Lễ hội của ai?

Lễ hội của ai?
TP - Lễ hội từ xưa vốn của dân làng. Mỗi khi làng mở lễ hội, mọi thành viên của làng, đôi khi cả khách thập phương, cùng tổ chức và tham dự.

Ý nghĩa, nội dung, mục đích của lễ hội, từng lúc từng nơi có thể khác nhau, song tất cả già, trẻ, gái, trai cùng quây quần, bình đẳng vui chơi,bày tỏ niềm vui, tình thân ái, sự mong ước.

Mối quan hệ quen biết trong làng tạo nên một xã hội riêng, mang bản sắc văn hóa độc đáo, ổn định bền vững bất chấp các xáo trộn. Người làng trong lễ hội làng ít dám có hành vi lố lăng. Rồi cho dù lễ hội phát triển thành của một vùng thì vẫn có một làng xã làm hạt nhân, được khắc sâu vào tình cảm con người, chờ đợi, nhớ mong.

Thời bao cấp, việc xây dựng thiết chế và cơ chế văn hóa mang tính cấp phát đại trà, đồng loạt, từ trên xuống. Đời sống văn hóa cơ sở bắt đầu ít dấu ấn sáng tạo của dân chúng, mất dần bản sắc độc đáo làng xã, thiếu tâm lý gắn kết cộng đồng. 

Mấy chục năm nay, kinh tế thoát khỏi cơ chế bao cấp nhưng văn hóa vẫn loay hoay trong cơ chế cấp phát, áp đặt từ trên xuống. Nhiều lễ hội làng xã được phục hồi, không ít nơi trở thành “lễ hội quốc gia”.

Tuy nhiên, hạt nhân làng xã truyền thống tốt đẹp chưa được vun bồi phát triển cho xứng tầm thời đại, dân địa phương hầu hết vẫn ở vòng ngoài, chưa trở lại vai trò chủ thể của lễ hội.

Chẳng hạn, ở lễ khai ấn Đền Trần, tại thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, nửa đêm Mười Bốn sang Rằm Tháng Giêng, tất cả dân địa phương phải ra khỏi đền.

Trong đền, chỉ còn 150 khách mời thẻ đỏ và 1.200 khách mời thẻ vàng, là cán bộ từ cấp huyện trở lên. Như thế, toàn bộ vị trí trang trọng nhất của lễ hội được chia cho quan chức, trong đó chắc chắn có nhiều người xa lạ với dân làng.

Nếu ngân sách bỏ ra làm lễ hội, việc đẩy dân làng ra khỏi khu vực chính của lễ hội là khó chấp nhận. Nếu có người giàu bỏ tiền tài trợ cho lễ hội, mà dân làng vẫn không được ở khu vực chính thì càng không thể chấp nhận. Khác gì chiếm mất lễ hội truyền thống của dân làng?

Cho nên, không thể hoàn toàn chê trách người dân lao vào đền, cướp những mảnh vải đóng ấn của vua. Một khía cạnh nào đó, phải chăng từ xa xưa hằn vết tâm linh, dân làng tin rằng, lấy được mảnh vải như thế sẽ may mắn, hạnh phúc cho cả năm?

Niềm tin hồn nhiên và đẹp đẽ! Vì cách tổ chức có chỗ chưa hợp lý nên mới phải bộc phát hành vi không đẹp để giành niềm hạnh phúc giản dị từ lễ hội?

Lễ hội bây giờ đang đứng trước một mâu thuẫn, càng tổ chức lớn thì dân làng càng bị đẩy ra xa trung tâm lễ hội. Những người ở khu trung tâm lễ hội, nhiều khi toàn khách mời tận đâu đâu.

Lễ hội để nhớ về cội nguồn, tiên tổ, tôn vinh những giá trị vì dân vì nước. Nên chăng, giảm bớt khách mời, để nhiều dân làng cùng được ở khu vực trung tâm của lễ hội.

Ở những vị trí vinh dự nhất, dành cho những người thực sự có công đức rõ rệt với dân làng (nhất là trong năm đó). Những người đóng góp công của cho lễ hội, cũng được mời đứng nơi trang trọng.

Những vị trí ấy không phải nơi miễn phí cho các quan lang ăn trên ngồi trốc quanh năm xa lạ với dân làng, lợi dụng lễ hội của dân làng để du hí tháng giêng, bỏ bê nhiệm sở.

Nên bàn về văn hóa lễ hội, trước hết cần bàn về văn hóa tổ chức lễ hội. Phải có phương cách thích hợp trả lễ hội về cho nhân dân. Tài sản quý trở về chính chủ mới được nâng niu giữ gìn và phát huy.

MỚI - NÓNG