Vụ 'Trăng nghẹn': Không mới nhưng lạ, hiếm

Vụ 'Trăng nghẹn': Không mới nhưng lạ, hiếm
TP - Một bài thơ được giải của một cuộc thi thơ cấp liên tỉnh bỗng gây chú ý rộng rãi khi nó bị sức ép khiến có nguy cơ mất giải. Trong nghề, người cho rằng việc này không mới, kẻ lại bảo xưa nay hiếm.

>> Vụ 'Trăng nghẹn' có 'nghẹn' giải Nhất

Hoài Tường Phong, tác giả bài thơ Trăng nghẹn được ban giám khảo chấm giải nhất cuộc thi thơ Đồng bằng Sông Cửu Long do các hội văn học nghệ thuật trong khu vực liên kết tổ chức, khẳng định trên báo Tiền Phong ngày 12-3 rằng ông sẽ không rút khỏi giải dù có bị sức ép.

Vậy là kết quả được ban giám khảo chọn nhưng giải có đến được người nhận hay không, còn phải chờ. Giới chuyên môn nghĩ gì về vụ việc này?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Không mới nhưng vẫn lạ”

Tôi đọc bài thơ Trăng nghẹn qua báo chí, thấy bài thơ hoàn toàn phù hợp với tiêu chí cuộc thi. Chất lượng nghệ thuật chưa phải xuất sắc nhưng bài thơ rất chân thật và đặc biệt, nói được một thực trạng và, từ thực trạng đời sống ấy, bộc lộ được tâm trạng của mình.

Vụ 'Trăng nghẹn': Không mới nhưng lạ, hiếm ảnh 1
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Một khi ban giám khảo chọn trao giải cho nó, nghĩa là cần tôn trọng sự đánh giá ấy. Mọi sự qui kết với cái nhìn dung tục bắt phải áp vào thực tế, sai đúng đến đâu so với thực tế, đều là phản nghệ thuật, phản văn học.

Tưởng đã qua rồi thời ấu trĩ, soi chiếu đời sống vào tác phẩm và hiện thực một cách thô thiển. Nhớ lại vụ Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư cũng bị qui chụp thô thiển, bắt tác giả làm kiểm điểm.

Rồi Trăng nghẹn và vài vụ khác nữa, thì thấy thật đáng lên tiếng. Chuyện đáng buồn và đáng lo. Tôi rất đồng tình khi được biết dù bị áp lực nhưng ban giám khảo quyết bảo lưu kết quả còn người được giải cũng có ý kiến thẳng thắn.

Theo tôi nguyên nhân của những vụ việc như Trăng nghẹn là do cách đánh giá tác phẩm thiếu nền tảng lý thuyết, thiếu cập nhật, không nắm được đặc trưng của văn nghệ. Tác phẩm viết về lịch sử cũng rất hay bị so sánh đối chiếu một cách thô thiển.

Nhà thơ Thanh Thảo: “Chuyện hiếm”

Vụ 'Trăng nghẹn': Không mới nhưng lạ, hiếm ảnh 2
Nhà thơ Thanh Thảo

Bài Trăng nghẹn được giải nhất cuộc thi thơ, có nghĩa là ban giám khảo xem xét lựa chọn nó trong bối cảnh cuộc thi. Trong các bài dự thi, có lẽ nó là bài hay nhất. Còn bài đó có hay thật không là chuyện ta không nên xét ở vụ việc này.

Trước nay các cuộc thi nếu có bị can thiệp thì là can thiệp ngay từ đầu, như đề nghị tác giả rút khỏi danh sách dự giải. Còn khi đã công bố kết quả rồi mà còn lấy lý do này lý do khác để gạt đi thì là chuyện chưa từng có.

Trăng nghẹn được chấm theo qui trình của một giải thưởng văn học, dù chỉ là giải thưởng cấp tỉnh. Nay nếu dùng một qui trình khác, phi văn học để giải quyết vấn đề văn học thì quả là một điều không nên.  

Là thành viên Hội đồng thơ - Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm, khi chấm, ông có bị sức ép của cấp trên hay các tác giả? Nghe nói dạo này ông thờ ơ với việc chấm giải?

Nhà thơ Thanh Thảo: Hội đồng thơ chưa bao giờ bị sức ép bắt phải thế này phải thế kia nhưng, mấy năm nay, Hội đồng đưa kết quả giải một đằng thì Ban Chấp hành (Hội Nhà văn VN) lại chấm một nẻo.

Chuyện các tác giả vận động, lobby là chuyện bình thường. Thế giới người ta vẫn làm như vậy. Mình phải chấp nhận chuyện đó. Người ta vận động hành lang- mình nghe thì nghe, không nghe thì thôi.  

MỚI - NÓNG