Tăng giá điện từ 1 - 3: EVN tăng thu nhiều ngàn tỷ đồng

Tăng giá điện từ 1 - 3: EVN tăng thu nhiều ngàn tỷ đồng
TP - Liên bộ Công Thương, Tài chính hôm qua họp báo công bố tăng giá điện từ 1-3. Theo đó, giá điện bình quân sẽ tăng lên 1.058 đồng/kWh, tăng 6,8% so giá điện bình quân năm 2009.

Với đợt tăng giá này, chưa kể điện sinh hoạt, Điện lực Việt Nam (EVN) tăng thu 2.630 tỷ đồng mỗi năm.

Tăng giá điện từ 1 - 3: EVN tăng thu nhiều ngàn tỷ đồng ảnh 1
Kiểm tra chỉ số công tơ. Ảnh: Phạm Yên

Giá điện tăng cao vì giá than cao

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, khi Bộ trình Chính phủ ba phương án tăng giá điện, đã chọn phương án thấp nhất là 4,98% (1.019 đồng/kWh), trên cơ sở tính toán giá than chỉ tăng 15%.

Tuy nhiên, sau đó, Thủ tướng đã xem xét, cân nhắc, nếu để giá than chỉ tăng 15% sẽ thấp dưới giá thành. Vì thế, để ngành than có lợi nhuận, Thủ tướng đồng ý tăng giá than cám 5 lên 28%, cám 4b lên 47%; từ đó tính giá điện bình quân tăng 6,8%.

Theo tính toán của liên bộ, với mức tăng giá điện 6,8%, việc ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất được xem xét ở mức thấp nhất. Tổng số tiền chênh lệch do tăng giá điện năm 2010 bằng khoảng 0,3% GDP dự kiến; việc tăng giá điện làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 0,34%, làm tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) tối đa 0,16%. Giá điện bình quân cho sản xuất dự kiến tăng 6,3%; cơ quan hành chính sự nghiệp tăng 6,3%; kinh doanh tăng 6,1%.

Giá điện sinh hoạt bán lẻ được tính như sau: Các hộ sử dụng từ 0-50 kWh, được nhà nước hỗ trợ giá, tính 600 đồng/kWh, sử dụng tối đa 50 kWh phải nộp 30.000 đồng/tháng. Những hộ gia đình sử dụng 51-100 kWh/tháng, được tính 1.058 đồng/kWh, sử dụng tối đa 100 kWh phải nộp gần 106.000 đồng/tháng.

Với cách tính giá điện bậc thang, những hộ sử dụng tới 200 kWh/tháng, với mức tăng giá trên phải trả thêm tối đa 16.000 đồng/tháng; sử dụng 300 kWh/tháng, phải trả thêm khoảng 26.000 đồng/tháng; sử dụng tới 400 kWh/tháng, trả thêm 36.500 đồng/tháng.

Doanh nghiệp phải nộp thêm 2.630 tỷ đồng/năm cho EVN

Đối với điện cho sản xuất, với mức tăng 6,3%, theo tính toán, đối tượng dùng điện ở lĩnh vực này một năm phải trả thêm cho EVN 2.630 tỷ đồng tiền điện.

Một số ngành công nghiệp sản xuất 3 ca, chi phí tiền điện cao (30-40% giá thành sản xuất) như cấp nước, điện phân...giá thành sản phẩm sẽ tăng thêm 2,83-3,15%; các ngành cán thép, xi măng, giá sản phẩm tăng thêm khoảng 0,2-0,69%. Chi phí tiền điện tăng thêm cho các ngành sản xuất khác phổ biến ở mức dưới 1% giá thành.

Bộ Công Thương cũng cho biết, quy định giá điện giờ cao điểm vẫn tiếp tục thực hiện, tuy nhiên để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, giá điện giờ cao điểm chỉ tăng từ 2-4% (tùy vào cấp điện áp sử dụng).

Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, vấn đề chốt công tơ sẽ được triển khai thực hiện trong ngày 1-3.

Tuy nhiên, EVN hiện có khoảng 15 triệu khách hàng, trong khi chúng ta chưa thể có công nghệ để chốt tất cả công tơ trước ngày 1-3. Vì thế, cũng như những lần điều chỉnh trước, những hộ tiêu thụ lớn, các Cty điện lực sẽ chốt ngay trong ngày. Đối với các hộ dùng điện sinh hoạt, vẫn chốt công tơ theo lịch thông thường.

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào cũng cho hay, đối với những người thuê nhà trọ, điện lực các địa phương phải kiểm tra gắt gao, nếu có hiện tượng chặt chém, nâng giá vô tội vạ, có khiếu nại của người dân, phải xử lý ngay. Còn nếu các hộ thuê lâu dài, nếu 4 người trở lên sẽ được tính như một hộ gia đình, hưởng theo giá điện bậc thang.

Ông Hào cũng cho hay, đến năm 2012, khi giá điện theo giá thị trường, sẽ tiến tới điều chỉnh giá điện mỗi năm 2 lần, vào mùa mưa và mùa khô. Nếu mùa mưa, phát thủy điện nhiều, giá điện sẽ thấp; nhưng đến mùa khô, sử dụng khí và than nhiều, giá điện sẽ nâng lên.

Chưa kịp chốt chỉ số công tơ ngày 1-3, cách tính ra sao?

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh doanh, Cty Điện lực Hà Nội cho biết, với những hộ sử dụng điện chưa kịp chốt chỉ số công tơ vào ngày 1-3, thì chốt tới ngày nào tính theo ngày đó.

Ví dụ khách hàng A chốt công tơ từ 3-2 đến 3-3, sử dụng 300 kWh (số điện). Tháng chốt công tơ trên có 28 ngày, trong đó 25 ngày tính theo giá cũ, 3 ngày tính theo giá mới.

Theo cách tính nội suy, làm tròn số, sản lượng giá cũ là 268 số, còn giá mới là 32 số. 50 số đầu có giá là 600 đồng/số. Lấy 50 số đó, chia 28 ngày trong tháng, nhân với số ngày tính giá cũ.

Thực tế giá cũ của khách hàng A chỉ 25 ngày, nên số điện tính giá cũ là 45 số, 5 số còn lại tính giá mới. Sau đó, các giá điện cũ và mới sẽ cộng vào biểu giá.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.