Trống đồng nghìn rồng: Nguy cơ phạm húy

Trống đồng nghìn rồng: Nguy cơ phạm húy
TP - Trống đồng có hình nghìn rồng có nguy cơ phạm húy khi chỉ nhắm tới con số thiêng 1.000 con rồng Lý mà không quan tâm tới triết lý văn hóa cần có của một trống đồng.

Chiếc trống này nằm trong chương trình đúc 101 trống đồng nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long, dự kiến tặng Hà Nội tháng 10 tới.

Trống đồng nghìn rồng: Nguy cơ phạm húy ảnh 1
Trống đồng nghìn rồng: Nguy cơ phạm húy ảnh 2
Nắp hộp sứ và ngói ống in họa tiết rồng

Nghìn rồng, nghìn rồng … lại nghìn rồng

Dự án này do Ban Chỉ đạo đại lễ nghìn năm Thăng Long, Hội Khoa học Lịch sử VN, Hội Di sản Việt Nam, Hội Di sản và Cổ vật Thanh Hoa (Thanh Hoá) tổ chức thực hiện.

Người trực tiếp thiết kế và đúc trống nghìn rồng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghề đúc đồng, phục hồi văn hóa Việt, nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “1.000 con rồng thời Lý sẽ xuất hiện trên cả mặt và thân trống.

Trong đó, trên mặt trống sẽ có 276 con. Một rồng Lý lớn sẽ ở ngay chính giữa mặt trống, trong vòng tròn có đường kính 25,5 cm. Đầu rồng chui vào giữa, chân rồng thay vào các cánh sao.

Những rồng nhỏ có kích thước cao 4 cm, dài 4,5 cm trên nền gấm được phân bổ đều trên 7 vòng tròn. Số rồng còn lại sẽ nằm ở thân trống”.

Ông Tuấn cũng khẳng định để hoàn thành thiết kế này ông đã nghiên cứu các trống đồng, hình rồng Lý khá kỹ lưỡng. Nền gấm và rồng hoàn toàn dựa trên nguyên mẫu trống đồng thời Lý.

Trên mặt trống còn có một cặp cóc, một cặp rùa nằm đối xứng mà theo lời Ban tổ chức cũng làm hoàn toàn theo mẫu trên trống đồng.

Song vấn đề nằm ở chỗ hình tượng, hoa văn, họa tiết đơn lẻ không làm nên giá trị của cả một chiếc trống đồng. Giá trị của trống phần lớn nằm ở chỗ những yếu tố đó được sắp xếp như thế nào cho có ý nghĩa.

Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên họa tiết trống đồng lại nằm trong những vòng tròn với chiều xoay ngược kim đồng hồ. Người xưa đã mang vào đó quan niệm của mình về quy luật lan truyền của vạn vật, từ phải sang trái theo quan niệm Phương Đông.

Trên thực tế, những hoa văn trên trống đồng của từng giai đoạn, từng địa điểm cư trú đều được ghi khắc theo hệ thống riêng thì chúng vẫn có hằng số văn hóa chung.

Và điều này, chắc chắn, để thực sự là trống đồng, chiếc trống Nghìn rồng không được phép bước qua, ngay cả khi nó không phải là trống phục dựng và kinh phí hoàn toàn xã hội hóa. Đặc biệt là khi nó được coi như vật cung tiến nhân Đại lễ nghìn năm mới có một lần.

Về việc “sử dụng ồ ạt” hình tượng rồng của trống, chuyên gia nghiên cứu trống đồng PGS. TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học nói: “Từ cổ chí kim, việc sử dụng hình tượng rồng trên trống đồng rất ít. Có thể nói đó là những chiếc trường hợp cực kỳ cá biệt”.

Còn theo Viện trưởng Viện Khảo cổ học, PGS.TS Tống Trung Tín: “Chỉ dựa vào ý tưởng nghìn năm đã có quá nhiều người ăn theo con số thiêng này. Chính vì thế nếu chỉ cứ nghìn rồng rồi lại nghìn rồng, mà không “tựa vào” những giá trị văn hóa lịch sử khác thì cảm xúc về chiếc trống sẽ vô cùng nhàm chán”.

Diệt gọn “văn hóa trống đồng”

PGS.TS Đặng Văn Lung, Viện Văn học (Trung tâm KHXH&NV quốc gia) cho rằng hoa văn trống đồng chính là sự thể hiện những lễ hội nông nghiệp, ngày hội được mùa, với mọi hoạt động văn nghệ dân gian. Với vai trò một chủ đề rõ ràng, thống nhất, trên các hoa văn, hội làng đồng thời cũng trở thành hằng số văn hóa của trống.

Và điều này, trên mặt trống nghìn rồng, rõ ràng hoàn toàn không có. Trong khi đó, với lễ hội nghìn năm, chúng ta thực sự đã có, sẽ có rất nhiều ngày hội nhỏ chào mừng mà bản chất của nó cũng không gì khác là hội làng.

Cũng theo ông Lung, việc giã cối nghi lễ (nhân dân gọi là lối đâm đuống) nhiều khả năng đã sinh ra tục đánh trống đồng của người Việt thời Hùng Vương.

Bản thân trên mặt trống đồng cũng thể hiện rõ hai hay bốn người đánh lên mặt trống bằng chày đứng... Điều đáng chú ý ở tục đánh trống đồng là hình thức đánh đập ngang vào hình tượng mặt trời để gọi nước cầu mưa.

Ngoài ra, họa tiết hoa mặt trời ở chính giữa trống còn là sự thể hiện trung tâm vũ trụ. Từ trung tâm này vạn vật lan tỏa ra theo các hướng, có thể nhìn thấy rõ ở các cánh sao.

Trong khi đó, chính giữa tâm trống đồng dâng tặng Đại lễ lại “chĩnh chện” một hình rồng. Sản phẩm “thời đại” này sẽ nói lên minh triết gì của hôm nay nếu đem hình tượng vốn chỉ dùng cho vua ra làm trung tâm vũ trụ?

Chưa kể, việc tạo hình rồng như nghệ nhân miêu tả ở trên tỏ ra rất bất cập nếu lấy làm trung tâm trống về mặt không gian. Trước đó, hình tượng rồng Lý cuộn tròn thường được dùng trên các đầu ngói. Với đầu ngói, đầu rồng tuy nằm giữa nhưng vẫn đội trời nhờ đặt đúng chiều và người ngắm thường chỉ nhìn từ dưới lên.

Trống đồng, trái lại, được ngắm khi đi quanh trống. Như vậy, sẽ có lúc ta nhìn rồng từ đỉnh đầu trở xuống. Nếu so sánh với sự mở ra các hướng của hoa mặt trời sẽ thấy rất rõ hạn chế này.

Ông Tuấn cho biết: Nhiều khả năng trống sẽ được đúc theo phác thảo trên. Chúng tôi cũng sẽ thay đổi nếu có góp ý song trong buổi họp báo (ngày 16-3-2010, diễn ra chưa đến 2 tiếng - NV) không thấy có ai phản đối cả”.

Về điều này, PGS.TS Trịnh Sinh cho rằng: “Nhìn chung, làm theo phác thảo hiện nay cũng không ai cấm được nhưng giá trị văn hóa của trống không cao”. Trong khi đó, theo Ban tổ chức khi thực hiện chiếc trống này, họ thực sự muốn hướng tới việc quảng bá giá trị văn hóa truyền thống.

MỚI - NÓNG