Thừa Thiên - Huế: Hồng Thủy thèm nước sạch

Thừa Thiên - Huế: Hồng Thủy thèm nước sạch
TP - Hơn 5 tháng kể từ ngày toàn bộ hệ thống nước sạch bị bão lũ cuốn trôi, sông Đakrông và các suối nhỏ trở thành nguồn cấp nước sinh hoạt của hơn 2.700 dân Hồng Thủy, huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế.


Sông suối trơ đáy, ô nhiễm, bệnh ngoài da, đường ruột xuất hiện, dân Hồng Thủy đang bước vào mùa khô khát khốc liệt chưa từng thấy.

Chưa đầy 10 giờ sáng, dưới cái nóng như thiêu đốt của vùng cao Hồng Thủy, hàng trăm lượt trẻ em lưng trần đổ xô ra lòng sông Đakrông, suối Par Ay, khe Tà Rốc ngầu đục, cợn bùn để tranh nhau lấy nước, tắm rửa.

Người lớn bận tìm kiếm cái ăn trên những rẫy ngô, nương sắn héo quắt vì gió Lào, nên lũ trẻ trở thành lực lượng chính đi chắt gạn từng can nước từ sông suối mang về cho cả gia đình dùng mỗi ngày.

Giữa trưa nắng loá, mang can nước từ suối lên, ông Hồ Xích (thôn 6) rót ngay ra một bát ngửa cổ tu ầng ậc.

Thừa Thiên - Huế: Hồng Thủy thèm nước sạch ảnh 1

Nước bẩn trên các sông suối cạn giờ là lựa chọn duy nhất của dân Hồng Thuỷ - Ảnh: Ngọc Văn

Thoả cơn khát, ông Xích than: “Dùng nước suối bẩn hay đau cái bụng, da sinh ghẻ lở, nhưng đành chịu. Năm ngoái, nước sạch kéo về tận mỗi nhà, cả thôn vui như hội. Được hai tháng thì bão lũ tới, cái đường ống chính hư rồi. Chừ dân làng trở lại dùng nước suối bẩn”.

Đặt chiếc gùi mây chất đầy chai lọ đựng nước suối xuống ven bìa rừng để nghỉ chân, em Hồ Thị Kiểu (10 tuổi, trú thôn 7) quệt mồ hôi hổn hển: “Từ khi không còn nước máy, mỗi ngày, cháu và các bạn trong xóm hai, ba lần lặn lội ra suối Par Ay gạn nước. Gần hè, nước suối bẩn lắm, cả nhà vẫn dùng thôi”.

Huy động con cái mang toàn bộ chai lọ, can nhựa, xoong nồi, ống nứa ra sông lấy nước dự trữ, vì buổi chiều cả nhà còn bận lên nương, anh Quỳnh Xơm (thôn 7) cho biết: “Khi chưa có nước máy, dân làng vẫn dùng nước suối, nước sông, nhưng không bẩn như bây giờ.

Trước nhà anh Xơm, một nhóm người đang hì hục bới toang lòng sông để đãi vàng sa khoáng. Nạn đào tìm vàng bừa bãi trên các con suối nhỏ và dọc tuyến sông Đakrông giáp ranh Hồng Thủy với Quảng Trị thời gian gần đây đang gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước tự nhiên trầm trọng, nước đục thường xuyên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Cùng chúng tôi tiếp tục đi qua những đoạn sông, con suối nhớp nháp và các khu dân cư khô khát, ông Hồ Văn Luôm, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, lo lắng: “Chưa năm nào thiếu nước sạch trầm trọng như hiện nay, gần như dân toàn xã phải dùng nước sông, suối nhiễm bẩn kể từ sau bão số 9 năm ngoái. Bệnh ngoài da, đường ruột đã xuất hiện, đặc biệt là ở trẻ em”.

Chờ

Bão số 9 lùi xa gần nửa năm, nhưng nhiều công trình dân sinh ở Hồng Thủy vẫn còn nguyên trạng hư hỏng.

Trước mắt chúng tôi là cây cầu bê tông qua thôn 7 bị gãy khúc, hơn 7 km hệ thống ống nối và các trạm cấp nước sạch bị lũ cuốn trôi đứt đoạn vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa.

Riêng công trình nước sạch kéo qua 7 thôn, do Chương trình 134 và Ngân hàng ADB đầu tư, chỉ đưa vào sử dụng chưa đầy hai tháng đã bị lũ phá hủy.

Từ sau bão, Hồng Thủy (địa phương hẻo lánh và nghèo nhất tỉnh) đã nhận được nhiều nguồn cứu trợ. Tuy nhiên, dân Hồng Thủy hiện không chỉ thiếu nước sạch mà còn thiếu ăn trước giáp hạt.

Thừa Thiên - Huế: Hồng Thủy thèm nước sạch ảnh 2
Nạn  đào đãi vàng làm cho nguồn nước tự  nhiên ở Hồng Thuỷ  càng ô nhiễm, bẩn đục. ảnh: Ngọc Văn.

Ông Hồ Văn Luôm, Phó Chủ tịch UBND xã, trăn trở: “Toàn xã có khoảng 70% hộ dân thiếu lương thực. Dù đã được giúp đỡ vật chất từ các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, nhưng nhiều gia đình khó khăn đang ăn sắn, ngô thay cơm vì thời gian chờ đến vụ gặt vẫn còn dài”.

Chiều vẫn phả nóng trên đất nghèo Hồng Thủy, lòng sông Đakrông như hẹp hơn trong cái nắng hanh hao, khô rát. Bên kia ngọn đèo Pêker ngất ngưởng, hơn 600 hộ dân Hồng Thủy thèm nước sạch và vẫn đang đằng đẵng chuỗi lo cơm áo, lo ngày mai sông cạn, suối khô.

MỚI - NÓNG