Việt Nam chặn được sự giảm sút kinh tế; lấy lại đà phục hồi và phát triển kinh tế theo chiều hướng tích cực, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP năm 2009  ở mức 5,2%.

6. ODA cam kết cao kỷ lục, hơn 8 tỷ USD.

Vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) mà cộng đồng tài trợ cam kết viện trợ cho Việt Nam trong năm 2010 đạt mức kỷ lục mới: hơn 8,06 tỷ USD (so với mức cam kết trong năm 2009 là hơn 5 tỷ USD).

Con số này được hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam công bố ngày 4-12-2009. Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tin tưởng vào hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng như khả năng trả nợ là những yếu tố then chốt khiến rất nhiều nhà tài trợ nâng số tiền viện trợ cho Việt Nam.

7. Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất mẻ xăng dầu đầu tiên.

Tối 22-2, 7.000 tấn dầu diesel và 2.000 tấn dầu hỏa đã được cất thành công tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quảng Ngãi, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và hàng chục nghìn người dân miền Trung.

Đây là dòng xăng dầu thương mại đầu tiên được chế biến từ nguồn dầu thô của đất nước, cũng là sản phẩm đầu tiên được sản xuất từ nhà máy lọc dầu đầu tiên do Việt Nam đầu tư, sản xuất và vận hành, đánh dấu bước khởi đầu của ngành lọc hóa dầu Việt Nam.

8. Nhiều vấn đề xung quanh thị trường địa ốc và vàng.

Những lùm xùm liên quan đến vấn đề tiền sử dụng đất khu đô thị Phú Mỹ Hưng (TP HCM) giữa khách hàng và nhà đầu tư; hàng nghìn người tranh mua chung cư tại Hà Nội khi thị trường ảm đạm, nhiều dự án cao cấp bị đổi chủ... cho thấy hệ thống văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực đất đai, bất động sản vẫn còn nhiều lỗ hổng và bị thực tế bỏ xa.

Cũng giống như bất động sản, sự trồi sụt thất thường của giá vàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và đặt ra cho cơ quan quản lý nhiều vấn đề.

Khoa học- công nghệ

9. Quyết định xây hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Ngày 25-11, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm hai nhà máy. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, được khởi công vào năm 2014, đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có công suất trên 4.000MW; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khoảng 2.000MW; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 khoảng 2.000MW. Tổng mức đầu tư dự kiến là 200.000 tỷ đồng.

Nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư.

10. Việt Nam có trạm thu ảnh vệ tinh ENVISAT đầu tiên ở châu Á

Trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam chính thức hoạt động từ ngày 9-7. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có trạm thu ảnh vệ tinh ENVISAT. Trạm thu ảnh vệ tinh là hạng mục quan trọng nhất của dự án Xây dựng Hệ thống giám sát Tài nguyên và Môi trường tại Việt Nam, phục vụ trực tiếp cho các dự án kiểm kê đất đai, giám sát và kiểm kê rừng, cập nhật cơ sở địa lý quốc gia, thành lập và hiệu chỉnh các loại bản đồ biển và hải đảo, giám sát ô nhiễm môi trường, lũ lụt...

Trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam là trạm thu đầu tiên ở châu Á thu được ảnh vệ tinh ENVISAT. Hiện nay, ảnh vệ tinh ENVISAT chỉ thu được ở châu Âu.

11. 3G chính thức hiện diện tại Việt Nam.

Sự hiện diện của mạng 3G mở ra trang mới trong hoạt động thông tin- truyền thông cũng như cuộc sống của thời đại công nghệ số.

12. Blog Yahoo!360 đóng cửa kéo theo sự nở rộ của các mạng xã hội tại Việt Nam. Sự kiện này càng chứng tỏ thế giới ngày càng phẳng và xã hội Việt Nam trong tiến trình hội nhập sâu càng trở nên nhanh nhạy với những đổi thay toàn cầu.

Văn hóa - thể thao

13.Thể thao Việt Nam nâng tầm vị thế.

Việc tổ chức thành công AIG III đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực. Lần đầu tiên đăng cai một Đại hội thể thao lớn của châu lục -  Đại hội thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (Asian Indoor Games 3), Việt Nam đã để lại nhiếu dấu ấn tốt đẹp. Với 94 huy chương các loại, trong đó có 42 huy chương vàng (HCV) lần đầu tiên thể thao Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn sau Trung Quốc.

Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 25 (SEAGames 25) diễn ra tại Vientiane (Lào) cũng là một kỳ đại hội thành công với thể thao Việt Nam. Với 83 HCV, thể thao Việt Nam hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về số lượng cũng như thứ hạng.

Việc chỉ thua Thái Lan có 3 HCV cũng khẳng định thể thao Việt Nam đã đạt những bước tiến bộ và hoàn toàn có thể cạnh tranh ngôi thứ trong tương lai không xa. Mặc dù thất bại trong trận chung kết, nhưng bóng đá nam và nhiều môn thể thao khác đã tạo tiền đề cho Thể thao Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

14. Quan họ và ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Liên tiếp trong hai ngày (30-9 và 1-10) Uỷ ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đã công bố: Quan họ của Việt Nam là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và ca trù của Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Thiên tai, dịch bệnh

15.Thiệt hại quá lớn vì bão lũ.

11 cơn bão, bốn áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào Việt Nam gây tổn thất nặng nề, nhất là bão số 9 và số 11, cho đông bào miền trung và Tây Nguyên.

Thống kê thiệt hại sau 11 tháng của năm 2009 thì con số thiệt hại do bão lũ và thiên tai lên đến 23 ngàn tỷ đồng, 481 người tử vong hoặc mất tích.

16. Dịch bệnh nguy hiểm.

Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, sốt xuất huyết, dịch cúm gia cầm H5N1, đặc biệt là dịch cúm A/H1N1 đã lây lan ra cộng đồng, với trên 11.000 người bị nhiễm; trong đó có 51 trường hợp bị tử vong.

MỚI - NÓNG