Kỷ niệm chiến thắng Buôn ma thuột (10-3-1975 - 10-3-2010):

Đổi thay sau 35 năm

Đổi thay sau 35 năm
TP - Từ một tỉnh miền núi nghèo nàn lạc hậu với kinh tế nông nghiệp thô sơ, sau 35 năm, tới nay Đắk Lắk đã trở thành địa phương trù phú và là trung tâm kinh tế chính trị của Tây Nguyên. 
Đổi thay sau 35 năm ảnh 1
35 năm trước, quân ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột để có ngày huy hoàng hôm nay - Ảnh: Wikiwak.com

Trong những năm qua kinh tế Đắk Lắk luôn giữ được mức tăng trưởng cao. Năm 2009, trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 2.357 tỷ đồng, GDP tăng 11%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,9 triệu đồng, sản lượng cà phê dẫn đầu cả nước với 380 ngàn tấn. Các ngành dịch vụ thương mại từng bước thích ứng với nền kinh tế thị trường.

Tại các buôn làng, đâu đâu cũng thấy được niềm phấn khởi của nhân dân trước sự đổi thay. Buôn Trưng, xã Cư Bông, huyện Ea Kar là buôn căn cứ cách mạng, năm 2000 còn thuộc diện nghèo nhất huyện.

Nay buôn đã có điện, đường, trường trạm. Bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu: hơn 50 hộ có thu nhập bình quân trên 50 triệu đồng/năm.

Thôn 5 xã Hòa Tân, huyện Buôn Đôn là nơi quê hương mới của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số từ miền Bắc di cư vào. Trải qua muôn vàn khó khăn, nay thôn xóm đổi mới, nhiều hộ đã vươn lên khấm khá.

Già làng Y Bel Niê, buôn Krơng, xã Hòa An, huyện Krông Păk nói: Buôn mình giờ chẳng còn ai phải lo chuyện đói ăn thiếu mặc như xưa nữa. Nhà nào cũng có điện, bà con biết dùng điện để sản xuất, học tập, ai cũng thay đổi nhiều trong nếp nghĩ.

Thành phố Buôn Ma Thuột năm 2009 có tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 20 %, thu nhập bình quân đầu người đạt 24,7 triệu đồng. Chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đặc biệt.

Thành phố không còn thôn buôn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%. Nền nông nghiệp của thành phố năng động chuyển hướng, gắn sản xuất với thị trường. Hiện thành phố có 100 trang trại sản xuất hàng hóa có giá trị cao...

Các vùng chuyên canh rau, cây ăn trái cũng đem lại thu nhập hằng năm cho các hộ nông dân từ 30 - 40 triệu đồng trở lên.

Năm 2010, thành phố Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đắk Lắk sẽ có thêm nhiều công trình, dự án quy mô lớn phục vụ không chỉ riêng địa phương mà cả các tỉnh lân cận như: Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, Khu liên hợp văn hóa thể thao vùng Tây Nguyên, Trường cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc,  Viện nghiên cứu Khoa học Nông lâm nghiệp, Đại học Giao thông Tây Nguyên…

Với tiềm năng phong phú về du lịch, Đắk Lắk ngày càng thu hút du khách trong nước và quốc tế bằng các thế mạnh đặc trưng: Không gian văn hóa cồng chiêng, nếp nhà dài truyền thống, sông suối thác rừng, những cánh đồng bát ngát cao su hồ tiêu, quảng trường thênh thang cỏ xanh và nhạc nước, những dãy phố xinh đẹp nồng nàn hương cà phê, ấm áp tình người...

Nếu ai đó đi xa 35 năm quay lại nơi này, sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì có quá nhiều đổi thay theo chiều hướng ngày càng văn minh, hiện đại.

MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.