Đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu nước gay gắt

Đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu nước gay gắt
TP - Vùng sông nước ĐBSCL đang gồng mình hứng chịu khô hạn khốc liệt, xâm nhập mặn. Ngày 12-3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cùng các địa phương tìm giải pháp chống hạn, xâm nhập mặn cho ĐBSCL.

ĐBSCL có 1.564.000 ha lúa đông xuân, đã thu hoạch xong 677.000 ha. Diện tích còn lại, có trên 620.000 ha của các tỉnh ven biển Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre đang bị khô hạn.

Các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân (Bạc Liêu) có 44.631ha lúa đông xuân, đã thu hoạch 13.000ha, còn lại đến giữa tháng 4-2010 mới thu hoạch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cáo Đức Phát cho biết, các cơ quan chuyên môn dự báo hạn và mặn còn gay gắt hơn trong thời gian tới.

Ông Lương Ngọc Lân, PGĐ Sở NN& PTNT Bạc Liêu cho biết: “Nếu không có mưa trái mùa, diện tích trên sẽ khó sinh trưởng, phát triển”. Hiện nay, hơn 20.000 ha lúa đông xuân thiếu nước ngọt. Các tuyến kinh cấp 3 ở các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đã trơ đáy.

Ở tỉnh Sóc Trăng, các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị nước mặn xâm nhập và nông dân phải lựa nguồn nước rất gian nan để tránh bơm nhầm nước mặn cho đồng lúa.

Ông Trương Thanh Bình, GĐ Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết, Sóc Trăng đã xuống giống vụ xuân hè khoảng 50.000 ha, có 20.000 ha thiếu nước.

Tại tỉnh Cà Mau, khô hạn đang đặt 36.000 ha rừng tràm báo động nguy cơ cháy cấp 4, cấp 5. Ông Trần Văn Thức, PGĐ Sở NN&PTNT Cà Mau nhận định: “Nắng hạn kéo dài đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5 sẽ thiếu nước chữa cháy rừng, nếu cháy rừng xảy ra”.

Hiện nay, các kinh rạch đang cạn nước, sụt giảm hơn 0,5m so với những năm trước.

Lượng mưa hụt nhiều, lại kết thúc sớm, nắng nóng ngay đầu năm, xâm nhập mặn sâu đến 70km. Lượng nước sông Mekong sụt giảm, thiếu nước thượng nguồn, không có nước đổ về ĐBSCL.

Từ đó, nước mặn theo các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Sông Tiền, Sông Hậu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Quản lộ Phụng Hiệp… Vùng bán đảo Cà Mau, xâm nhập khu vực ngọt sớm gần 2 tháng so với những năm trước.

Thiếu nước mặn nuôi tôm

Mực nước tại các kinh rạch vùng bán đảo Cà Mau sụt giảm, tăng độ mặn tại các vuông tôm lên đến 28-30%. Người nuôi tôm ở Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân phải bơm nước để nuôi tôm.

Ông Nguyễn Văn Lẹ ở xã An Xuyên (TP Cà Mau) cho biết, bà con ở hai bên sông Bạch Ngưu phải đặt máy bơm, chờ nước lớn để bơm vô vuông tôm. Nhà nhà bơm nước mặn nên sông cũng thiếu nước mặn nuôi tôm.

Ông Lương Ngọc Lân, PGĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu, cho biết, các cống lớn vùng mặn chỉ vận hành đóng lại hoặc mở ra để không cho mặn lấn sâu lên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về phía tỉnh Sóc Trăng.

Trong khi đó, các cống ở tỉnh Cà Mau, sông Cái Lớn tỉnh Kiên Giang còn bỏ ngỏ, dẫn đến thiếu nước cho khoảng 25.000 ha/55.000 ha đất nuôi tôm ở huyện Giá Rai, Phước Long.

Tỉnh Bạc Liêu lắp đặt 144 máy để bơm nước pha loãng khối mặn xâm nhập vào các huyện Giá Rai, Phước Long, Hòa Bình cho người nuôi tôm.

Lo nước ngọt cho người và lúa

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN&PTNT Hậu Giang đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ nông dân bơm nước thông qua tỉnh làm đầu mối thành lập các trạm bơm theo từng tiểu vùng, từng cụm dân cư.

Nguồn vốn kiên cố hóa kinh mương, tỉnh Hậu Giang sử dụng 45 tỷ đồng tận dụng nguồn nước ngọt để cứu lúa, đảm bảo sản xuất trên 50.000 ha.

Sở NN&PTNT Bạc Liêu đề nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn, phối hợp liên tỉnh, liên vùng vận hành các công trình đầu mối thuộc hệ thống thủy lợi Quản lộ  Phụng Hiệp để sử dụng nguồn nước ngọt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, các cơ quan chuyên môn dự báo hạn và mặn còn gắt hơn trong thời gian tới. Nên các cấp phải chuẩn bị nguồn tài chính, giải pháp kỹ thuật để chống khô hạn, chống xâm nhập mặn sâu hơn.

Trước mắt, triển khai ngay các giải pháp kỹ thuật để cung cấp nước cho dân, nước ngọt cứu lúa. Khôi phục đập tạm để chống hạn, tích trữ nước. Các địa phương từ tỉnh đến xã cần theo dõi sát tình hình, có biện pháp cụ thể cho địa phương mình.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, đang theo dõi nguồn nước toàn tuyến sông Mê Kông và Bộ sẽ báo cáo Chính phủ để có biện pháp hỗ trợ dân, bảo đảm sản xuất.

MỚI - NÓNG