Thế mới là hội

Thế mới là hội
TP - Một lễ hội còn giữ được dáng dấp truyền thống, vui nhưng trật tự. Vẫn là hội của dân. Chính quyền chỉ tham gia một phần, còn lại đều do làng cử ra. Đó là hội chùa Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, từ 19 đến 21 - 3).
Thế mới là hội ảnh 1
Toàn cảnh chùa Nành

Ba ngày hội nườm nượp người tứ xứ, len chật ngõ nhưng trật tự. Hội chùa làng Nành năm nay to. Dân trong xã và mấy doanh nghiệp góp được ba trăm triệu đồng. Chính quyền hỗ trợ một phần.

Ngày đầu, mồng bốn cũng là ngày giỗ tổ của nhà chùa, khách thập phương ngồi choán bốn trăm mâm cỗ đón khách. Mâm từ sáu đến tám người ăn, vậy là đến hai ngàn rưỡi người ở xa về. Đó là chưa kể có người không biết lệ đón khách của làng, không dùng bữa.

Còn khách đến hội biết báo ăn thì nộp chút tiền mọn một hai chục ngàn lấy lệ cho ban tổ chức. Các vãi từ Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hải Phòng xe đò dập dìu kéo nhau tề tựu từ hôm trước.

Mấy gian hậu chùa chiếu hoa giải kín cho người về lễ nghỉ qua đêm. Nhà chùa sắm đủ chăn màn phòng rét mướt. Hậu chùa như một cái nhà trọ khổng lồ không vách ngăn, vẫn là nơi giao lưu như mọi năm của các vãi hành hương.

Mấy vãi từ Sóc Sơn về đem theo cơm nắm muối vừng. Các bà bảo đã đi chùa nhiều: “Ăn thế quen rồi, cơm nắm mát dạ ông ạ”. Tôi sà vào ngồi cùng, xắt cơm nắm chấm muối vừng ăn ghẹ,  thấy vị cơm hôm nay  ngọt đậm đà.

Ninh Hiệp chín xóm thì năm xóm có đình. Ngày mồng năm có năm đám rước thành hoàng lên chùa. Đám nào cũng cờ xí rợp trời, long đình uy nghi, mâm lễ trang trí thật khéo. Đám rước nào cũng có đội bát âm cử nhạc hành tiến, rồi đội múa sênh tiền hai hàng tiên đồng trai gái tuổi 13 đi đầu dọn đường. Từ các cháu đến các vãi cầm cờ lệnh, bát bửu đều son phấn cho phù hợp với áo xanh quần sa tanh trắng, áo đỏ thêu hoa cầu kì.

Thế mới là hội ảnh 2
Đám rước. Ảnh: Đỗ Đức

Với người Nành, hội từ trong lòng hội ra. Lại không chỉ ở các bà các cô các cháu, mà cánh đàn ông cũng vậy. Hội thơ Ninh Hiệp trang trí hội trường thật oách, đón khách thơ. Các bà lễ bái, rước kiệu thì các ông bảo nhau rước thơ phú. Tôi nhận ra làng mình một năm hóa ra có hai cái tết. Một cho gia đình là tết âm lịch, còn tết chung cho làng xã chính là hội chùa.

Chiều mùng sáu (tháng hai âm lịch) kết hội, đám rước thần từ Thạch Sàng về chùa, nơi nghỉ tối của đức Khâu Đà La năm xưa về truyền đạo. Đám rước trên nghìn người, đội múa rồng dẫn đường. Phường bát âm, các đội múa sênh tiền của đồng nam đồng nữ các thôn. Quãng rước chừng năm trăm mét mà đông nghẹt người, chật như gói giò, rợp bóng cờ phướn lọng tàn, sắc đỏ rực chen sắc vàng xanh. Khung cảnh thật hoành tráng.

Đó là những buổi “diễn” mỗi năm một lần hướng về cội nguồn chưa bao giờ có trên sàn diễn. Hẳn nào mà từ trẻ đến già ai cũng nhớ hội, cứ thấy sau Tết là nhắc nhau về.

Hội chùa, cái Tết chung của làng thành ra đông vui hơn cả Tết âm lịch. Các trò chơi cờ bỏi, đấu vật, cầu lông, cầu chinh, hát cải lương, tuồng Đa Hội, quan họ Bắc Ninh... Quan họ hát trên ao rối, một “gánh hát” có bốn  cô ở  Xóm Ngành tận Lạng Giang, Bắc Giang cùng ba nhạc công gánh gồng đồ lề xin được hát bên tả mạc chùa.

Thôi thì chầu văn, quan họ ca khúc mới hòa nhau. Đúng là vui, ầm ĩ như hội. Người nào việc ấy, chỗ cúng lễ, chỗ vui chơi,  biểu diễn, đấu vật, thể thao (bóng chuyền hơi cho người cao tuổi) ...Việc ai nấy làm.

Năm nay, làng có thêm đội múa trống toàn các bà cữ trên dưới 60. Cũng là phong trào tự phát trong dân. Họ mời thầy về hướng dẫn rồi tự tập. Mấy xóm có đội múa trống U60 rồi! Tiếng trống U60 giòn đều nhịp nhàng trong đám rước, múa thì nhanh nhẹn khác gì thanh niên.

Bất chợt nhớ Ea Sola, đạo diễn múa người Pháp gốc Việt hoặc Đào Anh Khánh,  tìm đến người thôn quê làm nghệ thuật. Có cái gì vụng về nhưng chân chất, chẳng màu mỡ riêu cua mà cuốn hút.

Ban tổ chức làm một triển lãm cây cảnh của các gia đình trong xã. Đẹp, có cây giá vài trăm triệu đồng. Làng Phù Đổng cũng cử một đội múa lân - rồng hơn chục người sang góp vui.

Một chị bảo đội chúng em ở bên Gióng, mới lập mấy năm nay, nơi nào hội mời thì đi, chúng em đều là dân làm nông cả. Đi khắp Hà Nội rồi đấy. Mồng năm Tết vừa rồi, đội múa rồng của chúng em còn múa tại hội Gò (Đống Đa). Ngoài Hà Nội họ mời...

MỚI - NÓNG