Về Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam:

Sẽ lật ngược nhiều vấn đề

Sẽ lật ngược nhiều vấn đề
TP - Tại cuộc họp hôm qua ở Hà Nội của Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, các thành viên của Hội lần đầu tiên thống nhất với nhau một số nội dung chính sẽ góp ý cho đồ án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2050 và, nhất là, hứa hẹn sẽ lật ngược một số nội dung then chốt của đồ án.
Sẽ lật ngược nhiều vấn đề ảnh 1
Do thiếu tầm nhìn xa, Hà Nội đang đối mặt với cuộc khủng hoảng  về rác khi khu chôn lấp Nam Sơn hiện đại nhất đã đầy ứ so với dự tính

Chủ trì xây dựng đồ án là Bộ Xây dựng và, tại cuộc họp nói trên, đại diện Bộ Xây dựng đã nghe một số ý kiến hâm nóng bầu không khí phản biện.

Tập trung 13 vấn đề chính

Các thành viên Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (MTXD) thống nhất sẽ góp ý 13 vấn đề chính của Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch chung).

Trong số đó, có thể kể đến góp ý về quy hoạch không gian đô thị, quan hệ giữa đô thị trung tâm và đô thị vệ tinh.

Theo ông Đỗ Đức Viêm, gửi ý kiến qua email, thuyết trình của ban soạn thảo Quy hoạch chung như thể hiện trên website của Bộ Xây dựng, về một Việt Nam chưa có một thủ đô tương xứng với tầm vóc, là phủ nhận công lao đóng góp nghìn năm qua của cả nước, cả dân tộc.

Góp ý thứ hai là về quy hoạch trung tâm hành chính quốc gia đến năm 2030 sẽ chuyển lên Hòa Lạc, Ba Vì.

Ý kiến ban đầu tại cuộc họp là việc di chuyển sẽ gây nên sự xáo trộn rất lớn, mà thấy rõ nhất trong ngắn hạn là hiện tượng chạy đua mua bán đất ở các vùng quy hoạch.

“Đấy là một sai lầm rất lớn. Tôi cho đây là một định hướng vô trách nhiệm”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nhận xét.

Các nội dung khác sẽ góp ý mà một số chuyên gia bày tỏ bức xúc ngay tại cuộc họp là vấn đề phát triển đô thị ven sông Hồng và sông Đuống; vấn đề 70% diện tích thủ đô sẽ là hành lang xanh, 30% còn lại là phát triển đô thị; quy hoạch cấp nước, xử lý thoát nước mưa và nước thải của toàn vùng thủ đô và ở mỗi đô thị, đặc biệt là ở đô thị trung tâm; quy hoạch thu gom và xử lý rác thải rắn và nghĩa trang toàn vùng, đặc biệt là đô thị trung tâm; vấn đề giãn dân ở các quận Hà Nội cũ; v.v.

Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 15-4, Hội MTXD Việt Nam sẽ gửi kiến nghị lên các cơ quan chức năng sau khi tập hợp ý kiến đóng góp của các thành viên trên 13 vấn đề.

Dự kiến, Quy hoạch chung sẽ được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 5-2010 và sau đó trình Quốc hội.

Chỉ tiêu 70% diện tích thủ đô là hành lang xanh được một chuyên gia cho “là chỉ tiêu giả tạo”. Bày tỏ sự hoài nghi quy hoạch xử lý thoát nước, các chuyên gia cho rằng ban soạn thảo đồ án dường như chưa rút ra được bài học gần như là thất bại rõ ràng của dự án thoát nước Hà Nội mấy năm nay do JICA (Nhật Bản) tài trợ, v.v.

Một nội dung cũng sẽ được góp ý nữa là khái toán kinh phí chi riêng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030, theo Quy hoạch chung, là 60 tỷ USD.

Phát biểu sơ bộ tại cuộc họp, có ý kiến cho rằng không khả thi. Kinh nghiệm cho thấy, giữa dự trù và thực tế thường vênh lên gấp rưỡi. Nếu dự trù là 60 tỷ USD, thực tế sẽ thành 100 tỷ USD. Như vậy mỗi năm Hà Nội cần 5 tỷ USD.

Tính toán cho thấy Hà Nội chỉ có thể huy động được 1 tỷ USD/năm, và 4 tỷ USD/năm còn lại phải vay. Việc vay của nước ngoài, chưa chắc họ cho vay. Nếu cho vay, họ thường kèm điều kiện chính trị, quốc tế. “Tương lai con cái phải è cổ ra mà trả”, v.v

“Nếu không khả thi, thì quy hoạch dựng lên chỉ để xem mà thôi”, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, chủ trì cuộc họp của Hội MTXD, nhận định.

Mới lấy ý kiến rất hẹp

Điều đáng chú ý là, trái với ý kiến của một quan chức Bộ Xây dựng trả lời Tiền Phong mới đây khẳng định những người làm Quy hoạch chung đã lấy ý kiến rộng rãi các bên, thực tế có vẻ khác xa.

Trong bài trả lời phỏng vấn, đăng trên các số 38 và 39 ngày 7-2 và 8-2-2010, Th.S KTS Lưu Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Quy hoạch Môi trường Đô thị Nông thôn, cho rằng đã lấy ý kiến rộng rãi về Quy hoạch chung.

Về việc tập hợp chuyên gia để góp ý kiến về đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) cho Hà Nội, ông Cường nhận định: “Chúng tôi có tập hợp đấy chứ, có mời đại diện của tất cả các bên tham dự”.

Nhưng tại cuộc họp hôm qua của Hội MTXD, thành viên của Hội - đại đa số công tác trong ngành xây dựng- lần đầu tiên mới được tiếp cận tài liệu của Quy hoạch chung do Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị mang đến và mời góp ý.

Và không hiểu Bộ Xây dựng tập hợp chuyên gia thế nào mà, đến hôm qua, ông Cục trưởng Cục Phát triển Xây dựng mới biết Hội MTXD đã và đang làm ĐMC Hà Nội, một phần việc rất quan trọng mà Bộ Xây dựng cũng phải làm cho Quy hoạch chung.

Đáng nói nữa, ĐMC Hà Nội mà Hội MTXD thực hiện lại do Bộ Tài nguyên&Môi trường đặt hàng.

“Đồ án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đã và sẽ được tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp”, công văn của Bộ Xây dựng gửi Tiền Phong ngày 9-2-2010 viết.

Thế nhưng, mãi đến ngày 26-2-2010, cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng mới đưa tóm tắt Quy hoạch chung để lấy ý kiến.

“Tóm tắt có 10 trang trong tổng số hàng trăm trang và chỉ một bản đồ trong tổng số hơn 30 bản đồ thì công chúng khó mà góp ý được cho ra hồn”, GS.TS Nguyễn Hữu Dụng, Hội MTXD, lo ngại.

Hội MTXD là một trong những hội nghề nghiệp gần gũi Bộ Xây dựng nhất, thế mà quan chức Bộ Xây dựng chỉ mang một phiên bản với một bộ ảnh màu đến cho gần 30 thành viên của Hội có mặt tại cuộc họp.

Ông Chủ tịch Hội MTXD mấy lần đề nghị gửi ảnh màu 31 bản đồ qua email để tất cả các chuyên gia thành viên của Hội có thể xem được ảnh màu, để họ có thể nêu ý kiến phản biện sát thực hơn.

Phản hồi của đại diện Bộ Xây dựng trước yêu cầu của các chuyên gia là im lặng.

MỚI - NÓNG