Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ

Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ
TPO - Sáng nay, 25 - 1, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền và đông đảo nhân dân xứ Thanh đã dự lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông (1679-1731) tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

>> Vua Lê Dụ Tông: Cận ngày về lại đất Thanh Hoa

Tới dự có các đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư; Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cùng đại biểu các ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi lẵng hoa viếng đức Vua.

Buổi lễ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thanh Hóa và Hội đồng họ Lê tổ chức, diễn ra từ 1h sáng tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam với lễ nhập quan và cầu siêu cho vua Lê Dụ Tông.

Sau đó, đoàn xe rước linh cữu vua Lê Dụ Tông đi trên đường Hồ Chí Minh hướng về phía Khu di tích lịch sử - văn hóa Lam Kinh (Thanh Hóa) để làm lễ bái yết tổ tiên, rồi về Bái Trạch để làm lễ hoàn táng.

Gần 8 giờ sáng, đoàn xe đã đến địa phận Thanh Hoá trong sự nghênh đón nồng nhiệt của nhân dân. Khi đến khu vực Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), đoàn xe đã dừng lại để con cháu dòng họ Lê làm lễ yết cáo tổ tiên, sau đó tiếp tục hành trình về khu vực hoàn táng tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân.

Mặc dù thời tiết mưa phùn, không khí lạnh nhưng dọc hai bên đường ở Thanh Hóa, nhiều người dân địa phương đứng đón đoàn đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về làng Bái Trạch với sự trang nghiêm, thành kính.

Ông Đỗ Văn Như (76 tuổi) người làng Bái Trạch, từng tham gia khai quật mộ, đưa thi hài vua Lê Dụ Tông về Hà Nội năm 1964, cho biết: "Ngay từ đêm hôm trước, người dân Bái Trạch không ngủ, đợi bên những mâm cỗ, đồ lễ thờ cúng để đợi được chứng kiến buổi lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông và thắp hương cầu nguyện cho đức vua.

Những ngày qua, từng đoàn người ở khắp nơi cũng về làng Bái Trạch, cùng tham gia buổi lễ. Từ trước tới nay, đây là sự kiện trọng đại nhất diễn ra tại làng".

Được biết, các đồ dùng của vua Lê Dụ Tông khi băng hà như: khăn, áo, hoa văn, họa tiết… đều làm theo đúng mẫu nguyên gốc được ghi lại khi khai quật mộ trước đây. Riêng quan tài (áo quan) dùng để hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông được làm từ gỗ Ngọc Am (cùng loại gỗ với áo quan cũ), nặng hơn 700kg và được chạm khắc các họa tiết theo đúng bản quan tài gốc.

Tham khảo ý kiến của các cơ quan chức năng và đại diện dòng họ Lê, chiếc quách bọc phần ngoài của quan tài tại khu mộ cổ ở vườn nhà anh Đỗ Văn Hà, làng Bái Trạch, được khai quật, tu sửa theo đúng kích thước ban đầu.

Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ ảnh 1

Các tăng ni, phật tử làm lễ di quan vua Lê Dụ Tông .Ảnh:Thanh Tùng-TTXVN 

Tại lễ hoàn táng, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trần Chiến Thắng, Trưởng ban tổ chức lễ hoàn táng đã đọc lời cáo kỵ về thân thế, cuộc đời, quá trình phát hiện lăng mộ Ngài và dời Ngài ra Bảo tàng Lịch sử (Hà Nội) để bảo quản và nghiên cứu khoa học.

Sau lời cáo kỵ, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đọc Tế văn thể hiện rõ những công lao của Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông suốt 25 năm trị vì như: Mở kho lương, kho tiền dự trữ cứu trợ nhân dân; mở trường quốc học và hương học; đặt học quan để lo việc dạy dỗ; giảm nhẹ thuế...

Cuộc đời của Ngài đúng là "Hai mươi lăm năm làm vua khôn xiết khó khăn nhưng sự rất chu toàn/ Năm mươi hai tuổi chầu trời cũng nhiều trắc trở mà công lao rạng rỡ". Các nghi lễ khác như Lễ Di quan về huyệt mộ, Lễ Bồi thổ, Lễ Dâng hương đều diễn ra hết sức trang trọng và uy nghiêm.

Chiều 25/1, con cháu dòng họ Lê rước linh vị của Hòa Hoàng đế Lê Dụ Tông từ khu lăng mộ làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân về thờ cúng tại Thái miếu Nhà Hậu Lê (phường Đông Vệ - thành phố Thanh Hóa). Đây là nơi đang lưu thờ tất cả bài vị của 27 Vua (21 Vua tại vị và 6 vua được truy phong) của nhà Hậu Lê (1418 – 1789)...

Như vậy sau hành trình 46 năm xa xứ, vua Lê Dụ Tông lại được yên nghỉ giữa lòng đất mẹ. Việc hoàn táng thi hài đức vua Lê Dụ Tông (vị hoàng đế thứ 22 của nhà Hậu Lê) không chỉ thể hiện sự tri ân đối với các bậc hoàng đế, các yếu nhân trong lịch sử dân tộc của Đảng, của Nhà nước mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thanh Hoá nói riêng với nhà Hậu Lê.

Vua Lê Dụ Tông (1679-1731), húy là Duy Đường, cháu nội vua Lê Thần Tông, con trai trưởng của vua Lê Hy Tông. Ông được vua cha truyền ngôi năm Ất Dậu (1705), lấy 2 niên hiệu là Vĩnh Thịnh và Bảo Thái, giữ ngôi Hoàng đế 25 năm.

Đánh giá về Lê Dụ Tông, sách “Lịch triều tạp kỹ” ghi: “Bấy giờ thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình có làm được nhiều việc. Pháp độ được rất đầy đủ, kỷ cương thi hành được hết. Xứ xa lạ thì dâng lễ vật tỏ lòng thành, thượng quốc thì trả lại đất. Có thể gọi là đời cực thịnh. Nhà vua rũ tay áo ngồi ở trên, không phải khó nhọc mà mọi việc đâu ra đấy. Khi nói đến cuộc thịnh trị ở thời bấy giờ người ta tất phải kể đến đời vua này”...

Cách đây 52 năm, vào tháng 2/1958, người dân làng Bái Trạch do một sự tình cờ đã phát hiện ra nơi an táng vua Lê Dụ Tông. Sau đó vào đầu năm 1964 các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật và mang thi hài Đức vua về Hà Nội để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo quản...

Sau nhiều lần Hội đồng họ Lê Việt Nam đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về an táng tại quê nhà, ngày 29/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa thi hài Vua Lê Dụ Tông về hoàn táng tại Thanh Hoá.

Một số hình ảnh của buổi lễ hoàn táng thi hài vua Lê Dụ Tông:

Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ ảnh 2
Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ ảnh 3
Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ ảnh 4
Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ ảnh 5
Vua Lê Dụ Tông yên nghỉ giữa lòng đất mẹ ảnh 6
Chùm ảnh của Hoàng Lam
MỚI - NÓNG