Người lao động vẫn khó đình công

Người lao động vẫn khó đình công
TP - “Đọc dự thảo luật tôi đến phát khùng bởi nhiều quy định không sát thực tế, đưa ra mà không thực thi được trong đời sống như quy định về trình tự, thủ tục đình công; hợp đồng lao động bằng lời nói”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề Xã hội Đặng Như Lợi bày tỏ tại cuộc họp góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Ủy ban và đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức, ngày 4-3.

Người lao động vẫn khó đình công ảnh 1
Công nhân tại một doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Quảng Ninh. Ảnh: Q.T

Đại diện Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cũng cho rằng, trình tự thủ tục đình công quy định trong dự thảo luật vẫn còn gây khó khăn cho người lao động, khó có thể đình công đúng pháp luật khi trên địa bàn Hà Nội chỉ có vỏn vẹn 7% doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổ chức công đoàn. Ở những nơi này ai lãnh đạo người lao động đình công để đúng pháp luật?

Theo yêu cầu, ngành lao động TP Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo xử lý những vụ đình công trái pháp luật nhưng, trong thực tế, các doanh nghiệp vẫn chấp nhận đòi hỏi của người lao động mặc dù thủ tục đình công không đúng. 

Dự thảo luật cũng đề xuất, tăng thời gian làm thêm giờ của người lao động lên tối đa 300 giờ/năm để tạo điều kiện cho họ tăng thu nhập. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, hiện nay địa vị pháp lý của người lao động rất yếu.

Luật hiện hành quy định thời gian làm thêm giờ tối đa là 200 giờ/năm mà nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm. Nếu tăng thời gian làm thêm giờ như dự thảo luật sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng bắt lao động làm thêm nhiều nhưng trả công không tương xứng. Thời gian làm thêm giờ nhưng doanh nghiệp chỉ trả công theo mức lương tối thiểu chung.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Đặng Minh Thuần cho rằng, quy định có hình thức hợp đồng lao động giao ước bằng lời nói là không khả thi. Người lao động tự do được thuê dọn vật liệu xây dựng, khoan cắt bê tông, đến khi xảy ra tai nạn lao động là không giải quyết nổi bởi chỉ có hợp đồng miệng.

Ông Thuần lo ngại dự thảo luật bỏ quy định cơ quan bảo hiểm có thể kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa án sẽ khiến tình trạng nợ đọng tiền này ra tăng. Thực tế tại Hà Nội, khi kiện ra tòa án, các doanh nghiệp đều ngại và phải đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.

MỚI - NÓNG