1.001 cách về quê ăn Tết

1.001 cách về quê ăn Tết
TPO -  Để tránh cảnh chen chúc, xe dù, bến cóc mỗi khi về quê ăn Tết, nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra các cách khác nhau để có một hành trình dễ thở hơn.

Nguyễn Ý Nhi, phóng viên một tờ báo điện tử cho biết, nhiều lần đi viết bài về cảnh chen chúc lên xe về quê khiến cô sợ không dám đi xe khách. Năm nay, phải làm tới 28 Tết mới nghỉ, nhưng cô đã chuẩn bị cách riêng để về quê. Nhi thuê một chiếc xe du lịch 16 chỗ, bao trọn gói về Xuân Trường, Nam Định.

Cô treo status (lời nhắn trạng thái) trên Yahoo Messenger, facebook, blog với tiêu đề: “Ai muốn về Xuân Trường, Nam Định thì đăng ký với tớ nhé, xe 16 chỗ còn rộng thênh thang!”. Chỉ từ sáng đến trưa, lượng người đăng ký đã quá tải, dù giá tiền là 150 nghìn đồng một người, tức đắt gấp ba đến bốn lần giá xe khách.

Nhi tâm sự: “Giá hơi cao một tý, nhưng được cái toàn người quen với nhau, xe thuê riêng, vừa vui vừa tiện lợi, đỡ phải tranh giành xô đẩy. Về quê thế này mới đúng là vui vẻ về ăn Tết, chứ không phải hành xác như mấy năm trước”.

Cũng chung ý tưởng như Nhi, Thái Thị Như Quỳnh – nhân viên một Cty xuất bản sách đã tập hợp được một nhóm bạn về Vinh, Nghệ An từ cách đây nửa tháng. Xe 16 chỗ, mỗi người chung 200 nghìn đồng thuê chạy từ Hà Nội về Vinh.

“Tính ra vẫn còn rẻ chán, vì về đến Vinh rồi lại chở từng người một về nhà. Đồ đạc mang theo để thoải mái lên xe, yên tâm không sợ mất”, Quỳnh vui vẻ khoe.

Với những đôi bạn trẻ dự định về ra mắt gia đình, thì Tết này cũng như một chuyến du lịch lãng mạn. Trần Thành Ngọc (Hải Dương) và Nguyễn Hồng Quế (Thái Bình) cho biết, ngày 29 Tết cả hai sẽ về nhà Quế bằng xe máy. Đồ đạc và quà Tết cả hai đã sắm sửa và gửi người quen mang về từ trước. Ngọc hồ hởi nói: “Chúng mình gần như không mang theo nhiều hành lý, năm nay ăn Tết ở nhà người yêu nên cảm thấy vui vui và đôi chút căng thẳng, không biết hai cụ bên đó thế nào”.

Hai bạn trẻ mang theo máy ảnh Nikon D300 mới mua, dự tính vừa đi vừa chụp ảnh làm kỷ niệm. Quế tâm sự: “Từ Hà Nội về nhà em hết 120 km, mọi năm em vẫn đi cùng anh trai về. Năm nay em và Ngọc có ý định cưới nhau, dịp này dẫn Ngọc về thăm nhà luôn. Chưa đi nhưng em nghĩ đường về quê lần này rất… gần”, Quế bẽn lẽn nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như các bạn nói trên. Nguyễn Thương Huyền (Hải Phòng) buồn rầu cho biết, năm nay Cty kinh doanh dịch vụ giáo dục trực tuyến của cô phải làm tới tối 28 Tết. Bạn bè đều đã về cả, Huyền chưa có người yêu hay họ hàng ở Hà Nội, thế nên sáng 29 Tết cô phải ra bến xe mua vé.

Huyền bảo, theo kinh nghiệm mấy năm của cô, thì khoảng 8 đến 9 giờ sáng có xe chạy về Hải Phòng, nhưng cô sẽ dậy từ 4 giờ sáng, vào tận bến xe bus để bắt xe mới hy vọng có chỗ ngồi. Thời điểm đó, người đi xe bus ra các bến rất đông, thế nên không vào bến, khó có hy vọng tìm chỗ… đứng. Nếu không tìm được xe bus, đành bấm bụng đi xe ôm với giá… trên trời.

Đến hẹn lại lên, năm hết Tết đến, chuyện tàu xe về quê ăn Tết lại trở nên nóng hổi. Với những người đi làm xa nhà, đồng lương hạn hẹp, công việc chất chồng, đường về nhà năm nào cũng ghập ghềnh, mỏi mệt.

Chị Nguyễn Phan Lê, nhân viên một Cty chứng khoán thở dài: “Tự động viên mình nghĩ tới cảnh cả nhà đoàn tụ để vui lên thôi. Ai cũng vì cuộc sống mưu sinh. Năm nay mình nghỉ Tết muộn, nghĩ cảnh bắt xe hơn 400 km về tới nhà cũng nản lắm. Thôi cố vậy, biết làm sao”…

MỚI - NÓNG