Lao động 'Nam tiến': Đi mắc núi, ở mắc sông

Lao động 'Nam tiến': Đi mắc núi, ở mắc sông
TP - Theo thống kê chưa đầy đủ, hằng năm miền Trung có hàng chục vạn lao động vào Nam tìm việc. Họ là những thanh niên nông thôn không có cơ hội làm việc tại quê nhà. Không trình độ, không tay nghề, chỉ có sức khoẻ... Và miền Nam là vùng đất để họ kiếm sống.

Về một vùng cồn bãi trên sông Gianh, thuộc xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), trong dịp Tết, thấy làng vắng hoe, hỏi ra mới biết, hơn 50% thanh niên trong làng đi làm ăn ở miền Nam không đủ tiền về quê ăn Tết.

Nhà ông Nguyễn Hữu Tịnh, ở thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh có đến 11 người con thì có đến 9 người đi làm ăn ở miền Nam. Năm nay chỉ có 4 người con về quê ăn Tết.

Nói về câu chuyện bất thường này, ông Tịnh ngậm ngùi: “Nhà tui đông con mà chỉ có mấy sào ruộng nên làm không đủ ăn. Khoảng chục năm lại đây, làng có phong trào đi miền Nam, thế là mấy đứa con tui, cứ đứa trước dắt đứa sau vào cả miền Nam làm thuê, làm mướn.

Mấy năm trước, năm nào bọn chúng cũng về quê ăn Tết đầy đủ, còn cho ba mạ được ít tiền, năm ni thì đứa về cũng như đứa ở lại, đều không cho ba mạ được đồng nào cả”.

Bà Nguyễn Thị Thay, hàng xóm cạnh nhà ông Tịnh ngân ngấn nước mắt kể: “Nhà tui chỉ có 3 mạ con, 2 thằng con trai vào miền Nam làm ăn từ mấy năm nay. Trước Tết, 2 anh em hắn điện nói là không về Tết được. Hỏi vì sao, hồi lâu thằng em mới khai thật là không có tiền để về”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, trưởng thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh cho hay: Thôn Cồn Nâm có đến hơn 70% thanh niên vào miền Nam làm ăn. Do ít học nên họ chủ yếu làm các nghề lao động chân tay. Người thì làm nghề đi biển, người thì phụ hồ, bảo vệ, trông nhà, giữ em...

Những người có vợ con ở quê thì làm cả năm, tích góp được vài ba triệu đưa về, còn thanh niên chưa vợ thì hầu như làm được đồng nào là xào đồng ấy.

Biết đi làm ăn tha hương là khổ, thậm chí đã có nhiều người bỏ mạng nơi đất khách, quê người, nhưng không đi không được, ở nhà thì không có nghề nghiệp gì để làm.

Cứ thế, người trong làng lớn lên chừng 14, 15 tuổi là dắt díu nhau vào Nam kiếm sống. Năm nay lượng người đi làm ăn miền Nam về quê ăn Tết không nhiều, chỉ khoảng 40%. Như nhà ông Lộc, ông Châu, bà Khẩn... con cái không ai về.

Nói về thanh niên đi làm ăn ở miền Nam, Bí thư Đoàn xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy, Trần Như Lĩnh cho biết: Xã Cam Thủy có hơn 4.000 dân, thanh niên  hơn 700 trăm người thì có đến gần 400 đi miền Nam làm ăn. Năm nay lượng người về quê ăn Tết cũng thưa và về tiêu pha xong mấy ngày Tết lại sạch tiền để quay trở lại miền Nam.

Hết tiền trở lại miền Nam

Nhiều lái xe khách Bắc - Nam kêu với chúng tôi là lượng người đi lại  sau Tết không nhiều như những năm trước.

Một chủ xe khách Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình) đi Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Mấy năm trước, dịp Tết khách đông nhìn nghịt, hét giá gấp 3, gấp 4 lần, thậm chí chui vào gầm xe họ cũng đi. Còn năm nay lượng xe khách nghìn chung không tăng là mấy và sức ép đi lại sau Tết không ghê gớm như những năm trước”.

Ông Nguyễn Trường Tiêu, Giám đốc xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng, đóng tại khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: Ra Tết có hàng trăm hồ sơ nộp xin vào làm công nhân may ở xí nghiệp ông. Họ đa số là những công nhân may ở các khu công nghiệp miền Nam về Tết và không đủ khả năng quay trở lại.

Biết họ là những người có tay nghề, nhận họ thì không phải mất công đào tạo, nhưng nhu cầu của xí nghiệp có hạn, nên gắng gỏi lắm cũng chỉ nhận được 87 người.

Nguyễn Thị Ngân, quê ở xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Em học nhề may và vào làm việc ở khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) đã được hơn 3 năm. Mấy năm trước, lương tháng gần 2 triệu còn có để tích góp gửi về nhà. Năm nay thì công việc thất thường, lương không đủ sống. Về Tết, em quyết định ở nhà xin việc”.

Nguyễn Văn Tình, ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh tâm sự: “Trước em làm giày da xuất khẩu ở Bình Dương. May có được chút tiền về Tết, tiêu hết vèo mấy ngày, giờ mắc cạn tại quê”.

Anh Hồ Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên, thuộc Tỉnh Đoàn Quảng Bình thông tin: Ra Tết, trung tâm đã đón hàng ngàn lượt lao động đến xin tư vấn và giới thiệu việc làm. Trong đó có không ít lao động đã từng đi làm ăn ở miền Nam.

Tâm tư của họ là muốn được làm việc ở quê, lương thấp hơn cũng được nhưng dù sao chi phí cũng đỡ đắt đỏ hơn ở miền Nam và quan trọng là không phải thường trực cảnh đi mắc núi trở lại mắc sông như bây giờ.

MỚI - NÓNG