Kỷ niệm chiến thắng Buôn ma thuột (10-3-1975 - 10-3-2010):

Đền ơn đáp nghĩa vùng căn cứ cách mạng

Đền ơn đáp nghĩa vùng căn cứ cách mạng
TP - Các khu căn cứ cách mạng tỉnh Đắk Lắk trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc khi xưa đều nằm nơi núi rừng hiểm trở, tập trung chủ yếu tại các huyện Krông Bông, Lắk, Krông Năng.

Đồng bào vùng căn cứ từng nuôi giấu, chở che, giúp đỡ cán bộ cách mạng, có nhiều cống hiến hy sinh lớn lao cho sự nghiệp thống nhất đất nước.

Do giao thông cách trở, cơ sở hạ tầng đơn sơ, đời sống của đa số người dân vùng căn cứ cũ đến nay vẫn còn thiệt thòi, khó khăn. Thực hiện chủ trương đền ơn đáp nghĩa, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều phong trào kết nghĩa giúp đỡ các buôn làng căn cứ vùng sâu, đồng thời dành ngân sách đầu tư cho cuộc sống nơi đây.

Tính tới nay, tỉnh Đắk Lắk đã chi 355 tỷ đồng kéo điện lưới quốc gia về các buôn căn cứ cách mạng. Có 4 xã thuộc huyện Krông Bông, huyện Lắk được nhà nước đầu tư chiều sâu từ năm 2009 tới 2015 để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất với nguồn vốn 307 tỷ đồng.

Các chương trình 134, 135, 167 hỗ trợ đặc biệt về đất ở, đất sản xuất và nhà kiên cố cho dân nghèo cũng được ưu tiên triển khai tại các vùng căn cứ năm xưa.

Buôn Dley Ya A xã Dley Ya huyện Krông Năng gồm 256 hộ chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê Đê. Tuy ở vùng sâu, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 100km nhưng đường buôn từ lâu đã được rải nhựa, có trường mẫu giáo, tiểu học khang trang.

Buôn có 400 ha trồng cà phê cao sản, được đầu tư xây dựng hai đập thuỷ lợi để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và mở rộng cơ cấu cây trồng. Ngoài kinh tế chính là trồng trọt, nhiều hộ còn chăn nuôi, kinh doanh, thu mua nông sản, bình quân thu nhập hơn 8 triệu đồng/người/năm.

Nhiều gia đình giàu lên nhanh chóng với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm như hộ các anh YĐi K’Sơr , Y Đê Niê...

Tuy nhiên, còn không ít vùng nghèo khó như khu căn cứ Yang King, xã Bông Krang, huyện Lắk, nơi hàng trăm hộ dân đối mặt với tình trạng thiếu ăn do thiếu đất sản xuất.

Trong khi đó kênh mương thuỷ lợi bị hư hỏng, lũ lụt bồi lấp nhiều đoạn chưa được kịp thời sửa chữa. Điều đó cho thấy, công tác chăm lo đời sống đồng bào vùng sâu vùng xa của chính quyền cần được đẩy mạnh hơn nữa.

MỚI - NÓNG