Xích…Rùa

Xích…Rùa
TPO - Xuân này, lâu lắm mới có dịp quay lại Quốc Tử Giám. Ngạc nhiên thấy xung quanh khu nhà bia có hàng cột và xích innox sáng loáng. Ngạc nhiên hơn thấy cảnh chen chúc nhau vượt rào vào sờ đầu rùa, rốt cục cột sắt thì bị đạp đổ còn bia đá... vẫn mòn.

>> Văn hóa 'sờ'

Xích…Rùa ảnh 1
Hàng rào xích sắt bị đạp đổ trước "văn hóa" sờ đầu rùa ngày càng phát triển. Ảnh : Thuận Phong

Nghe nói, trước đền có hai tấm bia ghi : “Hai bên cửa Văn Miếu có dựng bia đề tên Tiến sĩ, bắt đầu từ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo, tới khoa Kỷ Hợi niên hiệu Cảnh Hưng, nay hiện còn 82 tấm, đó chỉ là một số nhỏ. Trong thời gian từ đó tới nay gió táp mưa sa, cỏ lấp rêu phong, có tới hơn 20 tấm chữ khắc bị mòn, lỏng chỏng mỗi nơi mỗi tấm, phần nhiều sứt mẻ không thể đọc được hết. Tôi là Thanh đến làm quan ở đây, vẫn thường muốn làm việc ấy. Mùa thu năm nay, công việc đỡ bận, tôi bàn với quan tổng đốc và quan án sát, bàn cách làm nhà ngói mỗi bên 2 tòa nhà, mỗi tòa 11 gian. Tấm bia nào đổ lỏng chỏng thì đem xếp lại, mặt bia nào bị sứt sở thì đem so sánh mà khắc lại. Cất giữ lấy vết tích xưa vậy”.

Như vậy người xưa đã cố gắng dựng lại 82 bia Tiến sỹ trên lưng các cụ Rùa một cách trang trọng trước hồ Thiên Quang, dù rất nhiều tấm bia và rùa đã bị tàn phá sau bao bể dâu, chiến tranh và thời gian.

Sau này ta xây thêm mái che gọi là nhà bia để các bia đá khắc công lao các Trạng nguyên không bị bào mòn bởi thời gian. Đã bao nhiêu công sức bỏ ra để giữ gìn di tích vào loại bậc nhất trong nền giáo dục hàng ngàn năm nay.

Chả thế mà con cháu sau này mong đỗ đạt làm quan, trước khi đi thi, đã tới đây cầu cúng, xoa đầu rùa, sở soạng đủ kiểu. Đầu các cụ rùa nhẵn thín, tay ra mồ hôi sờ vào bia đá, chữ mờ đi. Có người còn ngồi lên đầu rùa, trèo lên lưng các cụ.

Không hiểu các vị Trạng nguyên xưa có “tham nhũng” hay không mà rất nhiều người dùng tiền “đút lót” bằng cách vứt tiền xuống hồ, xếp lên đầu rùa và gắn cả lên bia.

Xích…Rùa ảnh 2
Xoa đầu rùa, vứt tiền bừa bãi lên bia đá. Ảnh : Thuận Phong

Dân du lịch nào trên thế giới đi tham quan đều thích sờ mó. Đó cũng là bản năng chung, người thích sờ nặng, người thích sờ nhẹ.

Viện Bảo tàng Smithsonian bên Washington DC, trong gian trình bày về không gian, người ta để một miếng đá lấy từ mặt trăng, rắn như kim cương, và mời du khách tha hồ sờ soạng, để thỏa mãn cảm giác đưa đầu ngón tay trỏ vào một vật cứng…hơn sắt.

Quốc Tử Giám nhà ta cũng không ngoại lệ và các nhà quản lý đau đầu vì chuyện sờ di tích. Kêu gọi mọi người hành xử một cách có văn hóa với những di tích văn hóa không nổi, ai đó nghĩ ra cách có một không hai trên thế giới là xích…Rùa.

Xung quanh khu nhà bia được bao bởi hàng cột và xích innox sáng loáng, một kiểu chắp vá “tân cổ giao duyên”, nhà cổ đi với sắt thép. Đây là tư duy chuồng cọp của nhà lắp ghép hay hàng rào villa ở thành phố, bảo vệ chống trộm.

Với ý thức dân như hiện nay, đương nhiên phải bảo vệ rùa và bia rồi, phải rào lại mới ăn thua. Nhưng chả lẽ không có cách nào làm ra hàng rào vừa bảo vệ vừa trang trí, hợp với kiến trúc chung tổng thể. Tại sao phải dùng sắt thép trong nhà bia.

Thật ra có bảo vệ được đâu. Như TPO đưa tin, trong mấy ngày Tết Canh Dần vừa qua, hàng nghìn lượt người nhảy qua hàng rào để vào sờ đầu rùa, vuốt tiền vào mặt bia. Theo lời giải thích của một học sinh thì sau khi vuốt tiền vào mặt bia, kẹp đồng tiền đó vào trong sách, học sẽ giỏi hơn. Rồi các em nhỏ ngồi lên đầu rùa để chụp ảnh, hàng rào bị kéo đổ.

Xích…Rùa ảnh 3
Hàng rào xích sắt bị kéo đổ. Ảnh : Thuận Phong

Ở đây cần vài thay đổi nhỏ. Hàng rào phải bảo vệ được thật sự di tích. Bên phương Tây chỉ cần một dây chăng mang tính biểu tượng “không phận sự miễn vào” thì đố ai dám bước qua. Một phần vì ý thức của dân, phần khác do luật pháp nghiêm. Vượt qua vạch cấm có thể bị phạt hàng ngàn đô la.

Bên ta chưa kịp giáo dục ý thức công dân vì ngành Giáo dục vẫn đang cơn chuyển mình mấy chục năm qua mà chưa xong. Mặt khác, quan cũng tới sờ đầu rùa, cầu cúng, trách sao dân không bắt chước.

Hàng rào phải hợp với Văn Miếu, không thể là innox. Thiếu gì gạch trang trí đẹp, giống đồ cổ mấy trăm năm, có thể sản xuất tại Bát Tràng. Ngoài ra, cần có chế tài phạt thật nặng những ai vi phạm, nhất là trong dịp Tết, mùa thi. Một câu đùa mang bom lên máy bay mà VN Airlines vẫn đưa ra toà, phạt hàng trăm triệu đồng. Tại sao trong bảo vệ văn hóa không làm thế được. Camera an ninh gắn với máy vi tính rất rẻ, có thể theo dõi ngày đêm và cũng là một chứng cứ quan trọng để phạt những ai vi phạm ngay tại chỗ.

Đương nhiên phải có giáo dục công dân ngay từ nhỏ, may ra đến thế kỷ sau dân ta mới không sờ vào các di tích văn hóa, lịch sử. Nhưng đó là truyện nhiều tập của ngành Giáo dục chưa có hồi kết.

Với cách tư duy quản lý như hiện nay, hàng rào xích sắt bị dân sờ đầu rùa phá đổ sẽ được lắp lại như cũ, rồi mọi việc lại đâu vào đấy. Bia đá vẫn mòn, di tích bị xâm hại, còn các Trạng nguyên Rùa tiếp tục bị…xích.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.