Cho nhập đường miễn thuế để hạ giá trong nước

Cho nhập đường miễn thuế để hạ giá trong nước
TPO - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần khẳng định, nếu các nhà bán lẻ đường trong nước không hạ giá bán trong thời gian tới, Bộ này và Bộ Công Thương sẽ cho phép nhập khẩu đường thương mại miễn thuế để hạ giá bán trong nước.

>> Giá đường lại tăng, người tiêu dùng thiệt kép

Cho nhập đường miễn thuế để hạ giá trong nước ảnh 1

Theo Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp không hạ giá đường thì sẽ cho nhập khẩu đường ngoại miễn thuế để bình ổn giá trong nước. Ảnh: Hồng Vĩnh

Các nhà máy đường đang làm giá?

Tuyên bố tại buổi làm việc với Hiệp hội Mía Đường và các nhà máy sản xuất, chế biến đường chiều nay, 14 - 1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần khẳng định, không thể chấp nhận nghịch lý đường trong nước sản xuất bán ra cao hơn mức giá nhập khẩu.

“Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan, kiểm tra giá đường, lượng đường tồn kho. Nếu phát hiện việc làm giá, đầu cơ, sẽ xử lý thật nghiêm” - ông Tần khẳng định. 

Đại diện Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm sản và Nghề muối, Bộ NN&PNT cho biết, giá bán buôn của các nhà máy đường đang ở mức khá cao, dao động từ 16.000 đồng đến 17.000đồng/kg. Trong khi đó, mức giá bán lẻ được các doanh nghiệp đưa ra tại siêu thị, cửa hàng có độ “vênh” rất cao, lên tới 21.000 đến 22.000 đồng/kg.

Nghịch lý ở đây là dù giá đường tinh luyện thế giới liên tục tăng cao trong các phiên giao dịch gần đây nhưng cũng chỉ mới lên tới mức 730 - 750 USD/tấn. Nếu tính giá của Việt Nam thì mới ở mức gần 15.000 đồng/kg. Với giá bán đường trong nước hiện nay thì mức “vênh” giữa giá đường nội và ngoại quá lớn, khó chấp nhận được.

Cũng theo ông Tần, dù mức giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu cao hơn so với năm ngoái, nhưng không thể vì thế mà giá đường trong nước tăng đột biến và nhanh chóng như thời gian qua.

Một điểm nữa là đường sản xuất tại Việt Nam đang vào chính vụ với 40 nhà máy đang hoạt động hết công suất, đủ đáp ứng toàn bộ cung - cầu thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán.

“Cung - cầu đường trong nước đảm bảo được nhưng giá đường lại cao bất hợp lý như vậy là không chấp nhận được. Rõ ràng, các nhà máy đường trong nước đang làm giá hoặc có yếu tố đầu cơ để đẩy giá, té nước theo mưa” - Đại diện Bộ NN&PTNT nhận định.

Giá đường có thể tăng

Lý giải giá đường trong nước cao, ông Đỗ Thành Liên, Tổng Giám đốc Nhà máy Đường Khánh Hòa cho rằng, giá cao do nguồn cung giảm, chất lượng mía không cao, trong khi chi phí vận chuyển tăng thêm từ 25% đến 30%.

Chi phí thương mại trung gian chiếm từ 25 - 30% cũng là nguyên nhân đẩy giá đường tăng cao.

“Giá bán buôn tại nhà máy Đường Lam Sơn, Thanh Hóa ở mức 15.500 đến 16.000 đồng/kg, nhưng khi vận chuyển ra Hà Nội, giá lên tới 22.000 đồng/kg. Đây là điều rất bất hợp lý. Giá tăng cao do chi phí trung gian quá lớn” - Ông Liên nói.

Theo Bộ NN&PTNT, sản lượng đường năm 2010 chỉ đạt khoảng 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng là 1,4 triệu tấn. Để bù vào lượng đường thiếu hụt, ngay từ đầu năm 2010, Bộ Công thương đã cấp quota nhập khẩu 150.000 tấn đường cho một số doanh nghiệp sử dụng đường lớn (sản xuất bánh kẹo, sữa, nước giải khát…) để các doanh nghiệp này chủ động trong sản xuất.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu chưa thể triển khai được do giá đường thế giới đang tăng cao.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn, Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2009, tổng lượng đường tiêu thụ của Việt Nam ước tính khoảng 1,45 triệu tấn, trong đó, hơn 73% được dùng trong công nghiệp chế biến (sản xuất nước ngọt, nước giải khát, bánh kẹo, dược phẩm) và gần 27% được sử dụng trực tiếp tại các hộ gia đình.

Theo dự báo của Business Mornitor International, từ nay tới 2013, nhu cầu sử dụng đường trong ngành bánh kẹo sẽ tăng khoảng 28%, thực phẩm đóng hộp tăng trưởng khoảng 37%, ngành đồ uống cũng được dự báo có mức tăng trưởng rất cao trong cùng giai đoạn.

Tổng nhu cầu tiêu thụ đường năm 2010 của Việt Nam ước tính khoảng 1,51 triệu tấn. Như vậy, so với nhu cầu 1,51 triệu tấn năm 2010, thì lượng đường sản xuất trong nước cùng lượng đường tồn kho (khoảng 100 nghìn tấn) mới chỉ đáp ứng chưa đến 75% nhu cầu, vẫn thiếu hụt một lượng đường khá lớn, khoảng 410.000 tấn, so với nhu cầu thị trường.

Cũng theo nhận định của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông thôn, trong năm 2010, nếu tình hình sản xuất và cơ chế thu mua mía của các nhà máy không được cải thiện, lượng cung đường thiếu hụt và giá đường trong nước cao hơn giá đường thế giới như ở thời điểm hiện nay, nhiều khả năng giá đường sẽ giữ xu thế tăng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tình hình giá đường sẽ còn diễn biến phức tạp trong quý I/2010, bởi các quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới chưa bước vào niên vụ sản xuất.

Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đang kỳ vọng vào việc nhập khẩu đường từ Thái Lan do được hưởng thuế ưu đãi AFTA (từ năm 2010 là 5%), nhưng nhiều khả năng Thái Lan không xuất khẩu nhiều đường do lượng đường không dồi dào như mọi năm.

Thời gian qua, Việt Nam nhập khẩu đường chủ yếu từ Thái Lan và Trung Quốc. Theo dự báo của Hiệp hội đường Trung Quốc, sản lượng đường của nước này sẽ giảm trong niên vụ 2009 - 2010 do diện tích canh tác mía đường và củ cải đường giảm xuống.

Hiện, giá đường Trung Quốc dao động ở mức 765USD/tấn và nước này đã phải bán khoảng 500.000 tấn đường từ các kho dự trữ sau khi giá đường nội địa tăng mạnh trong những tháng qua.

Còn giá đường Thái Lan khoảng 650 USD/tấn. Nếu nhập khẩu theo hạn ngạch, cộng thêm 5% thuế nhập khẩu thì giá đường Thái Lan vào Việt Nam vẫn thấp hơn giá đường trong nước hiện nay.

Giá đường kỳ hạn tháng 3 - 2010 tại thị trường LIFE (Anh) là 738 USD/tấn, giá tháng 6 - 2010 là 726 USD/tấn. Sau khi đã tính thuế và chi phí vận chuyển, giá đường nhập khẩu sẽ khoảng 16.500 - 17.000 đồng/kg (thấp hơn giá bán lẻ trong nước gần 5.000 đồng/kg).

MỚI - NÓNG