Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam:

Quy hoạch Hà Nội, 11 thiếu sót

Quy hoạch Hà Nội, 11 thiếu sót
TP - Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam nêu ra 11 thiếu sót chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

>> Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chưa nên thông qua

Quy hoạch Hà Nội, 11 thiếu sót ảnh 1
TS Phạm Ngọc Đăng: Di dời trung tâm hành chính quốc gia là thiếu sót đáng quan tâm nhất

Hôm qua, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (MTXDVN) chính thức gửi công văn (số 08/2010/HMTXD) lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên&Môi trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hội đồng Thẩm định Quốc gia về đồ án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến Năm 2030 và Tầm nhìn đến Năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội), nêu ra 11 thiếu sót chủ yếu của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Nhân sự kiện này, Tiền Phong có cuộc phỏng vấn GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội MTXDVN, đồng thời là Ủy viên Hội đồng Phát triển Bền vững Quốc gia, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về hài hòa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Thưa ông, nếu gọi là thiếu sót trong Quy hoạch, bản nhận xét của Hội MTXDVN gửi lên các cấp lãnh đạo chỉ ra bao nhiêu thiếu sót?

Nhóm 31 chuyên gia thống nhất chỉ ra cả thảy 11 thiếu sót, trong đó, có ba thiếu sót đáng lưu tâm nhất. Đấy là việc di dời trung tâm hành chính quốc gia, di dời 400.000 dân khỏi khu vực nội thành, và quy hoạch xây dựng thành phố hai bờ sông Hồng.

Thất sách

Chuyển trung tâm hành chính quốc gia của Thủ đô Hà Nội lên Hòa Lạc, Ba Vì, như đề xuất trong Quy hoạch, có thiếu sót thế nào?

Trung tâm hành chính quốc gia là hạt nhân quan trọng nhất của một thủ đô, 198 nước/200 nước trên thế giới đều đặt ngay tại trung tâm thành phố thủ đô.

Chuyển trung tâm hành chính quốc gia (trụ sở chính phủ, các bộ/ngành, các sứ quán, trung tâm hội họp quốc gia và quốc tế, kéo theo sẽ là các trung tâm khác như văn hóa, dịch vụ, khách sạn, thương mại, tài chính,v.v) lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, là không phù hợp với giá trị nghìn năm lịch sử của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, là thiếu coi trọng Chiếu Dời đô của Hoàng đế Lý Công Uẩn.

Chiếu Dời đô thực chất là chiếu dời trụ sở bộ máy đầu não điều hành hành chính của quốc gia (nay ta gọi là trung tâm hành chính quốc gia)  từ Hoa Lư ra mảnh đất thiêng Thăng Long, chứ không phải là di chuyển cả đô thành Hoa Lư. Nay quy hoạch chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, xét cho cùng, chẳng khác nào dời đô lần thứ hai.

Việc dịch chuyển như thế là chưa kế thừa các quy hoạch Hà Nội từng được phê duyệt, đặc biệt là thành quả mấy chục năm gần đây xây dựng nên trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Đình và mở rộng sang khu Mỹ Đình, gắn bó hữu cơ với trung tâm chính trị, lịch sử và văn hóa Thủ đô.

Mặt khác, làm như thế là chuyển dịch trọng tâm Thủ đô lên phía tây, làm sai lệch vị trí Thủ đô Hà Nội là trung tâm của hai hành lang, một vành đai kinh tế quốc gia và quốc tế, khiến trung tâm Hà Nội trở nên xa hơn với trục phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Ninh, và không phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thời đại là hướng ra biển.

Không những thế, dịch chuyển như vậy còn không tuân theo nguyên tắc rất cơ bản của việc xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển “Ngắn hạn phải phù hợp với định hướng dài hạn”.

Việc dịch chuyển sẽ gây bất ổn định về quy hoạch. Quy hoạch xây dựng trụ sở chính phủ, các bộ/ngành, các sứ quán ở Hà Nội hiện nay chỉ có tính tạm thời đến năm 2030, sau năm 2030 phải thay đổi mục đích sử dụng.

Ngược lại, ở  khu vực Hòa Lạc - chân núi Ba Vì, phải quy hoạch dành hàng trăm hécta đẹp nhất, dự trữ cho xây dựng trung tâm hành chính quốc gia, phải xây dựng đường giao thông nối Hà Nội với Hòa Lạc - chân núi Ba Vì với quy mô lớn và hiện đại, trong khi chưa rõ có chắc chắn cần dùng đến nó trong tương lai không.

Các điều kể trên sẽ dẫn đến sự lãng phí kinh tế lớn. Sau năm 2030, sẽ có nguy cơ gây ra xáo trộn hệ thống giao thông, thị trường bất động sản, cuộc sống  của hàng vạn  người và dẫn đến chi phí vận hành (chi phí hoạt động) của Thủ đô Hà Nội lớn hơn nhiều so với giữ nguyên trung tâm hành chính quốc gia ở Hà Nội hiện nay.

Nhưng giữ nguyên Thủ đô hành chính như hiện nay thì làm gì còn đất để phát triển, thưa ông?

Còn chứ. Có thể phải mở rộng trung tâm hành chính quốc gia ở ngay Hà Nội, tại khu đất phía tây nam Hồ Tây. Đất rất đẹp, điều kiện địa chất - thủy văn rất tốt, như quy hoạch Hà Nội trước đây từng lựa chọn.

Chứ còn vùng chân núi Ba Vì chỉ thích hợp cho bảo vệ thiên nhiên, du  lịch sinh thái và là vùng tâm linh quan trọng của Hà Nội mở rộng. Đấy còn là vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Vì, là thảm sinh thái thiên nhiên và thảm sinh thái nông nghiệp, rừng đầu nguồn, rất quý giá và rất cần được bảo tồn.

Nếu xét về mặt an ninh quốc phòng, quy hoạch tập trung các cơ quan đầu não quốc gia vào một địa điểm hẹp còn là bất lợi về an ninh quốc phòng.

Không nên quên

Khoảng 45 năm trước, cũng từng có một  đồ án quy hoạch chuyển trung tâm Thủ đô Hà Nội lên tỉnh Vĩnh Phúc. Ông có biết vì sao đồ án đó không thành không?

Không những biết mà tôi còn biết quá rõ. Đồ án ấy do Bộ Xây dựng trình và đã được phê duyệt và thực thi khoảng trên 15 năm.

Rất nhiều nhà khoa học phản đối. Phản đối mạnh nhất là cố GS Trần Đại Nghĩa - Anh hùng Lao động (lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước). Ý kiến của GS là không nên quy hoạch trung tâm xây dựng Hà Nội mới ở Vĩnh Phúc.

“Các nội dung Quy hoạch Chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đạt kết quả tốt, bám sát nhiệm vụ quy hoạch chung, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội (đã được phê duyệt)...” Công văn số 66/BXD-KHCN của Bộ Xây dựng gửi Báo Tiền Phong ngày 9-2-2010.

Theo tính toán sơ bộ của Giáo sư thì khu đất quy hoạch xây dựng Hà Nội mới với số dân 50 vạn người ở Vĩnh Phúc sẽ không có đủ nguồn nước mặt, cũng như nguồn nước ngầm phục vụ dân sinh. Nếu lấy nước từ xa hoặc phải đào con sông qua đô thị mới để có đủ nước phục vụ dân sinh thì quá đắt, không khả thi.

Mặt khác, điều kiện kinh tế đất nước hoàn toàn không có khả năng đầu tư xây dựng một thành phố Hà Nội mới to lớn như vậy, trừ trường hợp giống  như Ba Lan được Liên Xô giúp đỡ xây dựng lại Thủ đô Warsawa sau chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Đấy là chưa kể chi phí vận hành (hoạt động) của Thủ đô tương lai gồm hai đô thị chính là Hà Nội cũ và Hà Nội mới, lại cách nhau 50 km, sẽ vô cùng lớn, nền kinh tế nước ta còn nhỏ bé sẽ không chịu đựng được.

Ý kiến của GS là vô cùng đúng đắn, nhưng khi đó không được thừa nhận. Mãi 15 -20 năm sau, đồ án quy hoạch được thẩm duyệt ấy mới bị huỷ bỏ. Nhưng trong 15-20 năm ấy, không ít công trình xây dựng kiên cố mọc lên theo quy hoạch Hà Nội mới, như Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự của Bộ Quốc Phòng, Viện Nghiên cứu Hình sự của Bộ Công an ở khu vực Hương Canh, Nhà máy bê tông đúc sẵn Đại Tú, khu nhà ở Xuân Hòa (sau khi hoàn thành xây dựng nhiều năm không có người sử dụng), v.v

Đến nay vẫn chưa ai đánh giá chính xác thiệt hại kinh tế do sai lầm của quy hoạch gây ra, nhưng chắc chắn là rất lớn.

Cố GS Trần Đại Nghĩa là một trí thức học tập ở nước ngoài, được Bác Hồ đưa về nước phục vụ Tổ quốc năm 1946, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Ông là một trí thức tài ba lỗi lạc, sống bình dị và là một tấm gương về đạo đức sáng ngời cho tầng lớp trí thức nước ta noi theo. Vào thập niên 60 -70 của thế kỷ trước, GS Trần Đại Nghĩa còn góp ý phản biện xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình theo phương án ngầm hay nổi (thông thường).

Bài học 45 năm trước, theo tôi, xin đừng quên.

Dời 400.000 dân khỏi nội thành - không khả thi

Liên danh Tư vấn Quốc tế PPJ đưa ra quy hoạch di dời 400.000 dân khỏi nội thành Hà Nội đến năm 2030, vì sao các nhà khoa học lại cho rằng không khả thi?

Quy hoạch giảm dân cư ở 4 quận nội thành cũ đến năm 2030 còn 80 vạn người thực ra từng được đề ra trong Quy hoạch Hà Nội năm 1998. Kết quả thế nào, ai cũng biết.

Hiện nay, dân số ở 4 quận nội thành cũ đã tăng lên gần 1.200.000 người.  Quy hoạch chung mà PPJ xây dựng lặp lại chỉ tiêu không thành hiện thực nói trên. 

Rất nhiều công trình cao tầng đồ sộ, các trung tâm dịch vụ, các khách sạn, cửa hàng, các trung tâm thương mại, các chung cư cao tầng, được xây chen trong 4 quận nội thành thời gian qua, đè nặng lên hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu của Hà Nội, là nguyên nhân chính làm tăng dân số và làm tăng đột biến số lượng khách vãng lai, là nguyên nhân cơ bản làm tăng ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí và tình trạng căng thẳng về giao thông của Hà Nội.

Tỷ lệ số dân trong nội thành hiện sống với điều kiện nhà cửa chật hẹp, thiếu điều kiện vệ sinh là ít, chủ yếu chỉ gồm một số gia đình sống ở 36 phố cổ và ở xóm liều, xóm bụi.

Có nghĩa là trong số dân nội thành, số người tự nguyện chuyển ra ngoại thành để có điều kiện sống tốt hơn rất nhỏ. Việc cưỡng chế di chuyển nơi cư trú đối với dân cư nội thành để đạt chỉ tiêu nêu ra là không thể được.

Vậy theo các ông, phải làm thế nào?

Quy hoạch chung phải nghiên cứu kỹ chỉ tiêu giảm số dân nội thành này để có tính khả thi hơn. Chúng tôi kiến nghị phải triệt để chấm dứt tình trạng quy hoạch xây dựng ở nội thành bất hợp lý như đã và đang diễn ra.

Mặt khác phải  tích cực đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị  đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật đô thị cho số dân hiện có.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
Thực hiện

Theo Hội MTXDVN, Quy hoạch chung có 11 thiếu sót:

1. Muốn Thủ đô Hà Nội “Xanh - Văn hiến - Văn minh và Hiện đại”, trước hết TP Hà Nội (đô thị trung tâm) phải là  đô thị “Xanh - Văn hiến - Văn minh và Hiện đại”, trong đó tiêu chí Xanh hết sức quan trọng, còn tiêu chí Hiện đại chỉ nên ở mức phù hợp. Quy hoạch chung chưa đạt được mục đích này.

2. Chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Hòa Lạc - chân núi Ba Vì là thiếu coi trọng giá trị nghìn năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

3. Quy hoạch thành phố hai bên bờ sông Hồng là mạo hiểm và nhiều rủi ro; Quy hoạch tránh Hà Nội phát triển lan tỏa là đúng, nhưng khó thực hiện được.

4. Đến năm 2030 di dời 400.000 dân ra khỏi nội thành Hà Nội là chưa thực tế.

5. Quy hoạch cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải chưa kinh tế, thiếu khả thi.

6. Quy hoạch quản lý chất thải rắn và quy hoạch nghĩa trang cần theo hướng văn minh hơn.

7. Quy hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông vận tải nội đô chưa cụ thể.

8. Quy hoạch phát triển các khu/cụm công nghiệp và các làng nghề phải phù hợp với bảo vệ môi trường, bảo tồn đất nông nghiệp và phát triển nông thôn (quy hoạch đến năm 2030 sẽ chiếm 73,5% đất nông nghiệp chuyển thành đất khác).

9. Hành lang xanh không đúng sự thật, bảo tồn đa dạng sinh học chưa được quan tâm đúng mức và quy hoạch du lịch chưa cập nhật thông tin.

10. Quy hoạch cần phù hợp với điều kiện địa chất - thủy văn, địa hình, địa mạo của Hà Nội.

11. Quy hoạch còn thiếu tính khả thi.

MỚI - NÓNG