Bạn đọc lên tiếng về tai nạn chết người ở Keangnam

Bạn đọc lên tiếng về tai nạn chết người ở Keangnam
TP - Sau khi Tiền Phong đăng loạt bài về vụ tai nạn, khiến kỹ sư trẻ Vũ Tiến Lâm (nạn nhân thứ 6), tử nạn tại công trình xây dựng tòa nhà Keangnam, rất nhiều ý kiến chia sẻ đã được gửi về tòa soạn báo Tiền Phong.

Tất cả các vụ tai nạn nói chung muốn điều tra làm rõ và kết luận chính xác nguyên nhân dẫn đến tai nạn thì phải tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập mọi dấu vết, vật chứng có liên quan.

Mặt khác phải tiến hành điều tra, trưng cầu giám định dấu vết và ghi lời khai các nhân chứng kịp thời mới đáp ứng được yêu cầu, nhưng trong vụ này, cơ quan chức năng quá chậm trễ, đùn đẩy cho nhau, Thanh tra an toàn lao động mặc dù quân hùng tướng mạnh nhưng khi đến nơi không biết làm gì và dựa vào cơ quan điều tra, còn cơ quan điều tra thì lâu nay ít khi thấy họ điều tra được vụ tai nạn lao động nào cho ra nhẽ.

Chính vì thế, nguyên nhân cả 5 vụ tai nạn chết người trước đây tại công trường xây dựng Keangnam đến nay vẫn chưa thấy công bố rõ ràng. Ma Lang (Malang@yahoo...)

Khó hiểu

Đây là vụ tai nạn làm chết người thứ 6 ở công trường này, vậy mà các cơ quan chức năng vẫn để tiếp diễn thì quả là khó hiểu. Chúng ta nên làm ngay những gì có thể để đảm bảo an toàn cho các kỹ sư và công nhân lao động của chúng ta. M.Hà (domanhha98@yahoo...)

An toàn lao động bị coi thường

Không phải là lần đầu tiên xảy ra mất an toàn lao động trong khi xây dựng. Những việc này không đáng nếu như chúng ta làm đúng pháp luật. Vậy pháp luật về an toàn xây dựng của Việt Nam được đặt ở đâu?

Đây cũng là thực trạng tồn tại lâu nay, tiền đầu tư vào các công trình thì nhiều mà chi phí cho bảo hộ lao động rất nhỏ. Vì đồng tiền mà họ bất chấp nguy hiểm, mặc dù biết là nguy hiểm cận kề. Người Dân Việt (nguoidan@...com)

Đề nghị Keangnam xác nhận lại thông tin

Nhiều người nói tại công trình này từng xảy ra một vụ sập dàn giáo bên trong buồng thang máy có thể đã làm chết ít nhất 10 người hồi cuối năm ngoái. Số người này chủ yếu là lao động phổ thông thuộc tỉnh Hòa Bình.

Sau khi tai nạn xảy ra, đơn vị thi công đã phong tỏa hiện trường, che chắn kín nơi xảy ra tai nạn và bí mật vận chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường, đưa ngay về quê mai táng trong đêm. Mỗi nạn nhân được đền bù 30 - 40 triệu đồng. Thông tin này chưa được kiểm chứng, nên chưa có cơ sở khẳng định. Chính vì vậy tôi đề nghị Keangnam xác nhận lại thực hư chuyện này để dư luận rõ. Nguyen Vu (nguyenvucan@...com)

Có căn cứ buộc Keangnam dừng thi công

Kính gửi ông Phan Anh Tuấn - Chánh Thanh tra Sở LĐTBXH.

Trên báo Tiền Phong ngày 24-2, ông nói Keangnam không phải là nhà thầu thi công, nên không thể dừng thi công công trình của chủ đầu tư là không đúng. Keangnam Vina là chủ đầu tư, thuê lại Keangnam Enterprise (KE) là nhà thầu chính. Từ đó KE chia công trình làm nhiều gói thầu, để thuê lại thầu phụ. Có nhà thầu phụ là Việt Nam, nhưng cũng có nhà thầu phụ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan... Nên nói Keangnam không phải là nhà thầu thi công là không đúng.

Theo bài đăng trên Tiền Phong, anh Vũ Tiến Lâm là người của KE, nhà thầu chính. Do đó, theo Nghị định 209 của Chính phủ, hoàn toàn có thể buộc Keangnam phải dừng thi công, cho đến khi có được biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Nguyen Duy Trinh (redstar032002...com)

MỚI - NÓNG