![]() |
Tàu kéo và tàu đẩy sẽ lai dắt đốt hầm từ bể đúc về địa điểm thi công đường hầm. (Ảnh chủ đầu tư cung cấp) |
Trước đó, trong chiều 2-3, đốt hầm đầu tiên được kéo ra sông Lòng Tàu thành công. Nhà thầu thi công Obayashi (Nhật) thuê đội tàu lai dắt gồm 4 chiếc của hãng tàu Sriacha (Thái Lan).
Theo kế hoạch, 4 tàu lai dắt sẽ về đến bãi đúc vào ngày 5-3 tới và sẽ được lắp đặt vào 4 góc của đốt hầm. Phía trên đốt hầm nhà thầu Obayashi sẽ cho lắp đặt 2 tháp định vị cao 26 m để quan sát, điều khiển quá trình lai dắt đốt hầm từ sông Lòng Tàu về vị trí lắp đặt trên sông Sài Gòn, sẽ bắt đầu vào lúc 7 giờ sáng 7-3. Khi lai dắt sẽ có 4 tàu kéo chính, 1 tàu kéo dự bị, 2 tàu đẩy cảnh giới và 5 ca nô cảnh giới và dẫn đường.
Theo tính toán của Cty HTKV1, do mỗi đốt hầm dài 92,4 m, cao 9,1m và nặng đến 28 nghìn tấn, với phương án di chuyển mà Obayashi thiết kế thì công suất tối thiểu của mỗi chiếc tàu tham gia lai dắt phải đạt 4.000 mã lực (HP).
Thế nhưng, đội tàu mà nhà thầu Obayashi thuê của Sriacha, chiếc có công suất lớn nhất chỉ đạt 3.500 HP, chiếc thứ hai có công suất tối đa 3.400 HP. Hai chiếc còn lại là 3.200 HP.
Ngoài ra, tàu của Sriacha không phải là loại đặc chủng, trong nước cũng có thể thuê được nên không cần phải tốn kém đi thuê của nước ngoài.
Dù đại diện nhà thầu thuyết minh, chứng minh việc lựa chọn đội tàu Sriacha là đúng song Cty HTKV1 vẫn xin bảo lưu quan điểm nói trên. Trước tình thế này, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chỉ đạo BQL dự án yêu cầu đại diện Obayashi làm văn bản cam kết chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đại diện nhà thầu tham dự cuộc họp đã đồng ý.
Theo ông Quân, “Thành công hay thất bại phụ thuộc vào các tàu lai dắt nên phải đặc biệt cẩn thận, bảo đảm tuyệt đối an toàn”.
Một “trục trặc” khác là đến chiều 2-3 (tức chỉ còn 5 ngày nữa sẽ bắt đầu), nhà thầu Obayashi vẫn chưa ký được hợp đồng với Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải 2 (BĐATHH2) nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình lai dắt trên suốt quãng đường hơn 22 km từ bể đúc ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) về TPHCM với lý do giá dịch vụ của BĐATHH2 cao gấp đôi so với mức dự trù (chưa tính các khoản chi phí phát sinh khác).
Phải chờ đến lúc lãnh đạo UBND TPHCM cam kết “Mọi khoản chi phí nếu có sẽ báo cáo cho BQLDA để thành phố giải quyết”, hai bên mới đồng ý ký kết hợp đồng cho kịp tiến độ.
Theo ông Lê Toàn - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, để nâng cao tính an toàn cho công trình, nhà thầu và các cơ quan chức năng sẽ cho thử nghiệm việc lai dắt vào chiều ngày 6-3, xem như là cuộc tổng diễn tập với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan rồi mới chính thức đưa đốt hầm về TPHCM.
Theo BQL dự án, công tác khảo sát luồng tuyến đã hoàn tất. Hiện nay, nhà thầu Obayashi đang tiến hành nạo vét đáy sông tại vị trí thi công đường hầm và dự kiến sẽ hoàn tất trong ngày mai (5-3). Dự kiến đến sáng 10-3 sẽ kết nối, thông đốt hầm thứ nhất với đường dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2). Ngày 5-4 sẽ lai dắt đốt hầm thứ 2 và trong hai ngày 4-5, 4-6 sẽ lai dắt hai đốt hầm còn lại đến vị trí lắp đặt. Theo kế hoạch, cả 4 đốt hầm sẽ hợp long với đường dẫn thuộc quận 1 vào ngày 3-8 tới. |