Tây Đô một thuở

Tây Đô một thuở
TP - Nhiều lắm những lần qua Thành Nhà Hồ mà vẫn lạ lẫm vẫn bộn bề những thảng thốt. Thảng thốt về thành, thảng thốt về người. Thảng thốt về một triều đại. Một chớp mắt của lịch sử.
Tây Đô một thuở ảnh 1
Thành Nhà Hồ - Ảnh: Hoàng Lam

Lật đi lật lại mãi những trang quốc sử  cùng chính sử mà vẫn có điều chi huyền hoặc: Mùa xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 (tức là năm 1397), tháng Giêng, Hồ Quý Ly sai Lại bộ thượng thư kiêm thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi coi đất rồi đo đạc động An Tôn, phủ Thanh Hoa đắp thành đào hào lập nhà tông miếu dung đàn xã tắc mở đường phố có ý muốn dời đô. Việc ba tháng thì xong

Việc ba tháng thì xong! Cái cụm từ ấy cứ như là thách đố mai hậu vậy?!

Cách đây ba năm, nhóm nghiên cứu của Đại học Chiêu Hóa Nhật Bản được phép tiến hành khảo cổ khu vực giữa Thành Nhà Hồ. Vị trưởng đoàn Nemosuki đã thể hiện sự bối rối qua động thái lật giở lại Đại Việt sử ký toàn thư...

Họ đang góp phần để giải mã để phanh phui sự bí ẩn rằng ba tháng vừa thiết kế lẫn thi công một công trình đá một tòa thành đá chu vi bốn cây số vuông cao 10 mét, bốn vòm cổng đồ sộ bằng những khối đá đồ sộ.

Xin lẩy ra đây một chi tiết hơi bị hoành tráng:  Cửa Nam thành rộng 38 mét cao từ 7- 10 mét. Nội chỉ một tấm đá ở  Cửa Tây mà đã dài 5,1 mét rộng 1,59 mét, cao 1,3 mét, ước nặng 16 – 17 tấn.

Tây Đô một thuở ảnh 2
Giới thiệu hiện vật Thành Nhà Hồ - Ảnh: Hoàng Lam

Có lẽ trong sự nghiệp đổi mới bây giờ, những thảng thốt, những giật thột cứ dài mãi ra về một vương triều Hồ ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn có 7 năm trời.

Chao ôi, khó mà tìm thấy một triều đại phong kiến nào mà ngắn ngủi mà bỗng chốc như triều Hồ? Chỉ có bảy năm. Bảy năm chỉ là cái chớp mắt của lịch sử. Nhưng gần bảy trăm năm sau, hậu thế vẫn còn bận rộn vẫn còn tất tả với cái chớp mắt ấy!

Bận rộn lẫn cấp thiết như việc giải mã bí mật của công cuộc xây dựng Thành Nhà Hồ, như việc phân định ý nghĩa những cải cách đổi mới về hạn điền, hạn nô, bỏ tiền đồng tiêu tiền giấy...  (bị các sử gia phong kiến bài bác kịch liệt nhưng nhiều sử gia lẫn các nhà kinh tế hiện đại thì nhận xét là tiến bộ, là đi trước thời đại)...

Thành Nhà Hồ có tên trong sử sách là Thành An Tôn, thuộc động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh, phủ Thanh Hoa, nay là xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Thành An Tôn được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng của một vùng trung du lắm sông, nhiều núi “đất đai chật hẹp, hẻo lánh ở đầu non, cuối nước” được xem như ở vào thế đất hiểm trở nhưng lại rất tiện đường ra bắc vào nam, hoàn toàn không phải là đường cùng, ngõ cụt.

Thành có kiến trúc gần vuông, hai mặt nam - bắc dài hơn 900 mét, hai mặt đông - tây dài hơn 700 mét. Bốn mặt tường thành phía ngoài được ốp bằng đá phiến ghè đẽo công phu với kích thước phổ biến là 1,4m x 0,7m x 1,0m.

Với chu vi thành 3.200 mét, tường thành cao 6 mét, ước tính có gần 20.000 mét khối đá đã được sử dụng. Đá được lấy ở các núi quanh vùng, xa nhất là núi Nhồi (nằm sát TP Thanh Hóa ngày nay). Cùng với khối lượng đá chuyển về nói trên là khoảng 80.000 mét khối đất đào đắp tại chỗ.

Quanh thành trồng tre gai dày đặc thành lũy  la thành, bên ngoài đào con hào sâu và rộng (có chỗ còn lại vẫn rộng tới 50 mét). Trong thành có đầy đủ các kiến trúc cần thiết cho Vương triều như điện Hoàng Thiên, cung Nhân Thọ, Đông Cung...

Thành An Tôn là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu nước ta dưới triều Hồ) của Hồ Quý Ly. Việc Hồ Quý Ly dời đô về đây (1397) là nhằm tránh xa Thăng Long - nơi ảnh hưởng của tôn thất nhà Trần còn mạnh và cũng là tránh xa nguy cơ tiến công trực diện của quân Minh lúc đó lăm le sang xâm lược.

Thành Nhà Hồ nay là một di tích quốc gia quan trọng có giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc thu hút mạnh mẽ du khách bốn phương.                                                                                           

MỚI - NÓNG