Ngư dân bị tàu nước ngoài tấn công: Sợ hơn cả bão

Ngư dân bị tàu nước ngoài tấn công: Sợ hơn cả bão
TP - Chuyện tàu đánh cá QNg 96516 TS của ông Dương Thành Phú (51 tuổi, thôn Tây, An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) vừa bị tàu lạ đâm chìm, khiến hàng nghìn ngư dân huyện đảo âu lo về những mối họa mới đang rình rập ngoài biển khơi.

Hơn 30 năm đi biển, chuyến cập bờ ngày 12-3 vừa qua với ông Dương Thành Phú và 17 thuyền viên là một thảm họa.

Con tàu bị tông chìm khi khoản nợ 500 triệu đồng vay mượn đóng tàu chưa kịp trả, trong khi mỗi thuyền viên mất thêm khoảng 10 - 20 triệu đồng bù tổn phí cho chuyến ra khơi.

Ngư dân dạn dày biển cả Bùi Triết (56 tuổi, thôn Tây) lo lắng: Biển cả càng ngày càng hung dữ với bão táp nhưng thêm vào đó là sự xuất hiện của các tàu nước ngoài kể cả  tàu chiến ở những vùng biển thuộc chủ quyền của ta nhưng xa bờ.

Nếu không kịp thời phát hiện thì chuyện như ông Phú, hay mất mát tài sản diễn ra thường xuyên.

Ông Triết nhớ lại, gần 30 năm bám biển, mưu sinh, ông có đến hàng chục lần đối diện với bão lớn, thậm chí không ít lần phải đi giữa tâm bão. Tuy nhiên, điều này không làm ông ám ảnh cho bằng đợt bị ngư dân nước ngoài nhảy bổ lên tàu đập phá, nổ súng uy hiếp để đẩy đuổi mình ra khỏi vùng biển mà chủ quyền là của mình.

Ngày đó, tàu QNg 6209TS của ông đang đánh bắt. Giữa trưa, hơn chục thuyền viên chia ca nhau xuống biển lặn hải sâm. Bất chợt, cả thuyền phát giác 2 - 3 chiếc tàu to bự, dài đến 50 - 60m, rộng chừng 5 - 6 mét, mã lực lên đến 500 CV đang vây hãm.

Rồi một chiếc ca nô được thả xuống biển, bên trên có 4 ngư dân lực lưỡng hăm hăm súng đe dọa. Nhóm người này nhảy bổ lên tàu, đập phá hết các thiết bị định vị, ra đa, máy móc rồi đánh đập anh em trên tàu mà không một ai dám phản ứng gì... Xong đâu đấy, họ lại lên ca nô và rồ ga phóng mất.

Không còn thiết bị hỗ trợ dò tìm, thuyền ông Triết đành phải mò mẫm tìm cách cập bờ sớm. Chuyến đi biển bị lỗ vài chục triệu, đọng lại là nỗi ám ảnh bị uy hiếp trên biển khiến ông Triết hơn một năm sau phải bán con tàu của mình, không dám mưu sinh ngoài vùng biển xa.

Không ít lần bị uy hiếp, trấn cướp, ngư dân Lý Sơn vẫn kiên trì đánh bắt cá một phần vì mưu sinh, một phần là để góp phần giữ vùng biển chủ quyền của mình, không thể để các tàu nước ngoài mặc sức lấn tới

“Kình ngư” Bùi Thượng (69 tuổi, An Hải) - ngư dân Lý Sơn đầu tiên đóng tàu lớn ra biển đánh bắt có hơn 50 năm với nghề biển không khỏi bất an: Trước đây, chúng tôi dong thuyền ra khu vực đánh bắt, gặp tàu nước ngoài nhưng cả hai bên nhìn nhau rồi cứ thế đánh bắt mà chẳng xảy ra đụng độ gì. Nhưng gần chục năm nay, tình hình đổi khác. Tàu cá của ngư dân Lý Sơn, các tỉnh miền Trung liên tục bị tàu nước ngoài uy hiếp.

Mới đây nhất, trong chuyến ra khơi sau Tết, tàu QNg 96004 TS của ông Lê Tân (An Hải, Lý Sơn) cũng bị thủy thủ trên tàu lạ ngang nhiên nhảy lên đập phá rồi lấy hết vài tấn cá vừa đánh bắt được.

Trước đó, vào tháng 11-2009, tàu ông Tân cùng 3 tàu đánh bắt cá của ngư dân Lý Sơn đang đánh bắt cũng bị lực lượng tàu này uy hiếp, rồi chiếm luôn hai tàu.

Tàu ông Tân có công suất nhỏ nên được thả cho về cùng với các ngư dân trên hai con tàu bị mất. Tưởng yên thân, ngay trong chuyến ra khơi đầu năm, tàu QNg 96004 lại tiếp tục bị uy hiếp, cướp cá...

Sợ hơn cả bão

Ông Dương Nhật - Chủ tịch UBND xã An Hải (Lý Sơn) cho biết: Chỉ tính riêng năm 2009, đã có 3 ngư dân của xã bị tịch thu thuyền, số tàu bị uy hiếp, đập phá tài sản lên đến cả chục trường hợp.

Thống kê từ UBND huyện Lý Sơn: Trong vòng 10 năm lại đây toàn huyện đã có hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ bị đuổi bắt, giữ tàu, tịch thu tài sản và bắt giữ người vô cớ.

Theo ngư dân Bùi Thượng, sở dĩ tàu của ngư dân Lý Sơn dễ bị bắt nạt vì công suất nhỏ. Trong khi đó, tàu nước ngoài thường to, công suất lớn gấp 3 - 4 lần.

Các tàu này lại có trang bị vũ khí, đi thành từng nhóm nên khi bị uy hiếp, ngư dân chỉ biết cắn răng chịu đựng.

“Đi biển bao nhiêu năm, khổ cực đều nếm trải, ngư dân chúng tôi không còn sợ bão như trước đây vì có thiết bị thông báo, định vị để kịp thời tìm nơi tránh. Nhưng sự xuất hiện của các tàu nước ngoài này đúng là một nỗi ám ảnh, khiếp đảm mới khó lường được” – ngư dân Bùi Triết buồn bã.

Nghề biển ngày càng khó khăn, không ít ngư dân đành phải bấm bụng chịu thêm phí tổn để chạy đến những vùng biển an toàn. Anh Thiện bộc bạch: Mỗi con tàu là sinh kế của cả chục gia đình nên không cẩn thận sao được.

Ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Toàn huyện có gần 400 tàu thuyền các loại với 2.600 lao động. Trước mắt huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân đừng đánh bắt quá xa, nhất là những vùng nguy hiểm, đồng thời xác minh và kiến nghị lên các ngành chức năng tìm biện pháp phù hợp.

MỚI - NÓNG