“Thu hồi” đồng nghĩa… dỡ nhà dân!

“Thu hồi” đồng nghĩa… dỡ nhà dân!
TP - Dù chưa có quyết định đồng ý của ngành chức năng tỉnh, nhưng nhiều hộ nghèo tại xã Trung Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã tiến hành khai thác gỗ rừng dựng nhà ở.

Trong khi đó văn bản hướng dẫn và sự chỉ đạo triển khai của tỉnh chưa nhất quán đã gây nên những bất cập chưa thể giải quyết!

“Thu hồi” đồng nghĩa… dỡ nhà dân! ảnh 1

Nhiều xã của huyện Mường Lát dù chưa có quyết định hoặc không đủ tiêu chí theo văn bản hướng dẫn 1393, nhưng dân bản vẫn lấy gỗ từ rừng về làm nhà. 
Ảnh: Hoàng Lam

Đón trước chủ trương

Ngày 3 - 9-2009, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có văn bản số 1393 hướng dẫn khai thác gỗ hỗ trợ hộ nghèo làm nhà theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Văn bản hướng dẫn này căn cứ vào Thông tư liên tịch số 08 và các văn bản liên quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản số 1393 không dễ thực hiện như. Thông tư liên tịch số 08, gây phiền hà cho việc thực hiện tại cơ sở. Đây cũng là lý do dẫn đến chủ tịch UBND tỉnh chậm ra quyết định đồng ý cho phép khai thác gỗ hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo (Quyết định số 4296/QĐ-UBND ngày 4-12-2009).

Cán bộ kiểm lâm huyện Mường Lát cho biết, nếu theo văn bản hướng dẫn 1393, thì huyện Mường Lát chỉ có duy nhất xã Trung Lý (được khai thác 274 m3 gỗ) đạt các tiêu chí để khai thác gỗ rừng.

Thế nhưng, dù chưa có văn bản đồng ý của ngành chức năng, dân ở nhiều xã tại huyện Mường Lát đã chủ động tự khai thác gỗ trong rừng sau khi nắm được chủ trương của Nhà nước.

Chính vì tinh thần “đi trước một bước” để người nghèo kịp có nhà mới ăn Tết cổ truyền Canh Dần mà Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Lát, ông Quách Công Thanh đã bị đình chỉ công tác 15 ngày, sau khi Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa thanh tra việc khai thác gỗ tại xã Trung Lý từ ngày 20 đến 25-11-2009.

Dỡ nhà dân lấy lại gỗ trái phép?

Ngày 28 - 12 - 2009, UBND huyện Mường Lát có tờ trình số 130 nói rõ, mặc dù việc khai thác gỗ tại xã Trung Lý khi chưa có văn bản đồng ý của UBND tỉnh là trái quy định, song cho đây là việc làm xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với dân nghèo, để kịp tiến độ làm nhà cho các hộ nghèo theo Quyết định 167 của tỉnh đề ra.

Nếu tịch thu số gỗ nói trên thì nhiều trường hợp phải dỡ nhà dân, vì gỗ đã được đưa vào làm nhà. Huyện đề nghị ngành chức năng không tịch thu số gỗ trên.Văn bản cũng thể hiện việc điều tra, xác định số gỗ trên được dựng nhà cho đúng đối tượng thụ hưởng chính sách, không có dấu hiệu thương mại hóa.

Tuy nhiên, sau đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa vẫn có văn bản yêu cầu các ngành chức năng huyện Mường Lát tịch thu khối lượng gỗ mà dân tự ý khai thác (gần 40 m3) nhập vào tài sản Nhà nước.

Nhiều người nhận xét, chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến không nhất quán với kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Mai Văn Ninh.

Tại thông báo số 160/TB-UBND ngày 7-12-2009, ông Ninh đã nêu rõ: “Đối với số gỗ đã khai thác tại 2 huyện Mường Lát và Như Xuân, giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, nếu việc khai thác gỗ không có dấu hiệu thương mại hóa, đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 167, thì giải quyết cho họ làm nhà trước ngày 10-12-2009”.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hà Văn Duyệt, Bí thư Huyện ủy Mường Lát nói: Huyện vẫn giữ quan điểm sẽ không yêu cầu dân dỡ nhà lấy lại gỗ đã khai thác trái phép. Chúng tôi vẫn tiếp tục đề nghị ngành chức năng của tỉnh căn cứ tình hình thực tế để không tịch thu 40 m3 gỗ trên. Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Lát đang bối rối, hoang mang, chưa biết phải thực hiện thế nào.

MỚI - NÓNG